Kẻ trộm cây

.

Thủy nhìn theo bóng lưng bà Nhu rồi chép miệng, lắc đầu. Bà ấy vừa mua một ổ khóa để về khóa cổng. Mấy hôm nay, người mua món này không chỉ có bà ấy.

- Cô bán cho tôi cái ổ khóa nào chắc chắc một tí.

- Sao bỗng dưng bà lại mua ổ khóa thế? - Thủy vốn trầm tính, không hay tò mò chuyện nhà người khác nhưng cô thân với bà Nhu, thuận miệng hỏi luôn.

Thủy hỏi thế là vì ở cái xóm nhỏ như lòng bàn tay, ra ngõ của nhà đầu xóm có thể nhìn thấu tới mái hiên của nhà cuối xóm này, chả mấy ai khóa cửa nẻo bao giờ. Dân ở đây vốn thuần vả lại nhà ai cũng nghèo giống nhau. Người ta chỉ sợ mất trộm khi nhà có thứ gì đáng giá chứ nhìn vào có nhõn cái sân không, bộ bàn ghế xập xệ bày giữa nhà, quần áo lấm lem vắt trên cái dây thập thò nơi thềm thì trộm nào nó thèm ngó.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Như chạm đúng cái sự bức xúc đang ngập trong lòng mà chưa biết xả với ai, bà Nhu cau mặt lại tuôn một tràng:

- Tiên sư cái đứa nào dạo này cứ tới nhà tôi phá trộm hết cây cối cô ạ. Hết bẻ cành vú sữa lại tới mấy cành bưởi non. Đấy, vừa mới sáng nay, tôi tạt sang nhà con gái một tí mà về đã thấy bụi hoa tú cầu tan hoang cả. Bao nhiêu cành to nó bẻ sạch, nhìn mà xót.

- Biết đâu bọn trẻ con nó thấy nhà không có người, nó nghịch dại thì sao hả bà?

- Trẻ con thì thường nó chỉ hái trộm mấy loại trái cây ăn được thôi. Chắc là đứa nào nó muốn phá hoại. Mà tôi ngờ là cái thằng đần hay đi ngang nhà. Mỗi lần đi qua là tay khua rối rít, miệng cười hềnh hệch trông đến phát sợ.

Bà Nhu vốn nổi tiếng là yêu cây, yêu hoa. Bà chăm mấy cái cây của bà kỳ công lắm. Chả thế mà vườn nhà bà cây nào cây nấy xanh um, tươi tốt. Đi từ ngoài ngõ vào nhà, hoa ngập hai bên lối đi. Thủy cũng yêu cây nên Thủy hiểu, gặp phải cảnh này bà rất bực mình, vừa bực vừa xót. Có ai mà không thế khi thấy công sức chăm bẵm quanh năm suốt tháng của mình bị người ta phá không thương tiếc như vậy.

Hóa ra, không chỉ có bà Nhu bị trộm cây. Nhà ông Huân bị cắt mất mấy nhánh hồng Cổ Huế mà ông chăm như chăm con mọn. Nhà cô Tươi thì cây mai đầu cổng cũng trống mất một khoảng vì thiếu mấy cái cành đang hứa hẹn sẽ chi chít hoa dịp tết sắp tới. Nhà anh Phúc mặt mũi vừa hằm hằm vừa ủ dột nhìn mấy cây sầu riêng mà cành bị bẻ nham nhở… Ai tới mua đồ ở quán của Thủy đều kêu trời, bực dọc không để đâu cho hết. Thủy cũng mong kẻ trộm nhanh bị bắt để cuộc sống nơi đây về lại bình thường như cũ. Một mất mười ngờ, mọi người bắt đầu không tin tưởng lẫn nhau. Mà lần đầu tiên trong cuộc đời, Thủy thấy một tên trộm chẳng trộm gì ngoài mấy cành cây. Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mấy cái cành cây ấy thì lấy về làm gì được? Người mất cây thì xót ruột, người trộm cây cũng được gì ngoài mớ củi khô? Thủy lo lắng nhìn mấy chậu cây cảnh trước nhà. Không biết đến khi nào thì đến lượt nhà cô bị trộm.

Chả mấy chốc mùa mưa kéo đến. Những cơn mưa dai dẳng, liên miên kéo tràn từ ngày sang đêm, xuyên từ tuần này sang tuần khác. Trời đất ướt át, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu bàng bạc. Mưa cộng với khí lạnh của mấy tháng cuối năm khiến ai cũng thấy mình trở nên lười biếng, cả ngày chỉ muốn cuộn tròn trong chăn ấm nệm êm. Mấy bông hoa hồng trong chậu Thủy đặt trước sân sũng nước, gục xuống.

Thủy đang ngồi trên chiếc ghế nhựa nhìn bâng quơ ra màn mưa trắng xóa thì bà Nhu đến. Bà muốn mua thùng mì tôm để dành ăn bữa sáng. Thời tiết này chẳng ai muốn ra khỏi nhà.

- Nhà bà có còn bị phá cây nữa không? - Thủy hỏi cho có câu chuyện mà nói, đỡ buồn.

- Bắt được người đó rồi - Bà Nhu trầm giọng.

Thủy thấy lạ. Đáng ra với cái tính nóng như lửa của mình, bà Nhu phải nói về kẻ trộm mà bà ghét cay ghét đắng với một thái độ khác. Hơn ai hết, bà là người muốn bắt được kẻ đó nhất.

- Ai vậy? Cháu có biết không?

- Chẳng những biết mà còn quen mặt. Xóm này ai chả biết. Ông Nhân đấy.

Thủy ngớ người. Cô có thể nghi ngờ bất cứ ai trừ ông Nhân. Ông cụ ấy…

Ông Nhân chuyển đến xóm này mấy năm trước. Con cái đều đi làm ăn xa, ông ngại cái ồn ào, bụi bặm nơi căn nhà nằm ven đường quốc lộ nên bán ở đó về đây xây một căn nhà nhỏ sống đời yên ổn của một cụ già tuổi đã ngoài thất thập. Ông cụ có mái đầu bạc trắng, dáng người nhỏ, khuôn mặt hiền, mến trẻ con, sống biết trước biết sau, hòa nhã với mọi người nên ai cũng quý. Mỗi lần đến quán Thủy mua hàng, ông và cô lại trò chuyện dăm ba câu vui vẻ. Tại sao một người như thế lại làm cái việc khuất tất mà ai cũng ghét? Nhà ông thì có thiếu thốn gì. Thậm chí, nếu ông muốn, mấy đứa con thừa sức mua cho ông, cớ sao phải rình mò, tắt mắt? Vả lại, đi ngang nhà ông, Thủy có thấy ông trồng cái cây nào trước ngõ đâu trừ mấy cái cây có sẵn. Ông có một khoảnh vườn sau nhà nhưng chẳng mấy ai biết ông trồng gì ngoài đó vì tường bao khá cao. Có đến chơi với ông thì cũng chẳng mấy ai đánh bộ ra tận vườn. Thủy cứ tưởng rằng ông chẳng bao giờ đếm xỉa tới cây cối. Thủy thì khác. Cô chẳng thể nào sống mà thiếu cây được. Có lẽ vì thế mà cô bén duyên với mảnh đất này. Nó có thể nghèo đủ thứ nhưng luôn biết nịnh mắt cô bằng màu xanh ngắt quanh năm. Kể cả khi mưa và lạnh bao trùm hết tất thảy thì cũng không thể xóa được màu xanh ấy ra khỏi tầm mắt của cô và của những người khác.

Tiếng bà Nhu đưa cô ra khỏi dòng suy nghĩ miên man:

- Mấy bữa trước bà Huệ đi ra ủy ban xã có việc. Nửa đường mới nhớ ra mình chưa khóa cổng nên quay về. Khổ, cái xóm này bao nhiêu năm nay có ai phải khóa cổng trước khi ra khỏi nhà bao giờ, nên nhiều lúc cũng chẳng nhớ nhung gì đến cái việc ấy. Chính tôi cũng nhiều phen mất công thế đấy. Tôi nói đến đâu rồi ấy nhỉ?

- Bà Huệ đi được nửa đường thì quay về để khóa cửa…

- Bà ấy về, vừa mới kéo hai cánh cổng lại, ngoắc hai ổ khóa vào thì thấy bóng lưng của ai đó nơi cây ổi gần giếng. Người ấy đang giơ con dao lên chặt lấy chặt để vào cành ổi to nhất. Bà chạy ngay tới định bắt tận tay, day tận mặt, la làng lên cho tất cả mọi người đến xem kẻ gian là ai thì hóa ra là ông Nhân. Ai mà ngờ được lại là ông ấy kia chứ. Người đàng hoàng thế kia…

“Người đàng hoàng thế kia”… Câu nói ấy cứ trở đi trở lại trong đầu Thủy. Phải, từ trước tới nay ông Nhân vẫn luôn là một người được tiếng đàng hoàng, đức độ. Ông đã từng là ân nhân của gia đình cô. Cái lần đứa con gái năm tuổi của cô bị hóc hột nhãn, nếu không nhờ ông tình cờ đến mua hàng ngay lúc ấy, nhìn thấy và sơ cứu kịp thời thì có lẽ…

Không chỉ gia đình cô chịu ơn ông. Ông Nhân đã từng làm bác sĩ ngoài trạm xá xã. Biết bao nhiêu người ở vùng này đã được ông giành giật mạng sống từ tay của tử thần. Có lẽ vì vậy mà khi phát hiện ra ông là kẻ trộm cây, người ta thấy ngại hơn là thấy hả dạ. Người ta chẳng biết cư xử sao cho phải lẽ. Không thể coi mọi thứ như chưa từng xảy ra nhưng nếu đổi xử với ông như một kẻ trộm đáng khinh thì người ta cũng không đành. Thế là ai cũng lảng dần. Người ta tránh mặt ông, hầu như không còn ai đến nhà ông. Từ dạo ấy, ông cũng chẳng còn mấy khi ghé quán tạp hóa của Thủy. Thủy đoán ông ấy xấu hổ, chẳng dám gặp và thân thiết với ai nữa. Con cái ở xa, ngôi nhà của ông ngày càng trở nên vắng lặng. Đôi lần gặp ông ngoài đường, Thủy định chào nhưng chưa kịp mở miệng thì ông đã rảo bước đi nhanh qua. không hiểu sao, dù đã biết việc ông làm nhưng Thủy không ghét ông được. Thủy chỉ thấy tội nghiệp.

- Ông ấy có nói vì sao mình làm vậy không bà? - Hôm được bà Nhu cho biết chuyện, Thủy đã hỏi thêm.

- Ông ấy chẳng nói gì, chỉ cúi gằm mặt xuống cho tới lúc người ta để ông đi.

Đến tận bây giờ, khi chuyện ấy đã trôi qua được một thời gian, vẫn chưa ai biết được nguyên nhân của việc làm lạ lùng, đáng xấu hổ của ông Nhân cả.

Hôm nay, sau khi lúi húi cả buổi ở bếp để bắc nồi nấu rượu, như thường lệ Thủy lại trở ra trước nhà mở quán. Cô thấy nhà ông Nhân tập trung đông người, ô-tô của mấy đứa con đỗ đầy ở sân và ngoài ngõ.
Nhìn về phía đó, Thủy khẽ hỏi chồng. Chồng cô trả lời nhanh:

- Em chưa biết gì à? Ông cụ chết rồi. Chết vào khoảng sáng sớm nay.

Thì ra ông Nhân đã ốm được một thời gian nhưng vì không ai qua lại nên hàng xóm ít người biết. Mấy người con của ông cũng chỉ kịp về gặp bố lần cuối. Ai đó đã kể cho anh em họ việc làm của bố mình. Người ta kể vì mấy đứa con ông nên biết điều đó chứ thực tình hầu như chẳng còn ai để bụng chuyện ấy nữa. Suy cho cùng, mấy cái cây bị chặt cành chứ không bị nhổ tận gốc. Cành chặt rồi vẫn có thể ra cành mới, xác xơ một thời gian nếu chăm bón, cây vẫn có thể tươi tốt trở lại. Chúng chẳng đáng gì so với những việc thiện ông Nhân đã làm ngày trước. Người con trai cả sau khi lo liệu xong đám tang đã đứng trước những người có mặt tại nhà cha anh, cúi đầu:

- Cháu thay mặt bố xin tạ lỗi với mọi người. Những năm gần đây, bố cháu bị lẫn. Bệnh càng ngày càng trầm trọng. Có lẽ vì thế, cho nên…

Chẳng còn ai chấp nhặt chuyện cũ nên họ động viên anh rồi lần lượt ra về. Xóm nhỏ mấy hôm ấy mưa lạnh và buồn rũ rượi.

Thủy nghe bà Nhu kể lại:

Sau đám tang, mấy người con ra thăm khoảnh vườn của bố mình. Trước mắt họ, những cây na, cây vú sữa, cây ổi, cây mít lâu ngày không được ai chăm bón trở nên gầy guộc, xác xơ. Cỏ dại mọc đầy trên đất, những bụi cỏ mật, cỏ gà, mắc cỡ đẫm nước mưa. Lẫn trong đám cỏ dại ấy là những cành cây khô trụi lá chừng như được cắm xuống đã một thời gian. Lá rụng xung quanh có màu của đất, chẳng còn nguyên vẹn hình dạng. Cạnh chúng là vô số tấm biển bằng gỗ ghi tên người. Những cái tên từng xuất hiện trong các câu chuyện về thời cha anh đi bộ đội mà ông đã kể cho mấy anh em nghe. Đó là những người bạn cùng vào sinh ra tử với ông một thời trai trẻ ngập mùi súng đạn chiến tranh. Khi ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng một ranh giới vô cùng mỏng manh, mỏng manh tới mức dường như trở nên vô hình. Trong một trận đánh nơi rừng già trên biên giới, bố anh đã may mắn sống sót, còn đồng đội ông thì không. Nó trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời, thành cơn nhức nhối những đêm trái gió trở trời, thành hiện thực của riêng ông khi ông không còn minh mẫn.

- Mấy người con quyết định bán căn nhà đó. Họ ở xa quá, đi lại hương khói cũng không tiện…- Bà Nhu nói nốt câu rồi tất tả ra về lo bữa cơm chiều.

Thủy vẫn ngồi lặng yên để cho bóng tối dần bao bọc lấy mình. Cô cứ nghĩ mãi về ông Nhân. Người đàn ông đã về với đất cùng bao nhiêu nỗi niềm chỉ mình ông biết. Có lẽ ông muốn tìm lại khu rừng ngày xưa, lập cho đồng đội những ngôi mộ gió, những ngôi mộ không có thi hài, di ảnh. Tất cả chỉ còn tồn tại trong ký ức của một người cả đời vừa sợ hãi vừa thương nhớ một cánh rừng già, cả đời thương nhớ những khuôn mặt vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện tuổi già trên đó. Vì thế ông trở thành một kẻ trộm cây, kể cả như vậy thì ông cũng không nỡ giết chết bất cứ một cái cây nào cả.

Thủy đứng lên đóng quán. Giờ này, có lẽ chồng con đã nấu nướng xong xuôi và đang bày mâm cơm chờ cô.

Đêm nay, trời đã ngớt mưa nhưng lạnh hơn bởi những cơn gió thổi rít không ngừng nghỉ. Có ngôi sao nhỏ vừa khe khẽ ló mình qua một đám mây.

NGUYỄN HIÊN

;
;
.
.
.
.
.