Đà Nẵng cuối tuần
Trọn vẹn từng khoảnh khắc
Kết hôn là chuyện trọng đại của đời người nên trong đám cưới các cặp đôi dành nhiều tâm huyết lẫn ý tưởng độc đáo như tổ chức không gian thân mật, quy định trang phục, làm trang web kể câu chuyện tình yêu, quét mã tiền mừng cưới… Dẫu theo cách thức hiện đại hay truyền thống, tôi không coi đó là trở ngại bởi được chứng kiến từng khoảnh khắc thiêng liêng của họ cũng khiến tôi hạnh phúc ngập tràn.
Lần đầu hẹn hò tại phố cổ Hội An nên cô dâu Phan Thị Ái Nhi và chú rể Ngô Văn Hoàng quyết định chọn phố cổ Hội An để ghi lại khoảnh khắc.Ảnh: Nhân vật cung cấp |
1. Tôi nhớ rõ đám cưới theo phong cách “cây nhà lá vườn” của người anh thân thiết - Bùi Đức Vũ (SN 1989, chủ khu du lịch Yên Retreat, xã Hòa Bắc) được tổ chức tại không gian sân nhà có cây, có hoa, có hương thơm ngào ngạt mùi lúa non từ cánh đồng trước nhà, có bầy chim sải cánh từng đàn tung tăng trên khoảng trời xanh biếc… Tôi gọi tiệc cưới cây nhà lá vườn bởi từ khâu trang trí, chụp ảnh, thiết kế, quay phim, món ăn, âm thanh, sân khấu, thậm chí MC (người dẫn chương trình)… đều do chính tay chú rể, cô dâu lên ý tưởng và người nhà cùng bạn bè chuẩn bị tươm tất nhưng vẫn không kém phần trang trọng.
Chia sẻ về ý tưởng tiệc cưới, anh Vũ hào hứng chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở vùng quê, tuổi thơ gắn liền với sân vườn, ruộng lúa nên anh yêu khung cảnh làng quê yên bình. Thậm chí, lớn lên, anh khăn gói ra phố thị học tập rồi làm việc nhưng đôi lúc vẫn cảm giác thiếu cảm hứng sống - điều theo anh rất cần để đi đường dài. Với anh, giải tỏa nỗi buồn rất đơn giản, chỉ cần thả mình trên bãi cỏ rộng xanh mướt trước hiên nhà ngắm hoa xuyến chi, sao nhái hay ngũ sắc nở nộ cũng làm anh vui trở lại hay sau chuỗi ngày tất bật với guồng quay công việc, anh được hít hà không khí trong lành tại vườn nhà cũng khiến anh sạc đầy năng lượng. Vì lẽ đó, anh rời thành phố về với triền đê, bãi cỏ khởi nghiệp khu du lịch sinh thái để tha hồ hít hà không khí mát lành cho căng tràn lồng ngực. Ý tưởng tổ chức đám cưới tại vườn nhà, có sự tham dự của người thân và bạn bè đã nhen nhóm trong anh.
“Khi quen và yêu vợ, tôi sớm bày tỏ kế hoạch tổ chức đám cưới quê và vợ vui vẻ đồng ý. Đến lúc lên kế hoạch đám cưới, tôi dành một tuần lên ý tưởng ở tất cả các bước với khoảng 50 người tham dự. Tôi cho rằng, đám cưới phong cách quê do tôi, vợ, người thân cùng bạn bè xắn tay chuẩn bị, giúp vợ chồng tôi thêm trân trọng khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong đời. Đến bây giờ, nhìn lại, vợ chồng tôi lại rạo rực vẹn nguyên cảm xúc ngày cưới năm nào, nếu có thể, 20 năm, 30 năm sau, tôi tổ chức theo phong cách cây nhà lá vườn kỷ niệm ngày cưới. Để buổi tiệc trang trọng và đồng bộ màu sắc, khi gửi lời mời tôi lưu ý khách sử dụng trang phục áo trắng bởi tôi và vợ đều yêu thích sắc trắng. Hơn hết, sự có mặt của tất cả người thân trong tiệc cưới là điều vô cùng quý giá nên chúng tôi quyết định không nhận tiền mừng”, anh Vũ bày tỏ.
Tiệc cưới anh Vũ trang trí cổng gỗ được khắc chữ “Đám cưới quê”, trên mỗi bàn tiệc điểm nhấn là lọ hoa xuyến chi còn vài giọt sương hái trong vườn nhà và phong cách dạng tiệc đứng, mọi người có thể lựa chọn món ăn yêu thích. Theo thiệp mời, thời gian bắt đầu lúc 17 giờ, hầu hết người thân, bạn bè đều đến sớm để dành thời gian chuyện trò. Đúng thời gian quy định, chú rể tay trong tay cô dâu từ cổng tiến vào sân khấu trong niềm reo hò cùng lời chúc phúc của quan khách tham dự. Rồi mọi người chứng kiến khoảnh khắc từ rót rượu, cắt bánh, thổi nến và phát biểu cảm ơn của cô dâu, chú rể khiến ai nấy xúc động, bởi họ hiểu rõ chặng đường tình yêu của cặp đôi từ lúc bắt đầu cho đến thời khắc hái quả ngọt. Thú thật, cảm xúc khi dự tiệc cưới của anh Vũ, tôi chỉ biết thốt lên “tuyệt vời quá”, bởi vừa thư thái, nhẹ nhàng xen lẫn hạnh phúc. Tôi nhận ra, niềm hạnh phúc lan tỏa trong từng hành động, cử chỉ, ánh nhìn không chỉ riêng cô dâu và chú rể mà còn cả khách mời trong tiệc cưới.
2. Một tiệc cưới đặc biệt khác tôi tham dự cũng mang lại cho tôi nhiều niềm xúc động không kém đó là người bạn thân thiết 13 năm, Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1994) và chồng Shin Kyo Sig (SN 1986, người Hàn Quốc) và đó cũng là câu chuyện tình yêu đầy chông gai bởi cách trở về mặt địa lý cũng như những hờn giận tưởng chừng không hàn gắn nổi. Thế rồi, vượt qua khó khăn cũng như thử thách, sau một năm tìm hiểu, họ quyết định kết hôn năm ngoái khi chú rể rời quê hương sang Việt Nam sinh sống. Đây là đám cưới đầu tiên tôi rơi nước mắt vì hạnh phúc bởi tôi là người hiểu hơn hết chặng đường của Hà và chồng. Tuy khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, phong tục nhưng họ có tiếng nói chung trong mọi việc, kể cả tổ chức buổi tiệc trọn vẹn trước sự chúc phúc của gia đình hai bên và bạn bè. Tiệc cưới tổ chức theo phong cách Việt Nam lẫn Hàn Quốc, trong khi ba mẹ cô dâu trang trọng với vest và áo dài thêu hoa sen thì ba mẹ chú rể lại chỉnh tề với trang phục Hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc). Điều thú vị, trong thiệp cưới, Hà có in mã QR tiền mừng cưới để quan khách chủ động mừng cưới khi không thể sắp xếp tham dự. Lý giải khi sử dụng mã QR trong thiệp cưới, Hà bộc bạch: “Tôi biết ở Việt Nam sử dụng mã QR trong tiệc cưới là rất ít. Tuy nhiên, do chồng tôi có khá nhiều bạn bè, đối tác người Hàn Quốc sống tại Việt Nam và theo văn hóa người Hàn, nếu bận không đến buổi tiệc, họ sẽ mừng cưới kèm lời chúc thông qua mã QR trên thiệp. Họ quan niệm tiền mừng cưới là sự riêng tư nên hầu hết ở Hàn Quốc họ đều in mã QR vào thiệp cưới”.
3. Giống đám cưới Hà khi sử dụng mã QR, nhưng không phải mừng cưới mà quét mã QR để xem lại hình ảnh cũng như cột mốc tình yêu 6 năm người bạn thân thiết của tôi là cô dâu Phan Thị Ái Nhi (SN 1994) và chú rể Ngô Văn Hoàng (SN 1994). Nhi chia sẻ, khi cả hai có kế hoạch đám cưới, chị tìm hiểu từ bạn bè cũng như trên mạng xã hội để tham khảo về cách tổ chức cũng như những thủ tục, lễ nghi cần phải có. Lướt nhiều diễn đàn, Nhi nhận thấy nhiều cặp đôi nhắc đến ý tưởng làm mã QR mà khi dùng điện thoại quét sẽ hiện ra trang web, trong đó, cặp đôi sẽ sử dụng ngày giờ làm cột mốc và hình ảnh ghi lại từng khoảnh khắc từ khi bắt đầu cho đến ngày cưới.
Nói là làm, Nhi dành thời gian tìm kiếm phần mềm định dạng sẵn và cùng chồng điểm lại hình ảnh của cả hai đưa vào trang web. Đó là cách để mọi người cùng chứng kiến hành trình yêu nhau của cặp đổi và để lại lời chúc. “Thời điểm trước khi tiệc cưới diễn ra, tôi và chồng khó tránh khỏi sự bất đồng cũng như căng thẳng về cảm xúc bởi lo nghĩ kế hoạch đám cưới. Vì vậy, khi cùng nhau làm trang web kể về hành trình yêu nhau, tôi và chồng có thêm niềm vui khi nhìn lại quãng thời gian qua, cảm xúc chợt ùa về khiến tôi và chồng bình tĩnh, thấu hiểu để cùng nhau chuẩn bị đám cưới tốt nhất”, Nhi vui vẻ nói.
Với tôi, tiệc cưới tổ chức không gian thân mật và quy định trang phục giống anh Vũ, quét mã QR tiền mừng tại đám cưới Hà hay quét mã QR kể câu chuyện tình yêu của Nhi… không làm trở ngại sự trải nghiệm đi ăn cưới bởi ý nghĩa hơn, tôi hạnh phúc khi là một phần nhỏ trong buổi tiệc chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc của họ qua từng thước phim, hình ảnh, cách nói, cách cười. Có thể nói, tựu chung lại, tiệc cưới là bước ngoặt giúp các cặp đôi nhìn lại quãng thời gian yêu nhau để mà trân quý, tôn trọng và cùng ước nguyện một lòng gắn bó, chia sớt ngọt bùi, tô sắc màu cuộc sống hôn nhân phía trước thêm phần rực rỡ.
HUỲNH TƯỜNG VY