Đà Nẵng cuối tuần

Xóm đạo Tha La và cây Sala

16:01, 27/01/2024 (GMT+7)

* Trong một lần đi ngang đường Trần Quốc Toản ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có bảng hiệu ghi “Lẩu chay Tha La”. Không biết món lẩu chay này có liên quan gì đến xứ đạo Tha La đã đi vào trong âm nhạc? (Hoàng Lê Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Cây Tha La còn có tên khác là cây Sala. Ảnh: V.T.L
Cây Tha La còn có tên khác là cây Sala. Ảnh: V.T.L

- Tha La là một xóm đạo ở xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Sách Kỷ yếu Giáo phận Phú Cường (1965-2005), NXB Tôn giáo 2005 cho biết: Giáo xứ được hình thành từ khoảng các năm 1837-1840 dưới thời vua Minh Mạng. Ðây là thời nhà Nguyễn cấm đạo gắt gao nên một giáo dân gốc Huế là Coximo Nguyễn Hữu Trí đã đưa cả gia đình vào lánh nạn ở miền Nam.

Trang nhacxua.vn cho biết thêm, mặc dù họ đạo Tha La phát triển ngày một mạnh mẽ, vững vàng nhờ vào sự cho phép và khuyến khích của người Pháp nhưng người Công giáo Tha La đã phản ứng khi Pháp lộ rõ việc muốn khống chế cả dân tộc Việt, và sẵn sàng đứng lên chống Pháp để đòi lại độc lập cho quê hương.

Mùa Thu năm 1945, thanh niên Tha La tham gia phong trào chống Pháp ở đất Nam Kỳ. Chính thời điểm này, nhà thơ Vũ Anh Khanh (quê quán thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) trong một lần thăm Tha La đã cảm tác tinh thần chống ngoại xâm đó để sáng tác bài thơ mang tên Tha La. Bài thơ nhiều cảm xúc này đã được một số nhạc sĩ phổ thành ca khúc như: Tha La xóm đạo (Dzũng Chinh), Hận Tha La (Sơn Thảo)...

Tha La là một xóm đạo Công giáo, không liên quan gì đến "Tha La" trong bảng hiệu trên đường Trần Quốc Toản ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Tha La cũng là tên của một loài cây có ý nghĩa rất linh thiêng, thường được trồng trong chùa và còn được gọi là cây Sala (Ngọc Kỳ Lân). Theo trang giới thiệu Cây giống Hoa Chuyên (caygionghoachuyen.com), một vườn ươm cây ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cây Tha La (cây Sala) có thân gỗ lớn, có chiều cao trung bình từ 10-20m, nếu được trồng trong điều kiện thích hợp một số cây có thể đạt tới chiều cao là 30m. Cây có tán lá rộng, nhiều cành, cành cây không thẳng mà khá cong queo.

Theo truyền thuyết thì cây Tha La (cây Sala) là nơi mà Đức Phật được sinh ra. Cây có ý nghĩa rất linh thiêng thường được trồng ở các đình, chùa như là một biểu tượng của phật pháp. Khi ngắm nhìn cây Tha La đang mùa ra hoa và kết trái người ta sẽ cảm nhận được nét đẹp bình yên từ loài cây này, mang đến cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh. Cây Tha La không chỉ được trồng trong chùa mà còn được trồng công trình đường phố, công viên để mang đến không gian xanh, làm đẹp cho cảnh quan đô thị.

“Tha La” trong món lẩu chay Tha La chính là loài cây có hoa mang lại cho con người cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh. Và tất nhiên, không liên quan gì đến xóm đạo Công giáo đã đi vào âm nhạc như đã nói trên.

ĐNCT

.