Chầm chậm những ngày sau Tết

.

Ngồi lặng lẽ trong căn phòng, mùi trầm hương mẹ đốt những ngày đầu xuân xông lên vẫn còn rất dễ chịu. Cõi lòng tôi thoáng đãng và bẫng nhẹ tựa như những cơn gió xuân thì. Mẹ bảo, cứ tranh thủ mà ướp hương những dư vị này đi cho tâm thế tĩnh tại để một mai thiên di ở bất cứ phương trời nào cũng luôn cảm thấy quê hương, gia đình và mọi thứ thân thuộc ở bên. Tôi thấu hiểu lời của mẹ, phía sâu trong lời nhắn ấy là một khả dĩ rằng sẽ gần thôi tôi sẽ phải rời đi, phải cất cao đôi cánh mình để bay đến những phương trời để thực hiện được mơ ước nhà quê của mình, và phía sau lưng gia đình, quê hương vẫn luôn nâng đỡ, gửi trông hy vọng. Tôi đã tựa mình như một cánh chim vừa đủ lông đủ cánh khi đi qua hơi ấm của Tết và chẳng lâu nữa phải rời đi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc này đây, tôi muốn chầm chậm để quan sát, thấu cảm rồi ghi lại những điều đẹp đẽ quanh mình những ngày sau Tết. Bởi tôi biết rằng những khoảnh khắc ấy chuyển động quanh mình đây khi chỉ ghi nhớ bằng cách lưu giữ hình ảnh thôi chưa đủ mà cần phải phác lại bằng câu chữ. Tôi viết lên cuốn sổ tay nhỏ bé của mình để chừng nào đi xa tôi có thể tiện mang nó. Và khi thao thức trong nỗi nhớ quê nhà tôi lại lần dở rồi nhẩn nha đọc lại. Lúc ấy, hẳn mọi thứ lại sống động tựa như đối diện màn ảnh. Những điều đó sẽ khiến cho tôi có cảm giác mọi thứ sẽ thật gần như mặt trời kia để hong sáng.

Tôi cùng mẹ dọn dẹp lại nhà cửa sau những ngày Tết rộn ràng, khi mấy ngày mồng của Tết người thân, hàng xóm, bạn bè hân hoan đến nhà chúc Tết. Tôi lau lại cánh cửa ngoài nhà do nó bám đầy bụi trắng của tàn hương thắp Tết bay xuống. Quét lại nền nhà kỹ càng, đặc biệt là dọn dẹp chỗ căn bếp, nơi ghi dấu những chộn rộn nhất của mẹ tôi. Ngẫm lại một chút, tôi nhận ra rằng, nếu như trước Tết người ta dọn dẹp nhà cửa để rạo rực không khí chào xuân, để lòng người hanh thông và sáng sủa trước thời khắc đất trời chuyển giao thì những ngày sau khi Tết đã lắng dần mà hương xuân còn đương độ đượm đặc nhất, người ta dọn lại nhà cửa để quang quạnh, để tạm khép lại những dư âm của Tết, rồi bắt tay trở lại thường ngày, bắt đầu một hành trình mới mẻ đầy hy vọng.

Bước ra khu vườn, không gian chan hòa ánh sáng, nắng mùa xuân dịu dàng điểm lên mọi ngõ ngách. Nắng xuân ấm áp mang theo những nguồn sinh khí đặc biệt để rộng lòng sẻ chia với cảnh vật, với con người. Mẹ tôi cười tỏa ấm hơi xuân. Nụ cười ấy của mẹ trao truyền cho tôi những ý nghĩ và nguồn năng lượng tích cực. Mẹ ngoảnh nhìn tôi bằng đôi mắt âu yếm rồi bảo rằng: "Tiết trời xuân ni đẹp quá con ạ, trời ni mà mẹ mấy ngày tới không xuống giống cà, giống đỗ leo thì uổng lắm!". Lời nói ấy của mẹ khiến tôi ngẫm nghĩ và rồi thương mẹ mình nhiều hơn. Phải rồi, niềm vui của mẹ, của một người đàn bà làm nông đích thực bao giờ cũng vậy, luôn mong mỏi tiết trời thuận lợi để mùa màng, trồng trọt bội thu. Tôi nhìn những luống cải bắp sau Tết vẫn cuộn bó chắc nịch, ít hôm nữa thôi mẹ tôi lại thu hoạch rồi đem xuống chợ bán. Cả những giàn cà chua trĩu trịt quả đang đến độ chín đỏ. Chúng vắt mình trên những khung giàn bằng tre chắc chắn, sương và mưa xuân đêm qua vẫn còn làm chúng ướt, da nó loáng lên sáng bóng tựa như những ngọn đèn sắp độ đỏ rạng. Cải đã ra hoa, mẹ chưa vội đốn hạ, bởi mẹ muốn giữ lại một sắc cải hoe vàng để điểm lên sự rực rỡ cho khu vườn, cho không gian ấm áp, cho đàn ong ruồi li ti hút mật. Trong dìu dịu nắng xuân, khu vườn hiện lên đầy sức sống, những đường nét trên đó thanh thoát và khoáng đạt đến lạ.

Tôi say sưa nhìn những khóm hoa đang nở rộ bên ngõ. Qua Tết chúng như càng phơi phới bung nở khoe sắc tỏa hương. Hoa cũng như người ấy thôi, khi hoa đã bắt nhịp với nhịp điệu của mùa xuân thì hoa cũng sẽ căng tràn. Ngõ nhỏ ấy thế mà tràn ngập sắc màu, gọi mời những rung cảm sâu sắc. Tôi đến bên chúng rồi mê man đưa tay chạm nhẹ vào những cánh mỏng, nào hoa hồng, hoa cúc, hoa pháo... Mỗi loài hoa dĩ nhiên là một dáng điệu nhưng trong mắt tôi chúng đều hòa chung một vẻ, cái vẻ của nội lực mùa xuân, của khát khao dâng hiến cho trời, cho đất, cho người những gì tinh túy nhất của mình. Mùa xuân cho hoa. Hoa cho mùa xuân. Lẽ sống của hoa bao giờ cũng vậy: giản dị mà thanh cao.

Tôi đi về bên khoảng sân, mẹ đang giặt lại những manh áo Tết thật kỹ càng để đem cất. Với mẹ, dù cuộc sống của gia đình có khấm khá hơn chút nào đi chăng nữa thì mẹ vẫn vậy. Mùa Tết năm nào mẹ cũng chỉ mua thêm một chiếc áo tứ thân và một chiếc nón lá trắng tinh khôi, còn mẹ mặc lại những bộ đồ cũ. Những manh áo kia mẹ giặt rồi hong phơi lên giây rào. Trong gió xuân, những chiếc áo lay động rung rinh phảng mùi hương thơm đặc biệt. Mùi hương ấy khiến tôi xúc động, đó phải chăng là mùi hương của tấm lòng mẹ, của đức hy sinh tảo tần, mùi hương của sự chân chất giản dị của một người phụ nữ suốt đời vun vén cho con cái. Mỗi tấm áo hong phơi với tôi luôn là một câu chuyện, mà có lẽ câu chuyện ấy kể mãi cũng chẳng vơi cạn.

Tôi đã ghi lại những điều đó bằng hình ảnh lưu nhớ và bằng những con chữ tự tâm mình. Những ngày sau Tết khiến tôi yêu thương và biết ơn đối với mọi thứ quanh mình. Tình yêu của tôi với mẹ mình, với khu vườn, với con ngõ mến thương kia càng đằm sâu hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ tới một vùng đất xa, để gần thôi tôi sẽ đặt chân tới mà thực hiện ước mơ của mình. Hẳn mẹ sẽ rất vui khi tôi tâm sự với mẹ ý nghĩ ấy giữa những ngày xuân này...

TRẦN VIỆT HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.