Đôi dòng lịch sử về sách

.

Sách là thế giới vô biên của nhận thức và cảm thụ. Mỗi thời có nhu cầu đọc sách khác nhau, nhưng ở đâu sách cũng là điều kiện hàng đầu cho truyền thụ kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn. Sách nhắc mỗi người biết mình là ai, lan tỏa khát vọng và hơn tất cả, sách mang tới cho con người niềm vui hiểu biết và sự thôi thúc sáng tạo.

Một trong những tác phẩm làm giàu có tâm hồn và kiến thức con người. Ảnh: ST
Một trong những tác phẩm làm giàu có tâm hồn và kiến thức con người. Ảnh: ST

Lịch sử từ khi có chữ viết đến nay chia sự phát triển của sách ra năm giai đoạn, thật ra không có dấu mốc cụ thể, chỉ là sự phân kỳ có tính ước lệ và chủ quan. Với hàng tỷ đầu sách được xuất bản trong khoảng thời gian 5.000 năm qua, việc chọn những cuốn đặt dấu mốc cho từng thời kỳ là việc khó thống nhất, ở đây chỉ nhắc đến những cuốn sách mà xét về tác động lịch sử của nó, được xem là những trang sách mở đường cho văn minh nhân loại.

Thời kỳ đầu từ khoảng 3.000 năm trước CN đến năm 999. Đây là giai đoạn xuất hiện nhiều sách liên quan đến tôn giáo, thiên văn với các tác giả chủ yếu đến từ phương Đông. Nếu tính “cuốn sách” đầu tiên mà con người biết đến nay cũng đã gần 5.000 năm, lịch sử gọi những trang viết đầu tiên ấy là “Tử thư Ai Cập”. Tử thư vì đó là những lời kinh, thần chú, hình vẽ được chép trong một cuộn giấy chôn theo người đã khuất, thường là những người nổi tiếng “để linh hồn họ biết đến nơi ánh sáng”.

Trong những cuốn sách đầu tiên còn giữ đến nay và hằng ngày vẫn được nghiên cứu, suy ngẫm và soi sáng trí tuệ chúng ta như các bộ kinh Kim Cang, Qur’an xanh, Rig Veda (Vệ Đà), Kinh Dịch, sách Luận Ngữ (Khổng Tử), Cộng Hòa (Plato)… được xem là giềng mối nhân sinh mở đầu cho lịch sử tư tưởng nhân loại. Bên cạnh những quyển sách về đạo đức và triết học cao siêu, có thể có chút ngạc nhiên thú vị khi ta biết rằng Kama Sutra, một cẩm nang “để sống một đời sống tốt lành và trọn vẹn về tính dục con người” do một người thông tuệ sống cô độc tên là Mallanaga viết (Ấn Độ, 200 sau CN).

Bộ Tam tạng và Thánh kinh (Cựu ước và Tân ước) là những cuốn sách được phổ biến rộng rãi nhất, đến nay đã in hàng chục tỷ bản. Vừa qua có một người Việt Nam bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với công trình nghiên cứu toàn bộ về chú thích thánh kinh tại Giáo hoàng học viện (Roma), lưu ý rằng đó là việc nghiên cứu riêng các chú thích từ xưa đến nay và được đánh giá rất cao.

Ba thứ cao quý nhất của đạo Phật là Phật tổ, Giáo lý và Tăng chúng (“Tam Bảo”). Về giáo lý của đức Phật được các đệ tử nhớ và chép lại chủ yếu trong bộ kinh Tam tạng viết bằng tiếng Phạn (Pali), hiện nay đã dịch trọn bộ sang tiếng Việt gồm 37 quyển (khoảng 15.000 trang). Nếu qua Mianma, ta sẽ được giới thiệu trên đất nước hiền lành nhưng còn nhiều đau thương ấy có những vị đại sư thuộc lòng bộ Tam tạng, họ được nhân dân tôn kính gọi là “Đấng Tam tạng”.

Giai đoạn thứ hai được tính từ năm 1000 đến năm 1449. Mở đầu cho giai đoạn này là “Truyện kể Ghenji”, được xem là viên ngọc quý của Nhật Bản. Nó quý không chỉ vì nội dung độc đáo mà còn được xem là mở đầu cho hình thức tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của thế giới. Bạn sẽ bất ngờ khi biết tác giả của bộ tiểu thuyết này là một nữ sĩ tên là Murasaki Shikibu viết năm 1021.

Trong giai đoạn này, sách về Y học và Đất đai lần đầu được xuất bản. Cuốn “Y điển” của IBN Sĩnã (Ba Tư, 1025), dày 814 trang là một mốc lớn trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Còn cuốn “Điền thổ” (1286) lần đầu tiên đất đai, súc vật tại Vương quốc Anh được thống kê và mô tả chi tiết, đây là kết quả một cuộc khảo sát ruộng đất lớn nhất ở châu Âu cho đến thế kỷ XIX. Vì sao hai cuốn sách ấy được xem là dấu ấn đặc biệt trên con đường đi đến văn minh? Lý do đơn giản là từ khi con người sinh ra hàng vạn năm trước, đây là công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về cơ thể và y lý - sức khỏe con người. Còn “Điền thổ” thì đây là lần đầu tiên con người biết thống kê của cải, tài sản của mình một cách đầy đủ và khoa học. 

Giai đoạn thứ ba từ 1450-1649. Hai trăm năm ngắn ngủi nhưng rất nhiều cuốn sách đặt dấu ấn thời đại được xuất bản. Nền tảng cho hình học là cuốn “Cơ sở của hình học” (1482) của Euclid; “Bản thảo Leicester” (1506) của Leonardo Da Vinci được công bố, đây chỉ là một phần trong tổng số 13.000 trang bản thảo của họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế (kể cả hàng không), nhân trắc... tài hoa bậc nhất được xuất bản. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới R. Descartes, một tác giả nổi tiếng đặt nền tảng cho triết học và toán học hiện đại với câu “Tôi suy nghĩ, nghĩa là tôi tồn tại”, một thời gian dài câu này được xem như tuyên ngôn của sự thức tĩnh về vai trò cá nhân, sự khai phóng.

Được dịch và phổ biến rộng rãi ở nước ta, có thể kể đến các quyển “Thần khúc” (1321) của Dante với 14.000 câu thơ; cuốn “Quân vương” (1532) của Niccolò Machiavelli, “Don Quixote” (1605) của Miguel de Cervantes và Kịch (bi kịch, hài kịch) (1623) của William Shakespeare. Riêng cuốn “Quân vương” (Niccolò Machiavelli), từ khi ra đời đến nay hầu như các nhà đạo đức, hoạt động xã hội đều lên án gay gắt, nhưng “Quân vương” vẫn là một trong những cuốn được dịch và in nhiều nhất trên thế giới.

Không có nhà hoạt động chính trị nào trong hơn 500 năm qua mà không nghiền ngẫm, suy tư cùng với nó, bởi vì lần đầu tiên thuật trị nước được thể hiện rõ ràng: “Yêu mến và kính sợ khó tồn tại cùng nhau, nếu phải chọn một trong hai, sẽ an toàn hơn nhiều nếu ta chọn được kính sợ thay vì được yêu mến”. Machiavelli được xem là cha đẻ của Chính trị học hiện đại. 

Giai đoạn thứ tư kéo dài 350 năm từ 1650 đến 1899. Nếu thực tiễn là đối tượng của phản ánh thì trong giai đoạn này bùng nổ những luận thuyết có tính cách mạng về tự nhiên học, nhân quyền, cách mạng và triết học. Lần đầu tiên côn trùng, một thế giới gần gũi và tác động lớn đến loài người, nhưng ta không thấy, được Robert Hooke mô tả chi tiết trong “Hiển vi học” (1665), đây là tác phẩm xứng đáng để cho chúng ta lưu tâm.

Nhưng bao trùm lên tất cả và có sức ảnh hưởng mọi thời đại là công trình của Isaac Newton “Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên” (1687), định luật vạn vật hấp dẫn của Newton hấp dẫn tất cả, nó là giáo khoa cho học sinh toàn thế giới và là thánh kinh cho những nhà thiên văn. Thêm nữa, nước Anh còn có một người làm cả thế giới tranh luận là Charles Darwin với cuốn “Nguồn gốc các loài” (1859). Denis Diderot với bộ Bách khoa toàn thư (1751), đây là bộ tự điển lần đầu tiên hệ thống toàn bộ kiến thức nhân loại theo hướng khai sáng với tinh thần nhân văn và lý tính.

Còn rất nhiều tác phẩm mà tên tuổi tác giả là niềm vinh quang cho dân tộc đã sinh ra họ, có thể không đề cập đến nhiều tác giả nhưng không thể không lưu ý những cuốn sách làm dấu mốc cho sự phát triển nhận thức và cách mạng xã hội.

Văn học Nga, Pháp với những “Chiến tranh và hòa bình” (Lev Tolstoy), “Anh em nhà Karamazov” (F. Dostoevsky), “Những người khốn khổ” (V.Hugo)… đặt nền tảng văn chương của một thời đại. Nước Đức với “Faust” (J. Goethe) là “tượng đài uy nghi và đặc sắc của nền văn học cổ điển”, nhiều người ở nước ta hay nhắc câu “Lý luận là màu xám, thực tiễn cây đời mãi mãi xanh tươi” là được lấy trong tác phẩm lừng danh này.

“Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản” (1848) của Karl Marx và Friedrich Engels, nếu không tính các lời giới thiệu thì cuốn sách này chỉ dày 47 trang, nhưng chưa có tác phẩm nào tác động đến lịch sử cận đại như cuốn Tuyên ngôn này. Cùng với bản Tuyên ngôn, Karl Marx còn là tác giả của bộ “Tư Bản”, mà trong đó học thuyết giá trị thặng dư được xem là tiếng sét nổ giữa bầu trời trong trẻo. Giai đoạn này còn có 4 triết gia nữa mà bất cứ ai nghiên cứu triết học đều không thể không đọc: “Hiện tượng học tinh thần” (1807) của Friedrich Hegel, “Bàn về tự do” (1859) của John Stuart Mill, “Zarathustra đã nói như thế” (1883) của Friedrich Nietzsche và “Diễn giải giấc mơ” (1899) của Sigmund Freud. Tất cả các quyển này đều đã dịch sang tiếng Việt.

Giai đoạn thứ năm từ năm 1900 trở về sau. Nếu phát minh ra chữ rời (sau này bằng chì) là một cuộc cách mạng về công nghệ in (thế kỷ XV), thì đến thế kỷ XX cùng với sự ra đời tự động hóa, kỹ thuật offset mở ra chân trời in công nghiệp chưa từng thấy. Sau các cuộc chiến tranh thế giới và nội chiến, sau phong trào kháng chiến chống đô hộ của thực dân, các trào lưu triết học mới mà điển hình là thuyết hiện sinh ở phương Tây các trường phái văn chương mà những Jean Paul Sartre, A. Camus là những đại diện chính.

Sẽ khó kể hết những tác phẩm để lại dấu ấn sâu rộng trong lòng bạn đọc trong hơn 100 năm qua. Hình như việc kiếm tìm học thuyết đã đủ, hay các cuộc chiến tranh đẫm máu mà cả nhân loại phải can qua với cả trăm triệu người chết, đã đủ thương đau để con người biết nhìn lại mình? “Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” (1922) của Max Weber là một tác giả phải đọc để hiểu quan điểm của triết gia người Đức này về triết học xã hội, kinh tế học, tôn giáo (nhất là về Tin Lành) và xã hội học.

Cuộc đời kỳ lạ của Stephen Hawking (liệt, điếc, câm…) nhưng là một trong những bộ óc phi thường nhất của nhân loại trong thế kỷ XX, khi con người bất toại ấy công bố về Big Bang, nhất là cuốn “Lược sử thời gian” (1988) là sự giải thích thuyết phục về một trong những vấn đề hóc búa nhất của tự nhiên: bản chất của thời gian và sự tồn tại của vũ trụ, đến nay cuốn sách “phổ thông” này được dịch hầu hết các thứ tiếng và riêng bản tiếng Anh đã bán tới 26 triệu bản.

Đó là những cuốn sách phản ánh tầm vóc con người qua các thời đại, đó cũng là những tác phẩm làm giàu có tâm hồn và kiến thức con người. Không ai muốn giỏi mà lại không đọc sách.

Sẽ có chút ngạc nhiên khi hơn trăm năm qua những cuốn sách làm nên lịch sử lại liên quan đến văn chương nhiều hơn triết học hay chính trị. Có thể không đồng ý nhưng những trang trong “Hoàng tử bé” (1943) của Saint Exupéry, một cuốn truyện tuổi thơ dành cho người lớn là một dấu ấn đặc biệt, đó là một lời nhắc vô tận của một con người bé thơ trước cuộc đời “Có một cái gì đó bên ngoài ta, nó đau ta cũng thấy nhói đau. Cái vô hình nối ta với nó, ta gọi là Tình yêu”.

Có một tác phẩm bi thương nhất về số phận con người, là tiếng kêu đau đớn tận cùng của một cô bé 13 tuổi trước nỗi sợ chiến tranh và niềm mong ước được sống bình thường: “Nhật ký Anne Frank” (1942). Những ý nghĩ, ước mơ đơn giản xin được bình an khi em và gia đình phải trốn trong một căn phòng bí mật ở Amsterdam được Anne ghi lại trong 215 trang. Tuy nhỏ tuổi nhưng những suy nghĩ chín chắn, những niềm mong ước được tự do, được nhìn ngắm bầu trời, nhất là được nói chuyện với một người bạn, mà Anne tưởng tượng có tên là Kitty yêu dấu, đã khiến hàng triệu người được sống sau thế chiến rơi nước mắt. Cái ác đã giết chết em. Anne Frank chết trong trại tập trung Đức quốc xã vào tháng 8-1945.

Như đã nói ở trên, việc chọn những cuốn sách đã đặt dấu mốc cho từng thời kỳ là việc khó thống nhất, ở đây chỉ nhắc đến những cuốn sách mà xét về tác động lịch sử của nó, có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển, những cuốn sách phản ánh tầm vóc con người qua các thời đại, đó cũng là những tác phẩm làm giàu có tâm hồn và kiến thức con người. Không ai muốn giỏi mà lại không đọc sách. Đọc được một cuốn sách hay là may mắn cuộc đời.

MAI LANG

;
;
.
.
.
.
.