Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới sách hay
1. NXB Trẻ vừa ra mắt tuyển tập “Kẻo tro bay mất” (1-2024) chắt lọc những tinh túy nhất trong nghiệp viết của đạo diễn Việt Linh. Người đọc sẽ đi qua những cung bậc từ “Viết ngắn” đến “Năm phút với ga xép” và cùng tác giả “Ngồi giữa trần gian”.
Trong tuyển tập dày 392 trang này, dù là những đoản văn ngắn ngủi khúc chiết về đời sống, hay các câu chuyện ngồn ngộn tư liệu về phim ảnh, hoặc uẩn khúc riêng tư về cuộc đời được vạch mở… thì người ta vẫn thấy Việt Linh, đang vạch mở chính trái tim mình, khuyến dụ người đọc cùng xông vào cuộc đời này: dám nhìn nhận, dám phản biện, trở thành công dân có trách nhiệm và sống sao cho tử tế.
Đọc những bài viết này, bạn trẻ cũng học được nhiều kỹ năng viết kịch bản phim, viết báo, viết giới thiệu phim, biết cách xông vào địa hạt văn chương bằng việc rèn luyện ngôn ngữ và nhìn ra tư liệu từ chất liệu đời sống.
Can đảm với nghiệp đạo diễn và cả với nghiệp viết, để rồi chắt chiu và chia sẻ kinh nghiệm đông tây, như người nông dân chắt chiu mùa màng và chia sẻ những trái chín ngon, "Kẻo tro bay mất" vừa truyền cảm hứng, vừa như lời nhắc nhở lúc thì nhỏ nhẹ, có khi mang tiếng vang to như tiếng chuông báo động, hối thúc sự chú ý, hay khẩn thiết thay đổi. Dù sao đi nữa, đến với tuyển tập này, bạn sẽ hấp thụ một nhiệt huyết, rằng có làm gì, cũng phải cháy hết mình.
Việt Linh (tên đầy đủ là Nguyễn Việt Linh, sinh ngày 2-12-1952) là nhà viết kịch, đạo diễn điện ảnh Việt Nam. Sau sự nghiệp đạo diễn và biên kịch phim, bà còn là tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo về điện ảnh và là tác giả của một số vở kịch nói.
2. “Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn” là tác phẩm mới của tác giả Lê Vân (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1-2024) "vẽ" Sài Gòn bằng những nét ký họa đơn giản nhưng hết sức chân thật, đầy trải nghiệm về những điều giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm. Sài Gòn, với tác giả, là nơi bao dung nhất cho những con người tứ xứ về đây.
Nơi gắn bó với phận đời của bao con người sống ở Sài Gòn, nhất là dân nghèo... Họ mang cả quê hương, xứ sở trong chuyến ly hương: "Chợ gắn với đời sống, văn hóa của họ dù tha phương cầu thực. Họ lập chợ vì nhớ những món mang hồn cốt, hào khí quê hương một thuở."
Sài Gòn với tác giả, không phải là cuộc "cưỡi ngựa xem hoa", không chỉ là "hòn ngọc Viễn Đông", mà sâu hơn tất thảy, nó như lời của sư cô Tuấn Liên chia sẻ: "Người dân ở đây còn có tâm tính tốt, rồi khi họ dọn đi, chủ nhà mới dọn đến cũng người thiện tâm. Nên phước lành vẫn còn lưu lại ở con hẻm. Dù kinh tế, cảnh quan của con hẻm có thay đổi nhưng tình người ở đây không hề đổi thay".
Người ta không chỉ đọc những dòng chữ, xem những bức ảnh bằng thị giác, mà còn có thể cảm nhận được mùi vị của quá khứ bằng khứu giác, âm thanh của ngày hôm qua bằng thính giác...
Và vậy là, sau khi lê la khắp các ngóc ngách Sài Gòn cùng tác giả, lật đến trang cuối, tiếng loạt soạt của trang sách khiến ta bừng tỉnh, nhưng trong lòng cứ vương vấn mãi những lời răn dạy của ông chủ Quán nghèo: "Hận mình thiếu may mắn nhưng phận nghèo chí không nghèo. Phú quý do trời ban. Đức độ lưu muôn phương".
MẪU ĐƠN