Cuốn album cũ

.

Đêm qua trong giấc ngủ, tâm thức Hưng say sưa dệt nên một câu chuyện tình thơ mộng mà éo le.

Giấc mơ nhà thơ không giống giấc mơ của người thường, bởi vì nếu sáng ra còn nhớ rõ, thì mơ sẽ thành sự thật.

Hưng bật dậy khỏi tấm ván gỗ ọp ẹp. Một nỗi lo mơ hồ làm cho anh bải hoải. Anh đứng ngẩn ngơ một hồi rồi bước ra, lẩn thẩn đi vào khu ấp chiến lược không người. Đây là khu dồn dân của chính quyền cũ, là nơi quản lý dân chúng để họ không thể liên lạc với bên ngoài.

Những căn nhà thấp lè tè, mái lợp và vách ngăn đều bằng tôn nóng hầm hập. Bao nhiêu người đã phải chui rúc ở đây nhiều năm, giờ chỉ còn có rác, những con búp bê gãy và rất nhiều sách vở, giấy vụn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giấc mơ có thể đã vuột đi, thoát khỏi tấm thân khô khan của Hưng nếu như một cuốn sách không bất ngờ xuất hiện. Một cuốn sách khá dày nằm im trên đất, ngay trước bàn chân của Hưng. Bìa sách có dòng tựa đề ngay ngắn và rõ ràng “Phân tâm học”.

Tò mò Hưng cúi nhặt, chợt thoáng như bị thôi miên, gương mặt trong giấc mơ vụt hiện lên ngay ở cái bìa sách. Có tiếng cười nhè nhẹ, xao xuyến... “Thôi!” Anh tự ra lệnh rồi thả rơi cuốn sách, rảo cẳng đi như chạy.

Chiều hôm đó Hưng về Đà Nẵng nhận công tác mới. Con đường Tam Kỳ - Đà Nẵng vẫn còn lổn nhổn chiếu chăn, áo quần, xe đạp, xe máy. Cuộc di tản chỉ vừa mới chấm dứt. Chiến tranh chưa kịp thu hồi mùi tanh của bom đạn.

Tấm cửa kính xe ca đập qua đập lại lạch xạch. Những ngày chinh chiến còn nóng hổi như chưa muốn trở thành kỷ niệm. Xa kia, những mảng màu xanh chập chùng, nơi đấy là núi rừng Nam Trà My, nơi anh vừa mới rời khỏi. Những con đường mòn vụt hiện lên, và nương rẫy, những suối sâu thăm thẳm, những người đồng đội, những gian lao và tuổi trẻ...

***

Đến Đà Nẵng thì trời tối. Hưng đi tìm nơi ở của chú Bôn, một nhà thơ đàn anh cũng mới từ chiến khu về.

Đà Nẵng như không thể ngủ. Một không gian mới đến bàng hoàng. Người đổ ra đường rất đông. Người vui, người tò mò, người hôi của… Nhiều chiếc xe Jeep  chạy qua chạy lại, trên xe có những tay súng vận đồ đen, đeo băng đỏ, lâu lâu hứng chí nã lên trời một băng AR15 đinh tai. Văng vẳng gần xa, tiếng loa của nhà Phật ân cần kêu gọi lính ngụy đến chùa trình diện. Các cô gái thì náo nức đi xem bộ đội.

Những ngày sau Hưng nhận công tác rồi ở luôn tại văn phòng cơ quan. Công việc ngập đầu. Anh loay hoay vừa làm việc vừa lo chuyện ăn uống thành ra lỡ bữa liên tục, bị đói liên tục. Chú Bôn nói: “Về chú ăn cơm, mày tự túc không được đâu, sắp thành bộ xương rồi đấy!”. Câu nói chân tình… Và giấc mơ từ ngày ấy, về một cuộc tình được mở ra.

***

Dung là cháu gái của chú Bôn. Thường ngày cô nấu cơm cho chú ăn cùng với gia đình cô.

Thường Hưng ăn rất nhanh. Thường cô gái không ngồi đối diện với anh. Thường là một vài đối thoại công việc của anh và chú Bôn. Thường lúc anh đến hay đi cũng thỉnh thoảng mới có mặt cô gái. Ba ngày đầu trôi qua như thế.

Một chiều Hưng về, trời đã xẩm tối, thấy có đứa bé ngồi chơi trên thềm nhà, anh bế nó lên. Thằng bé thơm tho làm cho lòng nhẹ nhõm. Hưng ngồi xuống bậc thềm, chú bé ngồi yên trong lòng anh.

Dung từ trong nhà đi ra với bộ đồ màu hoa lựu rực rỡ, cô nghiêng đầu cười. Hưng đứng lên, anh thấy căn nhà như bừng rộng, đấy là do màu hoa lựu. Anh hỏi: “Con ai đây em?”. “Dạ con em đó, em hai đứa anh à”.

Dung đón con trai từ tay Hưng rồi quay lưng đi vào.

Trong lúc ăn cơm chú Bôn nói: “Thỉnh thoảng hai đứa nhỏ về nội mấy ngày, mới lên lại chiều nay đó. Ba tụi nó mất rồi… Dung tốt nghiệp Văn khoa, chú tính xin cho làm phụ gì đó ở cơ quan mình”. Hưng nhìn Dung, gương mặt cô gái vương vương vẻ tinh nghịch.

Dung ngước nhìn lên rồi nhìn xuống bàn. “Anh Hưng có cần trợ lý không. Em làm trợ lý cho anh được không?”. Chàng thi sĩ lúng túng “Anh cũng là trợ lý thôi, đâu có tiêu chuẩn có trợ lý”. Chú Bôn cười. Cả nhà cùng cười.

***

Sáu tháng trôi qua. Trời đã trở lạnh. Gió sông Hàn se sắt những vòm lá phượng vĩ. Hưng ngồi đợi Dung trong quán cà phê nhỏ. Anh so vai bụm ly nước nóng trong lòng bàn tay, tự nhiên lẩn mẩn nhớ những ngày cũ như vừa mới hôm qua.

Hôm ấy trời lất phất mưa. Đà Nẵng đôi khi mưa rất nhẹ. Ba chú cháu từ cơ quan về nhà. Ánh đèn đường thổi lân tinh vào bụi nước làm cho làn mưa xôn xao. Những vũng nước chớp chớp trên hè phố. Chỉ có một cái dù, chú Bôn dương dù lên, Dung đề nghị: “Anh Hưng cầm dù cho chú đi” Rồi nghiêng vào, phía bên trái anh.

Căn phòng của ba mẹ con đơn sơ, lần đầu tiên Hưng bước vào.

Có mùi khai nhè nhẹ. Con mèo lông trắng nằm co ro. Hai đứa bé đang say sưa ngủ. Dung nói nhỏ “Gia đình em đó, anh à”. Câu nói như là câu hỏi. Hưng nói “Ấm cúng quá”.

***

Rồi biển đã biến đổi tất cả. Chàng thanh niên nhiều tuổi và người đàn bà rất trẻ cùng trôi ở giữa khoảng nước và trời. Hưng vụt thoát khỏi làn khí mờ của thi sĩ, anh say sưa với cảm giác trong trẻo của thân thể nàng giữa bao la. Bút pháp thiên nhiên tung bay quất vào ngực anh những nhát màu ngạt thở. Nhịp điệu hạnh phúc trộn lẫn với lo âu có sức quyến rũ rất mạnh...

Thành phố Đà Nẵng chất phác và nồng nàn, nắng cũng vậy mà gió cũng vậy.

Con đường nhỏ gần bãi biển Thanh Bình dệt qua dệt lại dấu chân của hai người từng ngày, thành một tấm thảm êm ái...

***

Hai mươi bảy năm sau.

Một ngày từ Hà Nội, Hưng chuẩn bị cho chuyến bay vào thành phố Đà Nẵng. Vợ anh đã gói ghém mọi thứ. Anh kín đáo lập bập nhét một cuốn album sờn cũ vào đáy túi xách.

Cánh máy bay ngang ngang dưới khung cửa nhỏ. Trên trời cao, mây là biển, dưới mây là cuộc đời. Yên lặng quá, yên lặng từ từ đưa Hưng về với ký ức tuổi trẻ xa xưa… Sự trang trải khiến nhà thơ thấy ngợp, anh ưỡn lưng hít một hơi thật sâu, sức nặng của ký ức vợi đi đôi chút.

Có thể một giấc mơ sẽ đến nếu như máy bay không khẽ rít lên để bắt đầu hạ độ cao. Từ từ rõ dần hai mảng màu xanh, một của biển, một của lục địa quyện vào nhau thư thái.

***

Giải quyết xong việc cơ quan, Hưng nhờ bạn chở anh đi tìm nhà chú Bôn. Chú đã mất từ hai năm trước, bây giờ ngôi nhà là chỗ ở của gia đình người cháu gái, là Dung.

Đứng giữa dãy phố ồn ào Hưng không nhận nổi ra con đường này. Ngày ấy anh vào thăm chú Bôn thì nó vắng vẻ. Hồi ấy có hai dãy tường gạch mộc chạy dài im phăng phắc. Có vài khoảng tường được đập ra để làm lối ra vào cho những căn nhà mới được cất lên.

Chới với hỏi han nhưng không thể tìm được. Trong một chớp mắt Hưng thấy miệng mình đăng đắng. Người bạn nhìn ông anh chòng chành thì nói “Thôi, đi uống cà phê anh ạ. Nhà cho thuê buôn bán hết rồi, chẳng ai biết ai đâu”.

***

Lần trong túi xách, Hưng cẩn thận lấy ra cuốn album cũ mèm đưa cho bạn.

“Dung đây, mình thành ra không biết xử lý thế nào cho phải…”.

“Đốt đi anh ạ”. Vừa nói anh bạn vừa lật xem và ngay lập tức nói tiếp:

“Đúng là không thể đốt những chân dung này… quá sinh động!”.

Nắng rơi lốm đốm trên sân quán cà phê. Gương mặt Dung lần lượt từ nữ sinh đến thiếu nữ xuất hiện rạng rỡ trên từng trang sờn cũ. Gương mặt có nhiều nắng trên tóc, có nhiều gió. Và một ánh mắt như thôi miên xuyên suốt qua.

“Sau hai năm công tác ở cơ quan chú Bôn, mình được điều ra Hà Nội… Thực ra, mọi người lo cho mình. Cũng không biết là đúng hay không đúng… Mọi cái như là định mệnh”.

“Thế còn chị Dung?”

“Lấy chồng. Chồng Dung làm kiến trúc sư kiêm chủ thầu, cũng là một người yêu văn nghệ. Mình có biết anh chàng ấy. Mình nghĩ nên đưa lại Dung cuốn album này... Chà, sự đời!”.

“Anh đúng là thi sĩ. Em thì em thả xuống sông cho trôi ra biển”.

“Nó có linh hồn… Trả lại cho cô ấy là trọn vẹn. Việc đơn giản thế mà thành ra khó”.

***

“Hồi ấy nếu như anh thật quyết liệt thì sao?”.

“Ừ! Mình cũng từng tự hỏi như vậy. Lúc ra đi mình hy vọng sẽ trở về nhanh thôi...”.

“Trước đó anh đã yêu lần nào chưa?”.

“Chưa. Vậy mới nói. Làm sao mình biết được sự cướp giật ghê gớm của khoảng cách, của thời gian là thế nào...”.

“Chị ấy còn phải lo cho hai đứa nhỏ, chúng phải có chỗ dựa... Chắc chị ấy cũng chông chênh dữ lắm...”.

“Đúng. Buồn ghê gớm nhưng mình không lấn cấn đâu. Thực sự mình biết ơn những ngày ấy. Biết ơn Dung nhiều”.

“Qua rồi anh, như mơ thôi... Em quý sự trân trọng của anh. Thật không dễ gì”.

***

Hai anh em ngồi đung đưa giữa lòng thành phố đang cuồn cuộn sống.

Dưới những vòm cây của cái quán rộng, giọng hát Khánh Ly lướt xuyên qua lá, ca từ của Trịnh Công Sơn thì chìm nặng xuống. Hưng lắc lắc ly cà phê đá, vấn vương xem ra lạc lõng... Anh gục gục mái đầu đã nhiều tóc hoa râm của mình.

TRẦN LUÂN TÍN

;
;
.
.
.
.
.