Đà Nẵng cuối tuần
Đi xa để trở về
Một trong những chiến lược đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng là tăng cường trao đổi sinh viên, tạo cơ hội cho các em tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu, trải nghiệm tại đại học, doanh nghiệp nước ngoài.
Sinh viên Khoa Kiến trúc và Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tham gia học tập tại chuyến trao đổi kinh nghiệm học tập tại Đại học Utsunomiya (Nhật Bản). Ảnh: H.L |
May mắn tham gia hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học thuật về vật liệu thép xây dựng tại Viện Nghiên cứu của Tập đoàn JFE tại thành phố Kawasaki (Nhật Bản) theo diện học bổng, sinh viên Phạm Quang Nhật, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, cảm thấy may mắn khi được tiếp cận nền học thuật tiên tiến ở khu vực châu Á. Cùng với hoạt động trao đổi kiến thức chuyên môn, Nhật cũng được Tập đoàn JFE hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật miễn phí, mang đến cơ hội làm việc tại tập đoàn này trong tương lai.
Nhật là một trong gần 100 sinh viên ưu tú của Đại học Đà Nẵng được nhận học bổng của Tập đoàn JFE trong vài năm trở lại đây, tập trung ở những ngành, lĩnh vực như Xây dựng dân dụng, Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản ở mức toàn phần 60.000Y/suất (tương đương 11,6 triệu đồng/suất) và bán phần 30.000Y/suất (tương đương 5,8 triệu đồng/suất). Với học bổng toàn phần, Nhật được tập đoàn hỗ trợ phát triển năng lực ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc trong môi trường doanh nghiệp hiện đại, qua đó đáp ứng nhu cầu về nhân sự chất lượng cao ở các tập đoàn kinh tế lớn.
Tương tự, 10 sinh viên Khoa Kiến trúc và Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng vừa trở về Đà Nẵng sau chuyến trao đổi kinh nghiệm học tập tại Đại học Utsunomiya (Nhật Bản), Tại đây, nhóm đã tham gia workshop lần thứ 7 giữa hai trường với chủ đề “Thiết kế thành phố thông minh với hệ thống giao thông đường sắt nhẹ”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Sakura Science được ký kết giữa hai trường đại học từ 7 năm trước.
ThS. Võ Xuân Trung, Khoa Kiến trúc, thành viên đoàn công tác cho biết, tại Đại học Utsunomiya, sinh viên đã tham gia các tiết dạy của những giáo sư nổi tiếng, đồng thời được tham gia khảo sát thực địa cùng các kỹ sư phát triển tuyến đường sắt nhanh của Sở Giao thông Utsunomiya. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên mạnh dạn đề xuất ý tưởng thiết kế tuyến đường sắt nhanh và cảnh quan đô thị xung quanh.
Thông tin từ Đại học Đà Nẵng cho biết, mỗi năm có gần 100 sinh viên đang theo học tại các trường đại học thành viên đi thực tập, trao đổi học thuật ở nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế. Đây là cơ hội bổ ích để sinh viên vận dụng kiến thức đã học, tích lũy vốn sống và cải thiện khả năng giao tiếp với người nước ngoài. Từ các chương trình này, sinh viên của Đại học Đà Nẵng có cơ hội mở rộng tầm nhìn, trau dồi năng lực chuyên môn, ngoại ngữ. Chưa kể, không ít sinh viên trong quá trình thực tập đã nhận về mức lương khoảng 1.500 USD/tháng (hơn 30 triệu đồng).
Bên cạnh đó, không ít trường đại học, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ kiến thức chuyên môn, chỗ ở, chi phí đi lại, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia đầy đủ các hoạt động nằm trong khuôn khổ nội dung hợp tác đôi bên. Theo PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đây là xu hướng giáo dục mới, tích cực, phù hợp nhu cầu gắn kết hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp, đem lại lợi ích chung trong đó có sinh viên theo hướng “đi xa để trở về”. Cũng theo ông Lê Quang Sơn, thời gian tới Đại học Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy hợp tác đại học - doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu, phát huy tiềm năng, trong đó phía đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật, dịch vụ, IT có thể đồng hành, hỗ trợ các trường, đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.
HUỲNH LÊ