Đà Nẵng cuối tuần

Phụ nữ Nhật Bản không muốn đổi họ khi kết hôn

15:54, 02/03/2024 (GMT+7)

Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các cặp vợ chồng phải có cùng tên họ. Theo đó, một trong hai người phải đổi họ và đa số số phụ nữ chấp nhận mang họ của chồng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cho rằng, luật này đã quá lỗi thời.

Việc đổi họ khi kết hôn là “cơn ác mộng” của nhiều phụ nữ Nhật Bản vì phải thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính đối với hộ chiếu, tài khoản ngân hàng và các giấy tờ tùy thân khác.

Với phụ nữ Nhật Bản, việc phải thay đổi họ khi kết hôn dẫn đến cảm giác bị “xóa bỏ danh tính”. Ảnh: Getty Images
Với phụ nữ Nhật Bản, việc phải thay đổi họ khi kết hôn dẫn đến cảm giác bị “xóa bỏ danh tính”. Ảnh: Getty Images

Bất bình đẳng giới sâu sắc

Theo báo Japan Times, 95% trường hợp phụ nữ phải đổi họ một cách miễn cưỡng mặc dù các cặp vợ chồng được tự do lựa chọn đổi sang họ của vợ hoặc chồng. Chị Akiko Saikawa - nhân viên văn phòng ở Tokyo nói: “Việc thay đổi họ rất mất thời gian và bất tiện. Điều rắc rối nhất là dù họ của tôi trong sổ hộ khẩu đã đổi theo chồng nhưng tôi vẫn phải nói rõ với nhà tuyển dụng rằng tôi muốn được gọi bằng tên thời con gái tại nơi làm việc”. Chị Saikawa gọi việc đổi sang họ của chồng là “cơn ác mộng” khi trải qua hàng chục thủ tục để đổi tên in trên các giấy tờ cá nhân, thậm chí thay đổi tên tài khoản mạng xã hội của mình.

Luật Dân sự của Nhật Bản được thông qua vào năm 1898 dưới thời Minh Trị (1868-1922) cấm vợ chồng dùng khác họ. Từ 30 năm trước, chính phủ Nhật Bản đã đề xuất bỏ điều luật này nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào. Năm 2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga công khai ủng hộ cải cách luật liên quan họ tên. Song, cuối năm đó, chính phủ đã bỏ qua vấn đề này do vướng nhiều ý kiến tranh cãi.

Nhật Bản là một trong những cường quốc kinh tế nhưng tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội. Các nhà hoạt động cho rằng, việc phụ nữ mang họ của chồng khi kết hôn gắn liền với các tư tưởng truyền thống của người Nhật về cách tổ chức gia đình, trong đó nam giới luôn giữ vai trò làm chủ; đồng thời là dấu hiệu cho thấy quốc gia này thiếu sự tiến bộ về bình đẳng giới.

GS. Machiko Osawa về kinh tế lao động tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản (JWU) nhận định: Sự thiếu tiến bộ về bình đẳng giới là do “thái độ gia trưởng lỗi thời” của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. “Phụ nữ mới kết hôn phải lãng phí nhiều thời gian trong việc đổi họ trên tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, hộ chiếu và tất cả giấy tờ chính thức khác. Với những người đã có thành tựu, việc phải đổi họ là phủ nhận những gì họ từng đạt được. Điều đó mang đến cho họ sự bối rối, khiến họ phải phục tùng đàn ông”, GS. Osawa nói.

Kêu gọi thay đổi

Năm 2015, một nhóm phụ nữ đệ đơn kiện Luật Dân sự để yêu cầu giữ lại họ khi kết hôn, đồng thời yêu cầu bồi thường 6 triệu yen thiệt hại tinh thần do luật này gây ra. Vụ kiện tuy thất bại nhưng thu hút sự chú ý của dư luận đối với điều luật hôn nhân đã tồn tại hơn 100 năm ở xứ sở hoa anh đào.

Mới đây, một nhóm gồm 12 người sống tại Tokyo, Hokkaido và tỉnh Nagano kiện Luật Dân sự, cho rằng điều khoản quy định vợ chồng phải sử dụng cùng họ là “không cần thiết và không hợp lý”, đồng thời vi phạm Điều 24 của Hiến pháp với quy định bảo đảm quyền tự do hôn nhân. Bà Yukio Koike (66 tuổi) - một trong các nguyên đơn - đã ly hôn chỉ để giữ lại họ của mình, chứ không có mâu thuẫn tình cảm với chồng. Bà Yukio cùng chồng tổ chức lễ cưới vào năm 1991 nhưng không đăng ký kết hôn vì bà muốn giữ họ của mình, trong khi chồng phản đối vì ông là con trai trưởng của một gia tộc coi trọng truyền thống.

Viện Quản lý lao động Nhật Bản công bố một kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy, gần 84% số công ty cho phép phụ nữ giữ họ gốc ở nơi làm việc, nhưng các tài liệu bổ sung cần thiết khi đi công tác nước ngoài vẫn tiếp tục gây nhầm lẫn.

Hiện LDP chịu áp lực lớn khi các nhà hoạt động và cả các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao đều yêu cầu thay đổi luật. Song, nhiều thành viên đảng cầm quyền cho rằng, việc sửa đổi luật sẽ dẫn đến sự tấn công vào các giá trị truyền thống bằng cách “làm suy yếu” sự đoàn kết gia đình. GS. Machiko Osawa phân tích: “Tỷ lệ ly hôn ở Nhật Bản ngang với Anh và Đức. Vì vậy, luật về thay đổi họ không hỗ trợ cho sự ổn định gia đình. Thời đại đã thay đổi và hầu hết các hộ gia đình cần thu nhập gấp đôi để trang trải cuộc sống. Việc các cặp vợ chồng có quyền lựa chọn họ tên là hợp lý và điều này thúc đẩy bình đẳng giới”.

KHÁNH LINH (theo The Guardian, FP)

.