Đà Nẵng cuối tuần

Tăng trưởng kinh tế và những tín hiệu tích cực

12:44, 16/03/2024 (GMT+7)

Một tin vui trong nửa tháng cuối cùng của quý đầu năm 2024 là Ngân hàng UOB Singapore - một trong những ngân hàng lớn và uy tín nhất châu Á hiện nay - dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1-2024 của Việt Nam đạt 5,5%, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 3,32%. Các chuyên gia của UOB cho rằng, sở dĩ mức tăng trưởng chưa cao như kỳ vọng là do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1-2024 công bố hôm 11-3, Ngân hàng UOB dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% và cho rằng, trong khi rủi ro từ các sự kiện xung đột bên ngoài tiếp tục đè nặng lên kinh tế toàn cầu, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng có lợi cho Việt Nam và Đông Nam Á.

Dự báo của Ngân hàng UOB là khá sát, hợp lý, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ở mức 6-6,5%. Các tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là trong tầm tay. Cụ thể, IMF dự báo, GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Trong khi đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6% vào năm 2024, trong khi WB đưa ra con số 5,5%, tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024…

Một điểm chung là UOB, WB, IMF, ADB đều cho rằng, yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là đầu tư công, sự phát triển của ngành du lịch, sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… Với đầu tư công, nếu hiệu quả sẽ tạo được việc làm, kích thích các hoạt động kinh tế phát triển, tăng trưởng. Đó sẽ là động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái do căng thẳng địa-chính trị, xung đột gia tăng, leo thang, sự đứt gãy chuỗi cung ứng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển…

Với mức tăng trưởng đặt ra trong khung 6-6,5%, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được, khi trong quý 1-2023, chúng ta đã có những tín hiệu tích cực, khởi đầu cho sự hy vọng đạt được mục tiêu đề ra. Điều này là có cơ sở, khi ngay cả việc nghỉ Tết Nguyên đán có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, nhưng chúng ta đã vào cuộc ngay sau kỳ nghỉ lễ, nhất là các doanh nghiệp.

Và điều rất đáng mừng trong bối cảnh sản xuất công nghiệp bị suy giảm vì nguyên nhân khách quan thì du lịch, dịch vụ lại phục hồi khá mạnh mẽ. Điều này thật dễ dàng kiểm chứng khi trong những ngày tháng Giêng vừa kết thúc, các địa điểm du lịch trên cả nước đều đón rất đông du khách trong và ngoài nước. Đây thực sự là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Sự tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói riêng, khách du lịch nói chung, kéo theo khối ngành dịch vụ phát triển, kích thích nhu cầu tiêu dùng, vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành, các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội… Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ riêng trong quý 1-2024, rất nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức những tuần lễ thể thao - văn hóa - du lịch, tạo điểm nhấn để quảng bá, kích cầu du lịch, dịch vụ. Những lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước thực sự là động lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch nói riêng, của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Có thể khẳng định rằng, những tín hiệu tích cực ngay trong những tháng đầu năm chắc chắn là cơ sở tin cậy để ngành du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Và chắc chắn, đóng góp của ngành du lịch, dịch vụ… vào tăng trưởng kinh tế là rất tích cực, quan trọng, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, cũng như trên thế giới.

NGUYỄN TRI THỨC

.