Đà Nẵng cuối tuần
Dòng chữ làm nhói tim
Mắt hướng xuống sân bóng với ánh nhìn có chiều lo lắng, bé trai chừng 7-8 tuổi nâng bằng hai tay lên ngang trán tấm biển viết trên giấy cứng với tuồng chữ tinh khôi. “Cháu không cần áo của các chú đâu. Cháu chỉ muốn các chú chiến đấu vì những gì của chúng ta”. Dòng chữ cứng cáp nổi bật giữa khán đài đan chặt những người với người. Ồ, lại là chữ viết của trẻ thơ! Ai đó chợt liên tưởng tấm biển tương tự nổi lên giữa khán đài sân Công viên Các hoàng tử ở Paris cách đây gần ba năm trong một trận cầu ở sân chơi Champions League: “Messi ơi, chú cho cháu áo đấu của chú nhé. Cháu sẽ tặng lại chú mẹ của cháu!”.
Các cầu thủ Arsenal ăn mừng bàn thắng trong trận đấu với Chelsea. Ảnh: Reuters |
Trẻ nhỏ thường nảy sinh nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh khiến người lớn giật mình. Tấm biển hồn nhiên của cậu bé cổ động viên Paris Saint-Germain từng làm thiên hạ cười nghiêng ngả sau trận cầu mãn nhãn và nhận ra cái đẹp của thể thao chân chính mang niềm vui đến mọi nhà. Nhưng trên sân Emirates của thủ đô London đêm 23-4 trong trận derby giữa Arsenal và Chelsea, tấm biển từ tay cậu bé cổ động viên Chelsea không khiến người xem cười. Thay vào đó là nét chau mày nghiền ngẫm và nỗi lặng im thao thức từ các góc khán đài phủ đầy sắc xanh áo đấu của Chelsea. Không chỉ là ao ước hồn nhiên của một đứa trẻ, dòng chữ trên tấm biển ấy gói ghém một cách bộc trực ý muốn cũng là đòi hỏi thực tế của những người từng chứng kiến bao thăng trầm, từng chia sẻ bao buồn vui cùng màu áo Chelsea. Kìa, cùng nâng tấm biển này bên đôi tay nhỏ nhắn kia còn có bàn tay chở che của người lớn!
Hãy vào trận và cống hiến vì các giá trị xứng đáng của đội bóng! Hơn cả một mong ước, đây là lời nhắc thiết thực mà cầu thủ nào cũng phải biết trân trọng nếu không muốn mình lạc lõng giữa đội hình và bị bỏ lại phía sau. Tấm biển dường như được cậu bé giơ lên ngay từ đầu trận, lúc bóng chưa lăn nhưng không ít người nghĩ nó xuất hiện sau lúc Chelsea bị chủ nhà hành hạ tơi tả với 5 bàn trắng. Dù vào thời điểm nào, dù có mặt trước hay giữa trận, thì hình ảnh dõng dạc của dòng chữ trên tấm biển kia cũng chuyển tải đủ đầy thông điệp thống thiết mà từng thành viên của Chelsea bấy giờ - từ huấn luyện viên đến cầu thủ - đều không thể hững hờ xem nhẹ. Cả lời nhắn nhủ, gửi gắm chân tình đến câu chê trách nghiêm nghị hay tiếng thở dài chán chường tuyệt vọng của người hâm mộ đều đong đầy giá trị lúc này. Tất cả xứng đáng được trân quý vì chúng đến từ nỗi thao thức vì danh dự và màu cờ sắc áo.
Conor Gallaghe r- đội trưởng Chelsea - dường như sớm nhận ra điều này khi nói người hâm mộ có lý khi chê trách mình và đồng đội không thi đấu tận lực, dẫn đến trận thua nặng nề trước kình địch Arsenal, đối thủ mà mười năm trước, thế hệ đàn anh của họ từng thắng cách biệt 6-0 ở mùa bóng 2013-2014. “Tôi thấm thía giá trị lời nhắc nhở của khán giả và sẽ cùng đồng đội chú tâm làm lại. Chỉ mong bà con thông cảm vì phần lớn chúng tôi còn trẻ, còn non kinh nghiệm trận mạc”, giọng Gallagher thật thà. Anh bảo rằng từ dưới sân nhìn lên dòng chữ trong tay cậu bé sau lúc khung thành nhà liên tục bị đối thủ chọc thủng, anh thấy nhói tim vì xấu hổ.
“Phải biết nhục, Chelsea ơi!” cũng là tiếng than đầy trăn trở của một cổ động viên thường xuyên có mặt ở Stamford Bridge. Người này đề nghị ban lãnh đạo Chelsea treo tấm biển của cậu bé trong phòng thay đồ của câu lạc bộ để mọi thành viên đều nhìn thấy hằng ngày. Cả nhà dẫn dắt Mauricio Pochettino, dù bực dọc phê phán học trò tự đánh mất mình để dễ dàng buông tay trước đối thủ cũng cần được nhắc nhở chớ lơi lỏng với hành trình chiến đấu cho màu áo này.
Và đừng quên, chẳng ai thiết tha với chiếc áo phai nhạt mồ hôi, nước mắt khi chủ nhân của nó không chiến đấu hết mình…
ĐÌNH XÊ