Đà Nẵng cuối tuần
NSND Huỳnh Hùng - Người lưu giữ chân dung
Khi bắt đầu công việc nghệ thuật, thường không ai đặt mục tiêu mình sẽ đạt một danh hiệu nào đó, nhất là đối với lĩnh vực điện ảnh. Huỳnh Hùng cũng vậy, gần như tay ngang khi bước chân vào con đường thiên lý nghe - nhìn và bằng sự khổ công và đam mê của mình, anh đạt được kết quả mà ít người có được.
NSND Huỳnh Hùng phỏng vấn GS sử học Đinh Xuân Lâm về nhà văn, nhà báo Phan Khôi (trong phim “Con mắt còn có đuôi”). Ảnh: S.T |
NSND không phải là mục đích cuộc đời nhưng là một ghi nhận ấn tượng về kết quả sáng tạo của Huỳnh Hùng. NSND không chỉ là danh hiệu tôn vinh mà còn là sự đánh giá cao nhất trong các loại danh hiệu đối với nghệ nhân trong hoạt động nghệ thuật hiện nay.
Tự học
Nói tay ngang là vì anh vốn học Văn. Bằng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngày đó ghi “Cử nhân Văn chương”, hình như có ý nghiêng về sách vở văn chương nhiều hơn câu cú ngữ pháp (sau này được thay bằng “Cử nhân Ngữ văn”). Tôi và nhiều người cùng lớp không nói ra nhưng ai cũng thích cái tên bằng Cử nhân Văn chương này. Ra trường anh giữ chân văn phòng huyện Điện Bàn, bấy giờ là một trong những địa phương có phong trào nông nghiệp và… ca hát hàng đầu của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau 8 năm, anh “ra riêng” làm trưởng phòng văn hóa thông tin của huyện.
Chặng tiếp anh chuyển ra Đài Truyền hình Đà Nẵng (VTV miền Trung), ngày ấy được làm việc ở một cơ quan Trung ương mà lại là lãnh đạo thì nhiều người mong ước. Nhưng có một thay đổi định vị con đường công việc của anh đến cuối đời là anh được thành phố xin về làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, rồi Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố. Từ một cơ quan Trung ương anh về địa phương, không biết có phải đối tượng phục vụ tập trung cho người thành phố, mà Đà Nẵng những năm đầu sau chia tách ngổn ngang bao việc nhưng ở đâu cũng hừng hực khí thế, hay những con người nhiều năng lượng của nơi công tác mới thôi thúc anh thâm canh có hiệu quả trên con đường nghệ thuật?
Sự thành công của một phim tài liệu lịch sử là khắc họa được chân dung nhưng ý nghĩa sâu xa là truyền trao thông điệp. Một cuốn phim không có thông điệp là cuốn phim không xứng đáng để xem. Huỳnh Hùng lựa chọn một hướng nhiều người làm nhưng ít tác giả thành công: phim tài liệu. |
Nguyên Hồng nói công việc viết lách là tự róc thịt da mình. Không có khổ ải nào bằng con đường lao động nghệ thuật. Huỳnh Hùng cũng vậy, biết mình không phải là dân được đào tạo chính quy điện ảnh hay truyền hình, nên từ những ngày đầu về đài anh đã để ý từ những chi tiết nhỏ nhất khi làm phim đến cảm xúc bần thần mỗi khi trên màn ảnh hiện chữ “Hết”. Trong cánh đồng bất tận các loại hình nghệ thuật, điện ảnh được xếp thứ bảy (sau 6 “món”: văn học, múa, âm nhạc, hội họa, kiến trúc và sân khấu). Khi “cuốn” phim đầu tiên ra đời (1888) không ai nghĩ nó nhanh chóng chiếm lấy đôi mắt và hớp hồn loài người nhanh chóng và sâu sắc như vậy. Khi truyền hình xuất hiện, phim truyện như được thêm đôi cánh thần tiên, từ Đông sang Tây, từ châu Âu đến châu Á… ai ai cũng từng đêm dán mắt vào màn ảnh. Ngày nay điện ảnh định dạng thẩm mỹ nghệ thuật nghe nhìn.
Shakespeare nói rằng, người nào không có khả năng cảm thụ âm nhạc, người đó cuối cùng chỉ còn bản năng. Phim ảnh là tổng hợp các yếu tố văn chương, hình ảnh và âm nhạc của con người, trở thành chân trời sáng tạo mênh mông. Với Huỳnh Hùng câu hỏi lớn nhất là chọn lối đi nào trong rất nhiều nẻo đường người trước đã đi?.
Thông điệp của thông điệp
Phim ảnh nói chung là kể chuyện bằng hình ảnh và âm thanh, “Phim tài liệu” là kể chuyện về lịch sử, sự kiện, nhân vật, về những vấn đề của con người (môi trường, tự nhiên, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh…) đặc điểm chung là phải trung thành với sự kiện xảy ra, không cho phép có yếu tố hư cấu. Huỳnh Hùng chọn một “nhánh” nhỏ trong đó: kể chuyện về những con người Quảng Nam, anh tự nhiệm công việc khó khăn nhưng hấp dẫn này bằng niềm đam mê.
Trước đây, trong chiến tranh có Trần Văn Thủy, bậc thầy về phim tài liệu Việt Nam, có làm phim về đất Quảng “Những người dân quê tôi”… nhưng dĩ nhiên tác giả “Hà Nội trong mắt ai” không gắn bó trọn đời với vùng đất địa linh nhân kiệt này, hiện nay có nhiều người xông xáo và hứa hẹn thành công hơn, nhưng trên nhiều bình diện, Huỳnh Hùng có mặt đúng lúc thực tế đang cần và anh để lại dấu ấn đáng nhớ của mình trên con đường nghệ thuật.
Như đã nói, cái bất lợi của Huỳnh Hùng là không được đào tạo điện ảnh bài bản, anh học thông qua công việc, nhưng đó cũng là lợi thế của anh. Anh không quá câu nệ trường phái, thi pháp, ngôn ngữ ẩn dụ… anh làm phim với sự đam mê hết mình, có chút hồn nhiên, có chút công phu chi tiết, nhất là bằng sự nhạy cảm thời sự và cảm thụ văn chương. Yêu cầu khắt khe của thể loại này là phải thông qua hình ảnh nhân vật, sự kiện lịch sử…, để nói cho hôm nay và mai sau. Sự thành công của một phim tài liệu lịch sử là khắc họa được chân dung nhưng ý nghĩa sâu xa là truyền trao thông điệp. Một cuốn phim không có thông điệp là cuốn phim không xứng đáng để xem. Huỳnh Hùng lựa chọn một hướng nhiều người làm nhưng ít tác giả thành công: phim tài liệu.
Tôi may mắn được xem nhiều phim của Huỳnh Hùng làm đạo diễn, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là các phim “Sông núi khắc tên” (về danh thần Nguyễn Văn Thoại), “Người giữ thành Hà Nội” (về Tổng đốc Hoàng Diệu) và “Con mắt còn có đuôi” (về học giả, nhà báo Phan Khôi). Thông điệp chung là gì? Đó là tài năng, dũng khí và đức thanh liêm của người xưa. Nếu có nói thêm là các đặc tính đó gắn với tính cách khẳng khái đồ Quảng. Kể (bằng hình ảnh) về những con người nổi tiếng, nhiều người nghiên cứu và viết, đó là công việc không dễ, cho nên Huỳnh Hùng làm phim tài liệu, khắc họa thành công chân dung nhân vật, sự kiện lịch sử…, được người xem nhớ và ghi nhận là một thành công mà không phải ai cũng làm được.
“Con mắt còn có đuôi”
Cái khó của thể loại phim tài liệu về nhân vật lịch sử là có rất ít tài liệu “sống” thời họ sống, làm việc. Hoàn cảnh khác nhau, tầm vóc sự kiện có nhiều nhận định khác nhau, những người con kiệt hiệt Quảng Nam có mặt khắp nơi, công trạng của họ xứng đáng được được ngợi ca, lưu truyền. Tính cách đa dạng và phẩm chất độc đáo của họ là nguồn mạch làm nên lòng tự hào chính đáng cho quê hương Ngũ phụng tề phi và của cả nước. Phim tài liệu về những nhân vật xứ Quảng đó được thể hiện thông qua quy ước nghệ thuật điện ảnh, nói lên phẩm chất anh hùng hoặc sáng tạo của họ đến mai sau một cách nghệ thuật, tạo sự rung động, yêu ghét và căm thù một cách thuyết phục người xem, đó là sự lao tâm khổ tứ. Nếu lấy số lượng các giải thưởng, trong đó có giải ở vị trí cao nhất tầm quốc gia mà NSND Huỳnh Hùng được trao làm thước đo cho sự thành công, thì Huỳnh Hùng tạo ra sự tin cậy với sự thừa nhận rộng rãi. Số giải thưởng anh có nhiều hơn số năm anh làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Huỳnh Hùng là nghệ sĩ duy nhất trong lĩnh vực đạo diễn điện ảnh trong 8 nghệ sĩ được trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân của thành phố hiện nay.
Tôi hỏi anh Hùng: “Trong các phim anh làm, phim nào là khó nhất?”, “Con mắt còn có đuôi”. “Thế phim nào anh hài lòng nhất?”, “Con mắt còn có đuôi”. Khó? Vì đó là một nhân vật tài năng bậc nhất, đa dạng và góc cạnh, nhiều nhận định đánh giá khác nhau. Hài lòng? Vì đây là lần đầu có một bộ phim tài liệu tương đối hoàn chỉnh về người khai sinh phong trào Thơ mới lẫy lừng nước ta (và cũng là người dịch Kinh Thánh đầu tiên), quảng văn và cứng cáp, ở một khía cạnh nào đó là kẻ sĩ dấn thân chân chính. Phan Khôi xứng đáng để hậu sinh nhớ và biết ơn. Qua phim, Huỳnh Hùng đã nói được “cái đuôi” mà không chỉ của 24 năm xưa nhìn thấu, và cũng với Huỳnh Hùng qua đôi mắt còn có đuôi ấy nhắn nhủ với chúng ta “Nắng được thì cứ nắng”.
MAI LANG