Đà Nẵng cuối tuần

Nghề xưa giữa phố

Vui trong hàng quán cũ

17:16, 08/06/2024 (GMT+7)

Qua hàng thập kỷ, những lò bánh mì, tiệm đóng giày hay cửa hàng sửa chữa điện tử… lâu đời ở Đà Nẵng trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của không ít người dân địa phương. Với uy tín, chất lượng sản phẩm, những hàng quán này đã góp phần làm phong phú bức tranh kinh tế đô thị, nơi mà những giá trị xưa cũ vẫn luôn được các thế hệ làm nghề trân trọng, giữ gìn.

Nhờ có lượng khách hàng quen thuộc, tiệm đóng giày của ông Đỗ Văn Chiến vẫn tồn tại bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường giày dép thời trang. Ảnh: T.Y
Nhờ có lượng khách hàng quen thuộc, tiệm đóng giày của ông Đỗ Văn Chiến vẫn tồn tại bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường giày dép thời trang. Ảnh: T.Y

Mùi vị bánh mì gây thương nhớ

Những lần hiếm hoi trở về Đà Nẵng thăm gia đình sau gần 30 năm định cư Canada, việc đầu tiên ông Nguyễn Hữu Thông (65 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) làm là gọi taxi đến thẳng tiệm bánh mì Quốc doanh nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (trước đây là Hùng Vương). Bởi trong bàng bạc nỗi nhớ quê nhà, ông nói rằng mình luôn mường tượng ra mùi vị chiếc bánh mì nóng hổi, thơm phức, đặc ruột, mềm trong, giòn ngoài ở đây. Ngày còn học Trường THPT Phan Châu Trinh, mỗi chiều đạp xe ngang qua tiệm bánh mì, mùi thơm từ chiếc bánh nóng hổi kết hợp với hương vị của pate, của chả, của muối tiêu, của tương ớt quyện trong gió như lời mời gọi hấp dẫn. “Bánh mì Quốc doanh là món tôi nhớ nhất khi rời Đà Nẵng. Hương thơm ngọt ngào của bột nướng kết hợp độ giòn tan của vỏ bánh như bản hòa tấu hương vị hoàn hảo”, ông Thông hào hứng kể về mùi vị theo mình nhiều năm qua.

Trong ký ức người đàn ông trung niên, suốt thập niên 80, 90, từ sáng sớm, trước tiệm mì Quốc doanh người ta đã xếp hàng đứng chờ những mẻ bánh nóng giòn mới ra lò. Không chỉ gây thương nhớ bởi mùi thơm bột nướng, cái tên “quốc doanh” còn gợi nhớ kỷ niệm thời bao cấp, tem phiếu ở mảnh đất bên sông Hàn. Sau này, cảnh chen chúc ngày cũ không còn, nhưng hình thức, chất lượng cùng hương vị ổ mì Quốc doanh mấy chục năm qua vẫn không thay đổi.

Sau bao thăng trầm thời cuộc, thương hiệu bánh mì Quốc doanh giờ thuộc về gia đình ông Lương Văn Mỹ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây không lâu, ông Mỹ thỉnh thoảng vẫn nhắc đến ông Ông Chấn Á - người có công xây dựng lò bánh mì năm 1952. Thời điểm đó, đây là lò bánh mì duy nhất ở Đà Nẵng phục vụ 24/24. Bánh mì Quốc doanh được ưa chuộng bởi kích thước dài, đặc ruột, nhọn hai đầu nên giữ độ giòn nóng lẫn thoang thoảng mùi thơm bột nướng. Năm 1976, khi quyết định cùng gia đình sang Mỹ định cư, Ông Chấn Á quyết định tặng công thức chế biến cho Nhà nước và Công ty Lương thực Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) là đơn vị tiếp nhận. Khoảng thập kỷ sau, tiệm bánh được chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) nâng cấp thành Xí nghiệp Chế biến lương thực Quảng Nam - Đà Nẵng trực thuộc công ty nhưng chỉ sản xuất mặt hàng duy nhất là bánh mì, đặt tên bánh mì quốc doanh. Như nhiều cửa hàng “quốc doanh” thời kinh tế mở cửa, lò bánh mì từng đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu khác như bánh mì Ông Tí, Tiến Thành, Đồng Tiến... Từ 80 lao động, xí nghiệp chỉ còn 18 người trụ lại với mức thu nhập không cao.

Giữa lúc các lò bánh mì ra sức tìm kiếm công thức mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, Xí nghiệp Chế biến lương thực Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn một lòng giữ lại hương vị quen thuộc mà bao thế hệ người Đà Nẵng đã từng thưởng thức. Ông Thông nói đó cũng là lý do ông luôn muốn quay lại tiệm mì Quốc doanh, như muốn tìm lại mùi vị quen thuộc thời niên thiếu. Có lẽ nhờ sự nỗ lực của những người thợ cộng tình cảm yêu mến của khách hàng mà bánh mì Quốc doanh - từng đứng trước bờ vực phá sản - đã trở lại mạnh mẽ, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương 7-10 triệu đồng.

Yêu nghề, mến khách

Trong khi bánh mì Quốc doanh giữ chân khách bằng hương vị quen thuộc thì cũng có không ít tiệm đóng giày bình dân vẫn tồn tại giữa hàng trăm cửa hàng sang trọng bày bán sản phẩm giày da trên các tuyến phố trung tâm. Ông Nguyễn Minh Hòa (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay ông là khách quen của tiệm đóng giày Avina địa chỉ 64 Ngũ Hành Sơn. Lý do là trong lần lang thang tìm mua đôi giày đi ăn tiệc cách đây 18 năm, ông đã “phải lòng” giày Avina khi nhận ra ngoài chất lượng da tốt, đường kim mũi chỉ hoàn hảo, giá một đôi giày thời điểm đó chỉ dao động 150.000-200.000 đồng (nay khoảng 450.000 - 500.000 đồng). “Tôi cho rằng, người thợ đóng giày giỏi là người vừa có thể che đi khiếm khuyết đôi chân, vừa nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thời trang để cho ra đời đôi giày đẹp, phù hợp với nhịp sống hiện đại và Avina là một địa chỉ như thế”, ông Hòa cho hay.

Bên trong cửa hàng rộng chừng 20m2 chất đầy giày dép, ông Đỗ Văn Chiến - chủ tiệm giày Avina - nói gần 100 năm trước, cùng với nghề kim hoàn, bốc thuốc, người thợ đóng giày thủ công được xã hội coi trọng. Theo ông Chiến, nếu làm theo phương pháp thủ công, công việc của người thợ giày khá vất vả khi hầu hết công đoạn từ tạo mẫu, ra da, bào mướt, đục lỗ, vạt da, cân chỉnh tỉ lệ… đều thực hiện bằng tay. “Việc tạo mẫu, cắt da là bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng bởi mỗi đôi giày đều được thiết kế riêng biệt, phù hợp với yêu cầu và kích cỡ từng khách hàng. Bên cạnh đó, để tăng độ mềm mịn, thoải mái cho khách, đế giày cần được bào mượt bằng chai thủy tinh bể, một kỹ thuật truyền thống mà tôi đã học từ những ngày đầu vào nghề. Các công đoạn này đòi hỏi sự kiên nhẫn và đôi bàn tay khéo léo, tinh tế mà máy móc hiện đại không thể thay thế”, ông Chiến đúc kết sau gần nửa thế kỷ duy trì tiệm đóng giày thủ công bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường hiện đại.

Nhờ đôi tay khéo léo, khách hàng tìm đến ông Chiến hầu hết là người có kích cỡ đôi chân quá lớn hoặc quá nhỏ. Hơn 45 năm kinh nghiệm làm nghề, ông nói rằng cỡ giày thường chênh lệch 3 ly chiều rộng, 5 ly chiều dài. Vì thế, nếu chân khách cỡ 38,5 mà mua giày cỡ 38 thì chật mà 39 thì rộng. Cách duy nhất khắc phục nhược điểm này là người thợ sẽ kín đáo đệm thêm lớp mút bằng cao su dày 5mm. Hay như, người có đôi chân mập bề ngang, người đóng giày sẽ linh động thoa nước vào phía trong bề mặt da để da tăng thêm độ đàn hồi. Sau đó, dùng chân giả bằng nhựa có kích cỡ lớn hơn giày một chút để “nống” cho da giãn ra. Thời gian “nống” khoảng 3 giờ đồng hồ để “da chết”. Như vậy, khách hàng sẽ có được đôi giày vừa vặn mà không cần phải tìm tới người thợ sửa giày.

Trong lúc thị trường đồ gia dụng, điện tử ngày càng cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, không ít người vẫn tìm đến tuyến đường Triệu Nữ Vương, Đoàn Thị Điểm mua cây đinh, gương chiếu hậu, máy xay sinh tố, âm ly, ti-vi, tủ lạnh, máy giặt, quạt máy… đã qua sử dụng. Nguyễn Anh Vũ, ông chủ cửa hàng sửa chữa điện tại địa chỉ 49 Đoàn Thị Điểm cho hay, hơn 30 năm buôn bán tại đây, ông không nhớ hết số lượng khách hàng ghé quán, nhưng có thể ước lượng mình có chừng 15 khách quen thường xuyên lui tới. Đây không chỉ là nguồn thu mà còn là mối quan hệ xã hội sâu sắc được ông xây dựng qua nhiều năm. “Dù thị trường đồ điện tử ngày càng phong phú, nhiều người vẫn tin tưởng vào chất lượng, độ bền của sản phẩm đã qua sử dụng và đây cũng là lý do giúp cửa hàng của tôi đứng vững sau 30 năm”, ông Vũ đúc kết.

Có thể nói, những vị khách trung thành đã mang lại niềm vui cho người bán buôn như ông Chiến, ông Vũ. Trải qua hàng thập kỷ, cùng với uy tín, chất lượng sản phẩm, những hàng quán trên đã góp phần làm phong phú bức tranh kinh tế đô thị Đà Nẵng, bởi bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, những giá trị buôn bán xưa vẫn luôn được các thế hệ làm nghề trân trọng, giữ gìn.

TIỂU YẾN

.