Đà Nẵng cuối tuần

Rung cảm cùng kịch đọc

10:20, 15/06/2024 (GMT+7)

Trung thành mục tiêu lan tỏa văn học qua lĩnh vực nghe nhìn, mới đây, bên cạnh các kịch mục quen thuộc, sân khấu Hồng Hạc ra mắt thể loại nghệ thuật mới: kịch đọc. Vở “Thiên thiên” - tác phẩm sân khấu đầu tiên Việt Linh viết kịch bản (cảm tác từ truyện ngắn “Hạnh phúc là cùng” của Vũ Hồi Nguyên và “Xoa” của Tăng Song Nam) lẫn dàn dựng (cùng đạo diễn Phạm Hoàng Nam) - được chọn cho số mở màn. Năm mươi khán giả đầu tiên đã có hơn một tiếng đồng hồ thả mình vào dòng chảy âm thanh và lắng nghe thế giới nội tâm rộng mở bên trong mình.

Ê-kíp đọc kịch ngồi tầng trên, hoàn toàn không tiếp xúc với khán giả. Sau mỗi buổi diễn, khán giả gặp gỡ, trò chuyện với các diễn viên, khám phá thêm nhiều điều thú vị về nghệ thuật biểu diễn nói chung và kịch đọc nói riêng. Chương trình diễn ra định kỳ vào 20 giờ tối thứ Ba giữa và cuối tháng, tại một quán cà phê ở trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Số thứ hai diễn ra vào ngày 18-6 là vở “VISA” (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Hải Miên).

Trao đổi với Đà Nẵng cuối tuần về hình thức nghệ thuật mới này, đạo diễn Việt Linh hy vọng, kịch đọc sẽ lan tỏa xa nhờ tính tinh gọn và tinh tế.

Đạo diễn Việt Linh (thứ hai, trái qua) và nhà văn Marc Levy (thứ ba, trái qua) tại buổi trò chuyện nhân sự kiện tác phẩm văn học “Mọi điều ta chưa nói” được chuyển thể thành kịch nói tại Việt Nam. Ảnh: NVCC
Đạo diễn Việt Linh (thứ hai, trái qua) và nhà văn Marc Levy (thứ ba, trái qua) tại buổi trò chuyện nhân sự kiện tác phẩm văn học “Mọi điều ta chưa nói” được chuyển thể thành kịch nói tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

* Chào đạo diễn Việt Linh, chị giới thiệu thêm về kịch đọc?

- Thực ra kịch đọc cũng là một trong những trình thức biểu diễn của kịch, không nổi bật như kịch nói, nhạc kịch, ca vũ kịch... nhưng khá quen thuộc ở nước ngoài. Vì tính tinh giản trong dàn dựng (không cảnh trí, phục trang, đạo cụ...) nên kịch đọc được thực hiện nhiều nơi như trường học, cơ quan, nhà văn hóa, thậm chí cho nhóm thân hữu. Nhà Việt Nam tại Pháp trước đây đã từng đọc kịch Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp... Gần gần như “Nghe chuyện đêm khuya” hay “Câu chuyện truyền thanh” nhưng kịch đọc lôi cuốn hơn do có người (không nhất thiết diễn viên) trực tiếp thủ vai cùng âm nhạc, hiệu ứng âm thanh (tiếng va chạm, đổ vỡ, đồ vật rơi…)…

* Từ “chạm mặt” đến yêu thương rồi quyết định lan tỏa, hẳn là một chặng đường dài?

- Lần đầu biết kịch đọc là ở Nga, khi bác Phê Đo - diễn viên phim tốt nghiệp của tôi - dẫn đi nghe nhóm bạn làm kịch đọc. Nội dung vở không nhớ, tiếng Nga không đủ hiểu thoại nhưng nghe giọng đọc và nhìn những giọt nước mắt trên má họ, tôi rất ấn tượng. Sang Pháp vài lần, thấy các anh chị Việt kiều tổ chức đọc kịch Việt Nam, quy mô nhất là năm 1989 do anh Trần Văn Thủy (đạo diễn phim tài liệu, nổi tiếng qua các tác phẩm “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…) chủ trì đọc vở “Hồn trương Ba, da hàng thịt” ở Nhà Việt Nam. Sau đó, có nhiều dịp “chạm mặt” hơn, tơ tưởng nhiều hơn. Ấp ủ, hao hức nhiều năm nhưng vở kịch đọc về chiến tranh Ukraina tôi mới được xem hè 2023 ở trụ sở báo Le Monde nhân kỷ niệm 50 năm thành lập báo là cú hích... lên đường.

Tôi luôn nghĩ làm nghệ thuật nói chung cần “tam khả”: khả thi, khả tín và khả dụng. Tôi muốn giới thiệu kịch đọc với thính giả Việt Nam vì trình thức này khả thi - không nhiều kinh phí, khả tín - tạo rung cảm cho chính tôi và ê-kíp, khả dụng - lan tỏa tác phẩm văn học hay.

* Quá trình này thuận lợi và khó khăn ra sao?

- Tôi tâm sự với ê-kíp, vui thay các bạn đều thích thú; thêm hỗ trợ của Quỹ Hùng Võ, Đông A Books cùng kinh nghiệm sân khấu có sẵn, kịch đọc lần một của chúng tôi khá chỉn chu. Dù chỉ là kịch đọc, ít khán-thính giả, nhưng ê-kíp vẫn chăm chút hình ảnh poster, vé... đẹp và chu đáo. Tôi quan niệm nhà có nhỏ thì vẫn phải tôn trọng khách. Làm kịch đọc đơn giản hơn kịch thường về kinh phí dàn dựng nhưng tập dợt, phối hợp cũng căng lắm.  Với số mở màn, trừ những căng thẳng do khai trương, trình thức quá lạ thì mọi người đều thăng hoa xúc cảm.

* Loại hình này sẽ thu hút nhóm khán giả nào, thưa chị?

- Kịch đọc nếu có điều kiện dàn dựng chu đáo - diễn viên trực tiếp thủ vai cùng ánh sáng, âm thanh, âm nhạc... - sẽ lôi cuốn. Tôi nghĩ kịch đọc có lẽ thu hút những người yêu văn học nhưng ít cơ hội/thời gian đọc, những người thích tưởng tượng, các bạn trẻ... Tôi cũng hy vọng, trình thức biểu diễn này sẽ lan tỏa xa nhờ tính tinh gọn và tinh tế của nó.

* Việc lựa chọn giọng đọc cho từng nhân vật đã được chị cân nhắc ra sao?

- Theo tôi, việc chọn giọng không phải khó, cái chính là sự đồng cảm với dự án và thời gian phù hợp. Chưa kịp tìm ra người phù hợp cho đêm diễn, tôi đành tạm lãnh giọng thoại vai “Thiên Thiên”. Không có giọng đẹp như các bạn, nhưng tôi thấu hiểu nhân vật và tinh thần cả vở nên có thể gây xúc cảm. Thính giả cũng nói vậy. Khó nhất là nhân vật Christian của vở “Visa” phải cần người nước ngoài biết và phát âm tiếng Việt dễ nghe. May quá có Jesse Peterson - giáo viên tiếng Anh người Canada sống ở Việt Nam 9 năm, hoạt động văn hóa đa dạng (viết báo, viết sách, biểu diễn tấu hài độc thoại) - vui vẻ hợp tác, rất chăm chỉ học thoại, học hát. Hôm nào tập có anh là rộn tiếng cười.

* Chị mong chờ điều gì nhất ở dự án này?

- Tôi luôn nghĩ mình là công dân trước khi là nghệ sĩ, mà công dân thì luôn muốn phụng sự tốt cho đất nước trong phần nghề nhỏ bé của mình. Chúng tôi vui, cảm động, bất ngờ lớn khi được khán giả đón nhận nhiệt thành như vậy! Hết băn khoăn hiệu ứng sản phẩm, giờ lại lo kinh phí duy trì. Hy vọng sẽ có nhiều người yêu mến kịch đọc cùng góp sức.

* Làm phim, làm kịch, viết sách và giờ là kịch đọc, hình như Việt Linh luôn đổi mới từng ngày?

- Các lĩnh vực hoạt động của tôi cũng liên quan/tích hợp nhau thôi chứ đâu có đổi mới gì! Kiểu sàng qua sàng lại thôi (cười). Cái chính tôi thích lao động, lao động cùng các bạn trẻ càng ý nghĩa.

* Cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị.

NAM BÌNH thực hiện

.