Trần Văn Lưu: Trắc ẩn cùng ánh sáng

.

Ở phố Hàng Bông - Hà Nội của tôi, không chỉ có những cửa hàng sầm uất mà còn có những địa chỉ văn hóa từ thời “Tự lực văn đoàn” đến nay. Một trong những địa chỉ văn hóa đó là căn nhà số 11 Hàng Bông của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Nhắc đến Trần Văn Lưu là nhắc đến tác giả của những bức ảnh văn nghệ sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Bức nhiều người, bức đặc tả chân dung. Đó là một tài sản quý báu và vô giá không thể lặp lại.

Bức ảnh chụp bảy văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ ở xóm Chòi (Thái Nguyên) - một bức ảnh nổi tiếng của Trần Văn Lưu.Ảnh: T.L
Bức ảnh chụp bảy văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ ở xóm Chòi (Thái Nguyên) - một bức ảnh nổi tiếng của Trần Văn Lưu. Ảnh: T.L

Tận cùng niềm đam mê

Trần Văn Lưu sinh 10-11-1917 tại Nam Định. Gia cảnh ông cũng có những chuyện éo le. Trong khi cậu bé Trần Văn Lưu đang học tiểu học Pháp - Việt thì cha ông là Trần Văn Tĩnh - ký ga Nam Định lại rời cõi tạm. Bởi thế Trần Văn Lưu chỉ được học hết sơ học. Mãi đến khi Phòng Thương mại Hà Nội mở lớp dạy Khoa học, Trần Văn Lưu mới theo học lại và tốt nghiệp năm 20 tuổi. Tuy có chứng chỉ nhưng Trần Văn Lưu lại lựa chọn một cuộc dấn thân khác, từ lòng đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh mới mẻ. Để có thể thỏa lòng đam mê, Trần Văn Lưu quyết định chọn làm nghề tự do. Ông và người em đồng hao là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nghi (mà sau này trở thành nhà quay phim Nguyễn Hồng Nghi) cùng mày mò học làm ảnh và mở hiệu ảnh “Á Đông ảnh quán” ở Thành Nam.

Khi có đủ kinh nghiệm và vốn liếng, hai ông bước lên kinh kỳ và mở hiệu ảnh tại số 2 đường Cột Cờ (nay là Điện Biên Phủ. Còn thời Pháp thuộc thì gọi là Avenue Puginier) mang tên “Photo Atelier” hay “Hà Nội ảnh quán” cũng là vậy. Hiệu ảnh được mở rất bài bản với Giám đốc thương mại là Trần Văn Lưu, còn Giám đốc kỹ thuật là Vũ Năng An. Chính Vũ Năng An với tư cách là nhà nhiếp ảnh của hiệu ảnh “Hà Nội ảnh quán” đã là người chụp hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau ngày Quốc khánh 2-9-1945 để in rộng rãi cho nhân dân.

Toàn quốc kháng chiến, Trần Văn Lưu đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc mà cụ thể là Đại Từ - Thái Nguyên. Ở đây, ngoài việc chụp ảnh cho Nha Bình dân học vụ của Tổng Giám đốc Nguyễn Công Mĩ (em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan), Trần Văn Lưu còn chụp ảnh cho rất nhiều cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa non trẻ - Một sự kiện bén duyên Trần Văn Lưu với giới văn nghệ là việc ông được mời đến chụp lấy tư liệu ở Hội nghị Văn nghệ Bộ đội. Tại đây, Trần Văn Lưu đã xuất thần chụp được khoảnh khắc nhà thơ Thế Lữ và các nữ diễn viên đang hóa trang trước buổi diễn vở kịch nói “Đề Thám xuất quân”.

Bức ảnh có giá trị đến nỗi năm 2000 đầu thế kỷ mới, Trần Văn Lưu gửi dự thi ở tờ Tạp chí Nhiếp ảnh của Pháp “Réponses Photo” và vinh dự nhận giải Nhì. Duyên văn nghệ càng nồng hơn khi năm 1949, Trần Văn Lưu tham gia Hội Văn nghệ Việt Nam và là Ủy viên chấp hành của ngành nhiếp ảnh. Rất nhiều sự kiện và chân dung văn nghệ sĩ qua ống kính Trần Văn Lưu đã được ghi lại một cách ngoạn mục. Tính có tới 300 bức. Đây là một tài sản vô giá cho lịch sử văn nghệ nước nhà.

Ở trong Trần Văn Lưu dần hình thành một chàng nghệ sĩ đam mê đích thực, hồn nhiên không vụ lợi. Hòa bình trở về Hà Nội, Trần Văn Lưu trút đam mê vào cùng mưu sinh ở hiệu hàng ảnh tư của mình.Tuy nhiên, do quy định thời đó nên chỉ có mấy năm mà Trần Văn Lưu đã phải chuyển hiệu ảnh của mình đến mấy lần và cuối cùng thì trụ lại đến cùng ở 11 Hàng Bông. Căn nhà trở thành nơi ông chia sẻ cùng bạn bè những tháng năm bần hàn đói khổ. Nhưng Trần Văn Lưu vẫn sống với đam mê và sở thích của mình. Cùng Bùi Xuân Phái thí nghiệm sản xuất mực để bán không thành công thì ông viết báo cho các tạp chí nước ngoài bằng tiếng Pháp cùng việc gửi các tác phẩm nhiếp ảnh của mình cho các cuộc thi quốc tế. Tờ “La Pologne” của Ba Lan đã coi ông là cộng tác viên ruột và tặng ông danh hiệu “Người bạn của Ba Lan” (Amicus Polonise).

Trắc ẩn của thành thực

Khi tôi về làm rể ở 60 Hàng Bông, Trần Văn Lưu đã bước vào “Lục thập hoa giáp”. Tuy cùng phố nhưng ông còn hơn bố vợ tôi 2 tuổi nên tuy biết tiếng tăm ông, tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi”. Đôi lần đi qua đầu phố, nhìn thấy ông đi bộ, đội mũ phớt mà lòng thầm phục một bản lĩnh văn nghệ đầy trắc ẩn cùng ánh sáng. Chỉ cần một bức ảnh ông chụp các văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Văn nghệ và báo Văn nghệ năm 1949 tại xóm Chối - Đại Từ, Thái Nguyên gồm các gương mặt tiêu biểu là Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân là đã cảm tường tận một giai đoạn của văn nghệ kháng chiến chống Pháp. Một bức ảnh lịch sử ghi lại một khoảnh khắc lịch sử.

Mãi tới những năm tháng đổi mới, tôi mới được cùng Hoàng Cầm trà dư tửu hậu ở tư gia Trần Văn Lưu. Tôi nhớ có hôm có cả nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà thơ Đoàn Phú Tứ... Tôi nhận ra ở Trần Văn Lưu một sự đôn hậu đến lạ lùng. Mùa xuân năm 2000, tôi đón Phạm Duy từ sân bay Nội Bài về Hà Nội và bắt đầu một cuộc thăm viếng bạn cũ kéo dài nửa tháng của chàng nhạc sĩ làng tử này, trong đó có cuộc đến thăm tư gia Trần Văn Lưu. 300 bức ảnh chụp văn nghệ sĩ thời kháng chiến chống Pháp trong đó có Phạm Duy đã được bày ra trước mặt nhạc sĩ khiến ông rưng rưng. Nhờ có Trần Văn Lưu, “những người muôn năm cũ” như câu thơ Vũ Đình Liên đã trở thành bất tử. Những bức ảnh như thơm mùi câu thơ trong “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ: “Màu thời gian không xanh - Màu thời gian tím ngát”.

Kỷ niệm cuối cùng của tôi với Trần Văn Lưu là một kỷ niệm bất ngờ. Đấy là một chiều sau Tết 2003 ít hôm. Bữa ấy, tôi nhậu về đến nhà đã xỉn thì nhà thơ Đàm Khánh Phương tới và báo tin nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã tạ thế. Nhưng điều quan trọng hơn là anh em và gia đình muốn tôi viết điếu văn cho tang lễ của ông, khốn khổ là tối hôm đó, tôi và Nguyễn Trọng Tạo đã mua vé tàu lửa vào Huế sáng tác ca khúc cho một đơn vị nhân kỷ niệm 15 năm thành lập. Vậy là tôi chỉ còn ít thời gian cho việc viết điếu văn trong hơi men nồng nàn với tài liệu gia đình ông cung cấp. Song có lẽ chính do hơi men của thương nhớ, tôi đã viết được điếu văn để vĩnh biệt ông. Tôi cứ viết còn Đàm Khánh Phương thì chờ tôi viết xong thì mang đi. Một điều văn được viết trong khoảnh khắc cũng trắc ẩn chẳng kém gì những cú máy trắc ẩn cùng ánh sáng của Trần Văn Lưu. Trắc ẩn của thành thực. Có lẽ nhờ kỷ niệm này mà tôi được ông phù hộ mà cho đến tận hôm nay, tôi vẫn được viết thanh thản về ông.

NGUYỄN THỤY KHA

;
;
.
.
.
.
.