Đà Nẵng cuối tuần
Giúp trẻ khuyết tật tự tin hòa nhập
Trẻ em khuyết tật kém may mắn về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, việc giúp đỡ các em phát triển tối đa khả năng và năng khiếu của bản thân sẽ tạo cơ hội cho các em được hưởng quyền bình đẳng như các bạn cùng trang lứa; đồng thời từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Em Hứa Hồng Ban chia sẻ về các loại bánh mình làm. Ảnh: Đ.H.L |
Yêu thương bằng cả trái tim
Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm từ lâu là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh. Tại đây, các em khuyết tật không chỉ được học văn hóa mà còn được hướng nghiệp để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Giới thiệu với chúng tôi về các loại bánh bằng giọng nói ngọng nghịu nhưng đầy hy vọng, Hứa Hồng Ban (22 tuổi) chia sẻ về niềm vui và ước mơ của mình, hiện em đã làm được bánh dừa, bánh chuối, bánh phomai và pha chế các loại nước uống giải khát. Sau này, em mong muốn mở một tiệm bánh riêng để kiếm sống hoặc ở lại đây dạy các em có hoàn cảnh giống mình.
Trường hợp của Ban là ví dụ điển hình về sự thành công của cả cô và trò Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm. Từ một trẻ tự kỷ, dưới sự săn sóc và yêu thương đặc biệt của các sơ thì nay Ban đã trở thành một thợ bánh chuyên nghiệp, có thể tự tin làm nghề kiếm sống. Kể về quá trình trưởng thành của Ban, sơ Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm, hạnh phúc cho biết, trong một lần các sơ về vùng sâu vùng xa của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm chương trình cộng đồng thì thấy một bé trai khoảng 5, 6 tuổi ngồi thu lu trong nhà. Khi hỏi bố mẹ Ban thì được biết em bị thiểu năng trí tuệ.
Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các sơ đã đưa em về trường ở nội trú. Lúc đầu, em không nói năng gì, suốt ngày im lặng và có những biểu hiện của trẻ tự kỷ. Học đến lớp 2 thì bố mẹ Ban lại đưa em về quê chăn trâu. Các sơ lại về quê vận động bố mẹ cho em ra học tiếp đến 18 tuổi và sau đó hướng nghiệp, dạy em làm các loại bánh. “Qua trường hợp của Ban, chúng tôi tin tưởng bất kỳ trẻ em tự kỷ nào cũng có khả năng thành công nếu được dạy dỗ trong môi trường tốt”, sơ Tuyết Lan vui mừng khẳng định.
Ngoài Hứa Hồng Ban, Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm còn có nhiều em khuyết tật khác có năng khiếu về hội họa và khéo tay đã được các sơ dìu dắt, phát triển thành cô giáo, thầy giáo dạy nghề cho các em nhỏ ở phòng tranh và phòng làm bánh. Em Nguyễn Thị Bích Ngọc (16 tuổi) không nghe được nhưng vẫn có thể giao tiếp với chúng tôi bằng tay với giọng nói ú ớ. Bích Ngọc cho biết, em vào đây từ năm 2015 khi đến can thiệp, sau đó Ngọc ra ngoài học lớp 1 đến lớp 6 nhưng cảm thấy không hòa nhập được vì hạn chế khả năng nghe nên xin vào lại trường. Ở đây, Bích Ngọc cảm thấy vui vẻ vì có các sơ yêu thương và bảo ban. Giờ Ngọc biết làm các loại bánh sinh nhật dưới sự chỉ dẫn tận tình của thầy cô và bạn bè.
Theo sơ Tuyết Lan, hiện nhà trường đang tiếp nhận khoảng 300 em khuyết tật về khiếm thính, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ từ 3 đến 18 tuổi. Sau khi học văn hóa xong, các em được các sơ định hướng học nghề như làm bánh, vẽ tranh, làm hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc… Nhiều em học xong có thể ra làm nghề như vẽ tranh, vẽ áo dài, làm công nhân cho công ty may. “Tình trạng sức khỏe của các em ở mức độ nặng nhẹ khác nhau nên các sơ phải quan sát kỹ từng li từng tí thì mới phát hiện năng khiếu đặc biệt của mỗi em để khuyến khích phát triển. Hầu hết các em vào đây quá khó khăn, không học được. Đối với những em thiểu năng trí tuệ, chúng tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần khi dạy để các em dễ nhớ. Còn các em tự kỷ, các sơ chú trọng dạy kỹ năng, nhất là các phép tắc trong ăn uống và ứng xử. Nhờ được các sơ rèn luyện kỹ càng từ nhỏ nên các em chăm ngoan, nhiều chủ tiệm rất yêu quý và tin tưởng khi tuyển dụng”, sơ Tuyết Lan tâm sự.
Thắp sáng ước mơ
Việc dạy bảo, chăm sóc học sinh khuyết tật hòa nhập rất khó nên đỏi hỏi giáo viên phải nhẫn nại, kiên trì và hiểu được tâm lý, ý muốn của các em. Tuy nhiên, bằng tình thương và trách nhiệm, các cô ở Trường chuyên biệt Tương Lai đã tận tâm hết mình để các em ngày càng hoàn thiện bản thân.
Cô Trương Thị Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai cho biết, hiện nhà trường có khoảng 274 học sinh đang học tập với các dạng khuyết tật về trí tuệ, thính giác, tự kỷ. Để giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng khi ra trường, ngoài học văn hóa, nhà trường luôn quan tâm hướng nghiệp cho các em học các môn năng khiếu như hội họa, múa, kết cườm, làm bánh, pha chế, nail… Đặc biệt, các em khiếm thính rất giỏi về múa và vẽ. Nhiều em đã có những phát triển vượt trội và tự tin tham gia các cuộc thi vẽ. Điển hình là vào ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), các em đã vẽ 30 bộ áo dài tham gia cuộc thi thời trang tại Công viên biển Phạm Văn Đồng và tham gia thi vẽ tranh tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và đoạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 2 giải khuyến khích, 16 giải triển vọng.
“Thông qua hướng nghiệp không chỉ giúp các em thể hiện năng khiếu bẩm sinh mà còn giúp các em tập khả năng vận động tinh, khả năng giao tiếp. Sau khi ra trường, nhà trường giới thiệu các em đến các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc các em tự xin việc, mở quán. Từ đó giúp các em tự tin vươn lên. Khó khăn hiện nay của nhà trường là thiếu thốn cơ sở vật chất nên các em làm thủ công là chính. Để các em có điều kiện phát triển hơn, rất cần sự chung tay đóng góp của cộng đồng, xã hội trong việc đầu tư trang bị máy móc hiện đại cho các em làm bánh”, cô Ngọc Hà bày tỏ.
Ngoài một số trường chuyên biệt dạy kỹ năng và hướng nghiệp, các em khuyết tật còn được Nhà nước hỗ trợ học lên cao để phát triển năng khiếu của mình tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. Thầy Phan Thái Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết, hiện nhà trường có những chính sách hỗ trợ các em khuyết tật trong quá trình học cũng như sau khi ra trường như miễn học phí, hỗ trợ nghề...
Bên cạnh đó, nhà trường còn kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng vượt khó cho học sinh sinh viên khuyết tật. Trong năm học 2021-2022, nhà trường trao học bổng trị giá 10 triệu đồng cho học sinh khiếm thị Nguyễn Văn Nhật học chuyên ngành đàn organ. Hằng năm, nhà trường tiếp nhận đào tạo học sinh, sinh viên thuộc diện khuyết tật bẩm sinh với các nhóm ngành như organ, piano, guitar, bầu, sáo, nhị...
“Với những ngành nghề biểu diễn như thanh nhạc, múa... để tạo điều kiện cho các em học tập tốt, nhà trường đã thực hiện các phương thức đào tạo linh hoạt như miễn giảm các môn học mang tính vận động; đồng thời yêu cầu giảng viên quan tâm và điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp; cử các học sinh, sinh viên cùng lớp hỗ trợ các em trong quá trình đi lại hoặc dịch các bài tập, bài thi từ chữ Braille sang chữ Việt và ngược lại”, thầy Phan Thái Hùng giải thích.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG