Đà Nẵng cuối tuần
Nỗi buồn ở lại
Lâu rồi mới gặp, người bạn đồng niên mặt ủ rũ, thất thần, vô hồn chào nhau mà như vô cảm, buồn rười rượi. Hỏi ra mới biết lý do là đã bị hiểu lầm và rồi rạn nứt, đổ vỡ và cắt đứt tình bạn đã hơn 20 năm buồn vui chia sẻ. Tôi cũng không gặng hỏi tại sao lại không giải thích, thanh minh, bởi khi một phía đã nhất quyết không lắng nghe thì chẳng thể nào thay đổi. Cứ coi như những gì không thuộc về mình thì có cố níu kéo cũng chẳng bền lâu, cũng mãi gượng gạo, xa rời.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Mà ở đời, thật lạ, những chuyện buồn thường rất đậm sâu, lâu bền, dai dẳng. Chắc ai cũng dễ thấy thôi, những chuyện vui rồi rực rỡ hào quang thường trôi qua nhanh lắm, dù có trải qua rất nhiều gian truân, vất vả, nhọc nhằn mới đạt được đi nữa. Những kỷ niệm cũng chỉ nhấm nháp một mình, thoảng qua khi nhắc lại, chạm đến mà thôi. Nhưng nỗi buồn thì luôn hiện hữu, day dứt, trở trăn, lắng đọng, xao xác tâm can. Cuộc đời cơ bản là thế. Nỗi buồn, cũng như những ấn tượng xấu, thường khắc ghi rất lâu, hễ cứ chạm đến, hễ cứ riêng tư lại trỗi dậy mãnh liệt.
Tôi may mắn được đặt chân đến cả 5 châu, đến khắp 63 tỉnh, thành phố của đất nước mình. Dẫu là những chuyến du lịch hay công tác, thời gian ngắn hay dài, cưỡi ngựa xem hoa hay đến từng hộ gia đình, gặp gỡ, trao đổi với từng nhân vật, thì những gì đọng lại trong trí nhớ, rất rõ, vẫn là những câu chuyện buồn cảm, những số phận đáng thương, đặc biệt trong những thiên tai, bão lũ, trong vật lộn với chật vật, tù túng, khốn khó cuộc sống đời thường.
Ngay cả những nhân vật thực sự nổi bật, là tấm gương sáng đi nữa, những chuyện không vui cũng hiển hiện mồn một. Ví như một gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quốc vì công việc đặc thù, vợ không thấu cảm, sẻ chia nên đành chia tay trong lặng lẽ. Ví như một vị phó giám đốc sở vì không được trọng dụng mà xin nghỉ hưu sớm, chuyên tâm nghiên cứu khoa học và rồi thành công rực rỡ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động…
Tôi không hiểu mọi người có thế không. Không nhiều nhưng chắc là cũng kha khá. Bởi qua nhiều câu chuyện, những chuyện buồn với hình hài cụ thể, khác biệt vẫn hay được nhắc đến, qua năm tháng. Thế nên, nỗi buồn, vẫn cứ thế, ở lại bên đời. Mà điểm chung là chả mấy ai thấu cảm, cất công tìm hiểu tường tận nguyên nhân để mà cảm thông, bỏ qua cả.
Nhiều khi, những chớp nhoáng, thoảng qua vẫn chi phối, ngự trị những nghĩ suy, quyết định, bất luận vì lý do gì, hiếu thắng, muốn khẳng định cái tôi ngất ngưởng hay sự thờ ơ, bàng quan, vô cảm. Mà ở đời, ai cũng biết một điều hiển nhiên rằng, thời gian đã qua đi là không thể nào trở lại. Cũng như những lời đã nói ra, như hòn tên mũi đạn bay đi, như cốc nước đã đổ. Nhưng kỳ lạ, nỗi buồn, dù có chất chồng đi nữa, cũng không hề tràn, nó như cái thùng không đáy, trút đổ bao nhiêu cũng chẳng đầy… Chứ không phải văn hoa, mỹ miều, đáng yêu như nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp La Fontaine nói rằng: “Nỗi buồn bay đi trên đôi cánh của thời gian”.
Ở đời, có người giỏi giấu nỗi buồn, nói một cách văn hoa là họ quản trị được cảm xúc, không bộc lộ ra bên ngoài những buồn vui thoảng qua. Họ có thể mỉm cười đấy nhưng trái tim như nhỏ lệ, như điệp trùng những vết cứa nhói đau ẩn sâu khuất lấp tâm can. Có người cứ để nỗi buồn khơi khơi ào ạt tuôn ra, trên mọi phạm vi không gian, thời gian bất kể những người nhìn thấy, nghe được… chỉ à ơi, thoảng qua động viên vô cảm, thậm chí phá đám, lấy đó làm niềm vui.
Ở đời, dẫu chất ngất theo thời gian nhưng không có nỗi buồn nào giống nhau cả, cho dù xảy ra chỉ với một người đi chăng nữa…
NGUYỄN TRI THỨC