Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới, sách hay
1. Hồi ức "Bầu trời - Trường đại học của tôi" của Trung tướng Nguyễn Đức Soát (NXB Trẻ, 12-2024) vừa chính thức ra mắt bạn đọc. Cuốn sách kể chuyện “đời bay” phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam, qua đó giúp bạn đọc hiểu hơn về Trung tướng Nguyễn Đức Soát từ Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn Không quân 927 đến Trung tướng Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuốn sách là những trang viết hồi tưởng những cuộc chiến trên không và niềm đam mê bay của ông.
Cách đây gần 60 năm, từ những ngày đầu học bay, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã nuôi mong ước chinh phục bầu trời. Ông nói: ''Tôi muốn mình được bay cả đời, bay đến khi tuổi tác hay sức khỏe không cho phép''. Tuy nhiên, hồi tưởng ''đời bay'' của mình, ông ví như một sinh viên trong đại học đặc biệt. Ông nói: ''Tôi học mãi không hết vì kỹ thuật không ngừng phát triển, các loại máy bay mới liên tục xuất hiện, thay thế cái cũ''.
Chương đầu tiên ghi lại những dấu ấn không chỉ gắn với cuộc đời Trung tướng Nguyễn Đức Soát mà còn là cột mốc quan trọng của lịch sử phát triển của không quân Việt Nam. Phần thứ hai, tác giả gửi gắm tình cảm đến quê hương, gia đình, bạn bè, quay về tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đẹp.
Ngoài ra, kể câu chuyện của bản thân nhưng tác giả ''ẩn thân'' tối đa và dành những trang viết hay nhất tri ân các chỉ huy. Nhà thơ Hữu Việt cho rằng: ''Sự khiêm nhường là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái tôi của tác giả mà khiến người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy''.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, 78 tuổi, sinh tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, rồi Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nghỉ hưu năm 2008.
2. "Thượng kinh ký sự" là tập ký sự bằng chữ Hán của nhà y học và nhà văn Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) (NXB Trẻ, tái bản 12-2024). Cuốn sách dày 524 trang là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế và sinh động.
Tập ký sự này mở đầu lúc Lê Hữu Trác đang sống ở quê mẹ là Hương Sơn thì bỗng có chỉ triệu ra kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán. Khi ấy, ông đã 62 tuổi. Trên từng chặng đường đi lên kinh, tác giả vừa mô tả phong cảnh vừa bộc lộ tâm trạng của mình. Khi đến kinh đô, tác giả tiếp tục mô tả quang cảnh ở đó, nhất là trong phủ chúa Trịnh, nơi xa hoa và quyền uy. Ngoài ra, ông còn kể việc tiếp xúc của mình với các nho sĩ, quan lại và những người thân quen xưa. Tác phẩm kết thúc với việc ông về lại quê nhà trong tâm trạng mừng vui. Thượng kinh ký sự là một áng văn cổ thời kỳ văn học trung đại của nước ta.
Cảm hứng Đi - Xem trở thành tiếng nói chủ đạo trong toàn bộ thiên du ký. Có thể nói tất cả các nhân vật, sự kiện, cảnh vật ở đây đều là sự thật, được tác giả chứng kiến, trải nghiệm và ghi chép lại. Toàn bộ sự thật được tôn trọng bởi lối ghi chép theo phong cách chép sử, theo thời gian tuyến tính, nhiều khi ghi rõ cả ngày tháng và địa điểm, nhân chứng, sự kiện. Trên cơ sở ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, Lê Hữu Trác đặc biệt quan tâm đến những danh lam thắng cảnh trên đường đi, từ đó kết hợp và chuyển hóa chuyến đi mang tính công vụ, nghĩa vụ thành cuộc du ngoạn thi vị.
Bên cạnh những hoạt động chữa bệnh theo nghĩa vụ, ông triệt để tận dụng thời gian để ngắm cảnh, thăm lại cố đô Thăng Long, thăm bạn, thăm quê nhà, quê vợ, thăm dòng sông bến nước xưa cũ và chiêm nghiệm lẽ đời. Đặc biệt trong Thượng kinh ký sự còn khoảng bốn mươi bài thơ cảm tác, tự thuật, đề vịnh, xướng họa của chính Lê Hữu Trác và những người khác. Hầu như đi đến đâu, gặp danh lam thắng cảnh nào ông cũng “tức cảnh sinh tình” và đề thơ.
MẪU ĐƠN