Đà Nẵng cuối tuần

Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ

15:07, 28/12/2024 (GMT+7)

Bàn về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, tôi tâm đắc với các quan điểm của nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân - “một tượng đài văn hóa của xứ Quảng”. Ông đã nhiều lần băn khoăn, trăn trở và tự trả lời về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ trong các bài nghiên cứu, phê bình của mình.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). Ảnh: Tư liệu
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). Ảnh: Tư liệu

Hòa mình vào cuộc sống “cần lao”

Nguyễn Văn Xuân cho rằng, văn nghệ sĩ dù sáng tác về nội dung gì, chủ đề nào thì đều phải gắn với con người, thể hiện tình cảm và chất nhân văn: “Văn thơ hay, nghệ phẩm đẹp nhất định phải bắt nguồn từ những nỗi đau khổ, hay hào hứng nơi con người và vì con người mà có”.

Theo ông, chỉ khi văn nghệ sĩ dám sống, dám tiên phong trong lĩnh vực của mình thì mới có những “rung cảm mãnh liệt”. Có như vậy mới trao truyền và đánh thức những tâm tư, tình cảm của khán thính giả. Rằng, “sự dám sống ở tác giả truyền sinh lực cho các nhân vật, làm cho mọi sự, mọi việc đều linh hoạt, phấn khởi, tin tưởng mới, tình yêu mới! Dám sống vốn là thái độ của nghệ sĩ. Những tác phẩm lớn xưa nay đều đi từ sự can đảm tinh thần của người sáng tạo, tự đứng vào hàng đầu của từng phong trào để quan sát và thông cảm với nguyện vọng thế nhân, hòa mình vào cuộc sống các tầng lớp để có thể diễn ngôn”.

Văn nghệ sĩ phải quan tâm đến nhân dân, nỗ lực giải đáp những suy tư, nguyện vọng của quần chúng. Ông cho đây là đòi hỏi chính đáng, bởi nhân dân là lực lượng đông đảo, căn bản và vĩ đại nhất của dân tộc ta “từ thôn quê đến thành thị”, họ cũng là lực lượng lao động sản xuất, đóng góp công sức to lớn nhất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì vậy, nhà văn phải hòa mình vào cuộc sống “cần lao”, phải viết những đề tài về đời sống của họ. “Nếu nhà văn chỉ muốn đi sâu vào thế giới vỏ ốc của riêng mình mà quên đi phản ánh cuộc sống xã hội đầy phong phú thì các nhà văn ấy đã xa rời với xã hội...”.

Đạo quân chiến đấu cho tình thương

Nhiều nhà văn thường ví nghệ sĩ như “con tằm nhả tơ”, Nguyễn Văn Xuân không đồng tình. Ông cho rằng: “Nhà văn tiến bộ không thể nào không nêu ra những thắc mắc, băn khoăn của con người thời đại, hoặc thể hiện, hoặc tìm cách giải quyết thích đáng. Chúng ta nhất định không phải là nghệ sĩ tằm chỉ biết nhả tơ. Chúng ta còn trên con tằm vì chúng ta biết nhả tơ, nhả vào lúc nào, nhả làm sao cho mới, nhả cho ai và cắt, dứt không nhả nữa, khi cần. Chỉ có dám tiến vào cuộc sống đang diễn ra chung quanh ta, ta mới có thể gây ra những mối rung cảm đồng điệu mãnh liệt. Chỉ có quả quyết tin vào sự tiến bộ - tiến bộ cứ đi tới mà thôi - chúng ta mới gây cái phấn khởi kỳ diệu cho muôn vạn con người đang chờ đợi để tin tưởng. Sự phân minh ấy văn nghệ sĩ không thể thiếu được”.

Nguyễn Văn Xuân khẳng định, văn nghệ sĩ không chỉ ngợi ca cái tốt, phê phán cái xấu để lương tâm thanh thản, mà còn phải “tiến tới những hành động dũng cảm: tiêu diệt cái xấu, kiến tạo cái tốt, giải phóng con người! Nghệ sĩ chính là đạo quân chiến đấu cho tình thương”. Người nghệ sĩ phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật trong cuộc sống, phải thấu hiểu “những nguyện vọng sâu xa thầm kín của con người, của thời đại và phải tìm cách thể hiện và giải quyết. Chưa làm được những điều quan trọng đó, nghệ sĩ chỉ còn biết luẩn quẩn trong một thứ tình thương tiêu cực đã lạc hậu, cải lương”.

“Làm thế nào để tạo nên tác phẩm lớn?”

Nguyễn Văn Xuân luôn tâm niệm, văn nghệ sĩ phải nỗ lực để khám phá những điều mới mẻ, nuôi dưỡng những ý tưởng độc lập, có nhiều sáng tạo. Có như vậy mới đạt đến sự độc đáo, rằng: “Chữ độc đáo bao gồm tinh thần sáng tạo, tức là không theo những vết cũ mòn mà còn đi trước kẻ khác”. Ông cho rằng, văn nghệ sĩ không được rập khuôn, sáo mòn, “viết được quyển nào bán chạy là cứ “viết-chết” theo quyển ấy để câu độc giả, không biết liêm sỉ là gì”.

Văn nghệ sĩ luôn sáng tạo ra những tác phẩm hay và mới mẻ, phải tự tìm hiểu thế mạnh của mình “thuộc khuynh hướng nào để khai thác?” Phải luôn nghĩ “Làm thế nào để tạo nên tác phẩm lớn?” Ngay cả khi đã có được tác phẩm hay, vẫn tiếp tục vượt lên, không được phép bằng lòng, thỏa mãn. Bởi, “Không gì đau buồn cho văn học và nghệ thuật hơn là gặp những con người gắng gượng hợp thời, theo đuôi, có định kiến, không bao giờ vượt những khuôn khổ nhất định”.

Thiết nghĩ, đó là những luận điểm có giá trị quan trọng của Nguyễn Văn Xuân về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ. Quan điểm trên được ông khẳng định từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, song đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, văn nghệ sĩ càng cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trong định hướng giá trị chân - thiện - mỹ, trao truyền cảm hứng cho mọi người phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ và nhân văn.

VŨ ĐÌNH ANH, Giảng viên Học viện Chính trị khu vực III

.