Những cái nhất ở Đà Nẵng

Những cái nhất ở Đà Nẵng

Cụm núi vua Minh Mạng ba lần ngự du

07:15, 24/01/2015 (GMT+7)

Chẳng đâu được như Ngũ Hành Sơn, cụm núi đầy huyền tích đã khiến cho vua Minh Mạng “phải lòng” mà ba lần băng bộ qua Hải Vân quan đến ngự du. Ngày nay, nơi đây trở thành địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng khắp thế giới của Đà Nẵng.

Tương truyền, các chữ đề tên hang động, chùa chiền ở Ngũ Hành Sơn được chạm khắc theo thủ bút của vua Minh Mạng. TRONG ẢNH: Ba chữ “Huyền Không Quan” trên cổng vào động Huyền Không. Ảnh: L.G.L
Tương truyền, các chữ đề tên hang động, chùa chiền ở Ngũ Hành Sơn được chạm khắc theo thủ bút của vua Minh Mạng. TRONG ẢNH: Ba chữ “Huyền Không Quan” trên cổng vào động Huyền Không. Ảnh: L.G.L

Thực ra, tên gọi núi Non Nước xuất hiện sớm hơn so với Ngũ Hành Sơn. Tên gọi dân dã căn cứ theo địa thế một bên núi một bên sông của nơi này đã đi vào ca dao từ lâu: Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên. “Non Nước Sơn” cũng là một địa danh (nằm trên đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp) được ghi trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng cho lập vào năm 1594, sau khi được vua Lê Thế Tông cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

Tên gọi Ngũ Hành Sơn xuất hiện muộn hơn, năm 1806, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”.

Minh Mạng, vị vua sùng Nho giáo, chỉ trong vòng 12 năm đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn vào các năm Minh Mạng thứ sáu (1825), Minh Mạng thứ tám (1827) và Minh Mạng thứ mười tám (1837). Ngay lần đến vãng cảnh đầu tiên, vị hoàng đế năng động và quyết đoán này đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai (nay là cổng 1) và lối lên chùa Linh Ứng (nay là cổng 2).

Mãi đến lần ngự du cuối cùng, nhà vua mới xuống sắc chỉ ban tên gọi chính thức cho các ngọn núi, như Đại Nam dư địa chí ước biên thời Nhà Nguyễn chép: “Ngũ Hành Sơn ở huyện Diên Phước... Tục gọi là hòn Non Nước. Năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía đông bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía tây nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa (vì thế Ngũ Hành Sơn có đến 6 ngọn núi – NV). Hai ngọn phía tây là Thổ Sơn, Kim Sơn, (cho) khắc tên núi lên đá”.

Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên. Chỉ một vần lục bát thôi, dân gian đã tóm góp cả thiên nhiên Ngũ Hành Sơn kỳ vĩ. Với địa thế thuận lợi ngay bên con sông từng là đường thông thương giữa Đà Nẵng và Hội An một thời, vùng sông-núi-biển này đã đi vào lịch sử dân tộc với những dòng bi tráng đậm nét.

Với phong cảnh như thực như hư hòa quyện giữa cảnh tiên và cõi tục, Ngũ Hành Sơn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tao nhân mặc khách, từ các bậc vương giả đến hàng thường dân, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây,... một lần đến vãng cảnh là để lại những tác phẩm nghệ thuật làm xao xuyến lòng người.

Thủy Sơn, ngọn núi đẹp nhất, nhiều chùa chiền, hang động nhất trong năm cụm Ngũ Hành, ở đó có chùa Tam Thai, ngôi chùa được xem là cổ nhất nơi này. Ngôi chùa được phong là quốc tự này hiện vẫn còn cất giữ tấm kim bài hình trái tim lửa có khắc lời tôn vinh quyền năng siêu nhiên của Đức Phật và ân sủng của ngài dành cho nước An Nam theo ngự bút của vua Minh Mạng.

5 năm trước, các thiền sư chùa Jomyo từ xứ sở Phù tang đã đến Đà Nẵng và tặng cho chùa Tam Thai phiên bản bức tranh vẽ tượng Phật “Thác kiến Quán Thế Âm”. Bản gốc bức tranh quý này hiện ở Nhật Bản, tương truyền, được một vị vua An Nam thỉnh từ một ngôi chùa nổi tiếng ở Ngũ Hành Sơn để tặng cho thuyền Châu Ấn thuộc dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền này đến thương cảng Hội An buôn bán cách đây 400 năm.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với những truyền thuyết, giai thoại mê đắm lòng người, ngoài cảnh trí sơn kỳ thủy tú hài hòa giữa núi non – chùa chiền – bờ biển, nơi đây còn để lại ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước bởi những phù điêu, tượng đá được chế tác bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân một làng nghề đã có tuổi đời trên 300 năm. Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện có gần 500 cơ sở sản xuất với trên 3.000 lao động, mỗi năm sản xuất ra khối lượng sản phẩm trị giá 120 tỷ đồng, chiếm gần 30% giá trị sản xuất của các ngành kinh tế do quận Ngũ Hành Sơn quản lý.

Có lẽ, chẳng đâu có nhiều địa danh mà mỗi địa danh gắn với một truyền thuyết, một chuyện tích như Ngũ Hành Sơn. Có những chuyện tích mà mỗi lần được nghe đến, khách hành hương bỗng thấy mình gần lại với Chân, Thiện, Mỹ hơn. Ngay cả bậc đế vương như vua Minh Mạng mà những ba lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, để rồi bị cảnh giới nơi này mê hoặc, đã hạ bút ngợi ca trong lần cuối cùng: “Phong cảnh Non Nước đối với ta vẫn lạ, tựa hồ như mới xem lần đầu”.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 22-3-1990. Thời gian đã gội phong sương dâu bể lên di tích xưa, nay giá như vua Minh Mạng... quay lại chốn này, hẳn ngài cũng sẽ thốt lên: Tựa hồ như mới xem lần đầu!

LÊ GIA LỘC

.