Những cái nhất ở Đà Nẵng
Động Âm Phủ
Trong quần thể hang động nằm dưới các ngọn núi ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, động Âm Phủ là động dài nhất, huyền bí nhất Đà Nẵng.
Tượng Phán Quan và cân Thiên lý trong động Âm Phủ. Ảnh: L.G.L |
Tài liệu ghi chép chi tiết và sớm nhất về Ngũ Hành Sơn được biết đến là cuốn “Les Montagnes de Marbre” của bác sĩ Albert Sallet, do BAVH (“Bulletin des Amis du Vieux Hué” - Tập san của những người bạn Cố đô Huế) xuất bản năm 1924. Mặc dù tít đề cuốn sách có nghĩa là “Những ngọn núi Cẩm Thạch”, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đã chuyển dịch, bổ chú với tựa sách là “Ngũ Hành Sơn” (NXB Đà Nẵng, 1996). Trong sách này, động Âm Phủ (người địa phương gọi là hang) được mô tả đầy vẻ kỳ bí hoang sơ với những câu chuyện khó đoán định thực hư.
Khảo sát, đo đạc
Ngày đó, động Âm Phủ có 2 cái giếng sâu, được tác giả sách đã dẫn ghi chép cụ thể ở các trang 112, 113 (bản tiếng Việt). Có dịp khảo sát cái giếng thứ hai, tác giả ghi: “Nghiêng mình bên miệng giếng, xuyên qua những tia đuốc khua qua lại để phá tan cái bóng tối dưới chúng tôi, chúng tôi ngợp cả khói đuốc và mất hút vào chiều sâu của trò chơi rơi rụng tàn đuốc, dường như chìm xuống rất sâu, tôi thăm dò bằng một vật nặng và nó rơi dừng lại ở đáy giếng có cát. Cái lỗ không có đáy của ngọn núi cho thấy một chiều cao là 12m”.
Tác giả cũng nhắc đến chuyện vua Minh Mạng trong một lần ngự vãn đến Ngũ Hành Sơn, muốn thám sát để xác định hang động được mệnh danh là “Lối vào Địa ngục” này, bèn sai 12 người lính thắp đuốc đi xuống. Sau một hồi luồn lách qua khắp ngóc ngách của hang, họ đành quay trở lên và quỳ chịu tội xin vua rút lại lệnh thám sát đã ban. Vua bằng lòng, nhưng lại cho ném mấy quả trái cây có khắc chữ của ngài xuống miệng hang Âm Phủ. Hôm sau, người ta phát hiện chúng nằm trên bãi biển.
Sau khi rời khỏi nơi này, tác giả viết, các nhà sư tiếp tục thăm dò bằng cách gióng một sợi dây dừa
nhưng không tới được miệng lỗ, do nước biển “dường như đã xâm nhập vào lỗ tương đương với 12m” mà tác giả đã đo lường.
91 năm trước, trong sách của mình, Albert Sallet đã bày tỏ “sự tin tưởng rất rõ ràng về một luồng thông thương dưới lòng đất hang Âm Phủ với mực nước lên xuống ngoài biển”. Ngày nay, sau bao biến động của thiên nhiên và con người, các giếng, hang sâu xưa được cho là thông ra biển giờ đã bị vùi lấp. Và, khác với ngày trước, việc đo đạc các núi cao, hang sâu ở Ngũ Hành Sơn nói chung, động Âm Phủ nói riêng, nay đã được tiến hành một cách chính xác cũng bởi những người nước ngoài.
Tháng 7-2011, một bác sĩ người Đức tên là Michael Laumanns cùng với một phụ nữ người Anh đã bỏ ra gần 3 ngày trời để làm công việc tỉ mẩn nói trên bằng các dụng cụ chuyên dụng với kết quả chính xác đến từng xăng-ti-mét. Theo tài liệu do họ để lại cho Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, động Âm Phủ có chiều dài lớn nhất với 302m, xếp sau đó là động Tàng Chơn (199m), động Huyền Vi (166m), động Hoa Nghiêm – Huyền Không (65m)...
Khuyến thiện, trừng ác
Động Âm Phủ nằm trong lòng Thủy Sơn, vòm động cao, có chỗ cao từ 45m đến 50m. Đây là động tự nhiên nhưng các hình đá thế hang lại ngẫu nhiên ứng hợp với luật nhân quả của nhà Phật, mô phỏng những cảnh giới mà con người sẽ được thọ hưởng hoặc bị quả báo sau khi chết.
Ngay cửa động có tường sa thạch, bên hữu là ông Thiện, bên tả là ông Ác. Thầy Thích Huệ Hưng - người chủ trì việc trùng tu, tôn tạo động Âm Phủ trong ba năm (2003 – 2006), cho rằng con người hành xử ở đời chung quy đều nằm trong hai nghiệp Thiện hoặc Ác. Nếu hành thiện sẽ được lên Thiên Thai Giới, tên một hẻm núi nằm bên trái đường vào hang. Nếu biết tu tâm dưỡng tánh, làm lành lánh dữ sẽ được về chầu Địa Tạng Vương Bồ tát tại Địa Tạng Bảo Tòa – nơi trang nghiêm, rộng thoáng nhất động. Nếu gieo ác nghiệp, tùy nặng nhẹ mà bị đày ải xuống 10 cảnh giới địa ngục, trong đó địa ngục A Tỳ là nơi thẳm sâu trong lòng động Âm Phủ.
Nhiều hình tượng trực quang có tính cách răn dạy con người gần thiện xa ác. Phán Quan Điện với chiếc cân Thiên lý cân nhắc công/ tội mỗi người, phía sau thân cân có khắc dòng chữ “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt). Giám Kính đài ở Minh Vương điện như con mắt soi xét chuyện lành dữ mỗi người mà thưởng hay phạt. Sám Hối đài với hình tượng hai bàn tay nâng đỡ trái tim lửa có chữ Tâm. Cuối hang là ngục A Tỳ, nơi có hình tượng Mục Kiền Liên, một vị chân tu đắc đạo, vì thương mẹ là Thanh Đề bị đày xuống vì gây nhiều ác nghiệp mà cất công đi cứu mẹ…
Động Âm Phủ kết hợp hài hòa giữa triết lý dân gian và Phật giáo. Những truyền thuyết huyền bí bật lên từ những hình tượng thiên nhiên và con người tạo ra cốt không phải tạo cảm giác mạnh đối với người xem mà chủ yếu là chuyển đổi tâm tính con người, cải tà quy chánh, làm lành lánh dữ nhằm kiến tạo một giềng mối nhân luân tốt đẹp.
LÊ GIA LỘC