.
Kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà trí thức cách mạng Phan Thanh (1-5-1939 – 1-5-2009)

Phan Thanh và sự lựa chọn con đường đấu tranh công khai

.

L.T.S: Giai đoạn từ 1936-1939 là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi đây là thời kỳ chưa có chính quyền cách mạng, Đảng ta còn hoạt động trong vòng bí mật, nhưng đã biết lợi dụng thời thế để đưa người của Đảng vào hoạt động công khai tại Viện Dân biểu Trung Kỳ để đấu tranh trên nghị trường với thực dân Pháp. Người được Đảng tin tưởng giao phó trách nhiệm lớn lao đó là Phan Thanh. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà trí thức cách mạng Phan Thanh (1-5-1939 – 1-5-2009), Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Đình An về nhân vật Phan Thanh và thời kỳ lịch sử đó.

PHAN THANH (1908-1939) (Ảnh tư liệu do L.A.R cung cấp)

Trong Phan Thanh, anh là ai? Phan Vinh có nhận xét “Rời trường Quốc học đi dạy học ở một trường tiểu học tại một vùng miền núi Thanh Hóa (Ngọc Lặc) rồi bị thải hồi vì có hành động chống đối nhà cầm quyền năm 1928. Phan Thanh có hai quyết định quan trọng ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng. Đó là cưới vợ (bà Lê Thị Xuyến) và ra Hà Nội lập thân lập nghiệp”.

Đúng đây là hai quyết định rất quan trọng.

Phan Thanh quyết định kết duyên với Lê Thị Xuyến (1909-1996) quê Đại Hòa - Đại Lộc - Quảng Nam. Bà là một nữ trí thức tân học thuộc lớp đầu ở Quảng Nam, sau lớp nữ sinh được học các trường tân học những năm sôi động ở Quảng Nam năm 1905-1906. Phan Thanh biết bà khi còn học ở Huế và có lúc làm gia sư trong nhà bà Xuyến.

Với một người có danh phận như Phan Thanh lúc đó yên bề gia thất là điều kiện tiên quyết để lập thân lập nghiệp. Những người như ông lúc đó thường cưới vợ theo sự sắp đặt của cha mẹ, qua mai mối. Phan Thanh là người tự chủ, quyết đoán trong việc này.

Chúng ta đều biết các bà vợ của các sĩ phu yêu nước trước đó và của các bậc tri thức Tây học sau này phần lớn được lựa chọn trong những đối tượng môn đăng hộ đối, được tin cậy về mặt đạo đức, thường không có học vấn tương đẳng, song phần lớn đều là những nội tướng, những chỗ dựa vững vàng để các ông có thể toàn tâm vì sự nghiệp. Phan Thanh - Lê Thị Xuyến là cặp vợ chồng tương đẳng về trình độ văn hóa. Bà sát cánh chung sức trong mọi hoạt động của ông suốt 11 năm chung sống, và từ khi ông qua đời, với tên gọi bà Phan Thanh, bà trở thành một người hoạt động xuất sắc trong Hội Phụ nữ và các lĩnh vực xã hội.

Phan Thanh quyết định ra Hà Nội sống và lập nghiệp.

Phan Thanh gần gũi và gắn bó với Huế và Đà Nẵng. Đà Nẵng thời đó là một trong 4 thành phố lớn của Việt Nam, một thành phố nhượng địa. Huế là kinh đô của vương triều Nguyễn. Nhưng Đà Nẵng và Huế không thuận lợi cho việc kiếm sống và lập nghiệp bằng nghề dạy học - nghề chính của Phan Thanh. Và cũng không phải là môi trường đắc dụng cho các hoạt động chính trị xã hội công khai hợp pháp (nghị trường, báo chí, tổ chức xã  hội) mà Phan Thanh dự tính.

Nhiều người thuộc lớp trước ông như Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ đều phải ra khỏi địa phương mình, sống ở các trung tâm chính trị như Hà Nội, Sài Gòn thì mới có thể vẫy vùng tung hoành được. Vì vậy, dù đó là nơi xa lạ, ông vẫn phải tìm cách trụ lại hoạt động. Còn tại sao ông không vào Sài Gòn mà lại ra Hà Nội thì chắc là có những lý do riêng như ông có người cậu ruột là nhà nghiên cứu Lê Dư đang làm việc tại Trường Viễn đông Bác cổ (nữ thi sĩ Hoằng Phương là con của ông Lê Dư cùng tuổi với Phan Thanh, chồng là Vũ Ngọc Phan) và ông có nhiều bạn bè cùng học Quốc học Huế nay đang sống và hoạt động ở Hà Nội: Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai.

Ngoài hai vấn đề trên (lấy vợ và ra sống, lập nghiệp ở Hà Nội), Phan Thanh còn có hai lựa chọn, quyết định rất quan trọng khác: gia nhập Đảng Xã hội Pháp, ứng cử dân biểu Trung Kỳ.Đảng Xã hội Pháp thành lập năm 1926, Chi nhánh Bắc Đông Dương đặt trụ sở tại Hà Nội, đến năm 1930 có 120 đảng viên, đấu tranh vì mục đích:

- Đạt được những đòi hỏi chính đáng của mọi người Pháp ở Đông Dương về các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế.
- Xây dựng chế độ đại diện ở Nghị viện tổ chức các Hội đồng dân biểu.
- Phổ biến mọi luật lệ xã hội và thợ thuyền cho tất cả các công dân Pháp ở Đông Dương.
- Xóa bỏ các đặc quyền đặc lợi dành cho một số tổ chức tư nhân.
- Ủng hộ những yêu sách xã hội của dân cư bản xứ.

Chi nhánh cho mình có nhiệm vụ phải thông báo cho Đảng Xã hội biết những hành động của chính quyền  đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ và xã hội cũng như tất cả những hành động bất hợp pháp lạm dụng quyền hành mà nạn nhân là công dân Pháp hay người bản xứ.

Năm 1936, trước nguy cơ phát xít gây chiến tranh, ở Pháp ba đảng cánh tả là Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Đảng Xã hội cấp tiến thành lập liên minh - Mặt trận Bình dân - trực tiếp nắm chính quyền chủ trương trả tự do cho các tù chính trị, nới lỏng quyền tự do dân chủ, thi hành một số cải cách ở thuộc địa.

22-4-1937, Đại hội thành lập Chi nhánh Đảng Xã hội ở Bắc Đông Dương được tổ chức, kết nạp cả những người Việt. Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương rất quan tâm chi nhánh này và quyết định cử một số đảng viên tham gia Đảng Xã hội.

Phan Thanh là một trong những người Việt đầu tiên tham gia Đảng Xã hội Pháp và nhanh chóng trở thành một đảng viên có uy tín. Ông tham gia Ban Chính trị và đến tháng 7-1938 được cử làm Phó thư ký Chi nhánh Bắc Đông Dương và là thư ký của chi Đảng Hà Nội.

Chính với cương vị (trong vỏ bọc) một đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Phan Thanh được giới thiệu để ứng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội (Đảng Xã hội giới thiệu 8 người, 3 người trúng cử: Phan Thanh, Phạm Hữu Chương, Bùi Ngọc Ái). Chính tại Đại hội thành lập Chi nhánh Bắc Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp có kết nạp các đảng viên người Việt. Đảng Cộng sản đã quyết định một số đảng viên đang hoạt động công khai như Phan Tử Nghĩa, Trần Đình Tri, Đặng Châu Tuệ tham gia Đảng Xã hội.

Một số nhóm chuyên hoạt động báo chí của Đảng Cộng sản như Le Travail, Tin tức, và cả nhóm Ngày nay (của Tự lực văn đoàn) cũng có sự phối hợp hành động với Đảng Xã hội. Nhờ đó có một số hoạt động chung khá quy mô như tổ chức kỷ niệm công khai lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938 theo quy mô lớn (25.000 người tham gia có giương cao 25 cờ đỏ búa liềm và hát vang bài Quốc tế ca), tổ chức chợ phiên cứu trợ phụ nữ, trẻ em Trung Hoa, nạn nhân chiến tranh 12-1938, thành lập Đoàn Thanh niên Xã hội.

Trong sinh hoạt của Đảng Xã hội cũng như trong các cuộc họp bàn phối hợp tổ chức các sự kiện, Phan Thanh có cơ hội tiếp cận trao đổi với những người đại diện cho Đảng Cộng sản, về phía các đảng viên cũng thế, tạo nên quan hệ thân thiết, tin cậy, để cùng hành động để phối hợp hành động. Đây chính là phương thức tập hợp lực lượng xây dựng Mặt trận rộng rãi mà Quốc tế Cộng sản cũng như Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương trong thời kỳ ấy.

Nên nhớ rằng, Đảng Cộng sản Pháp không có tổ chức ở Đông Dương. Những người tham gia Đảng Cộng sản Pháp trên đất Pháp đều bị chính quyền thành phố Đà Nẵng theo dõi, có trường hợp bị bắt cóc trục xuất về Việt Nam. Ở Việt Nam, họ càng gặp khó khăn hơn trong hoạt động chính trị, chỉ có trong thời kỳ Mặt trận dân chủ họ mới có thể hoạt động công khai.

Việc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng có xu hướng tiến bộ, có tổ chức ở Đông Dương tạo vị thế hợp pháp, nâng cao uy tín, mở rộng các quan hệ cho Phan Thanh. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, bảo đảm hiệu quả các hoạt động công khai hợp pháp vì dân chúng, dân sinh, dân chủ của Phan Thanh.
Cùng với việc trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp và là một yếu nhân của Chi nhánh Bắc Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp, Phan Thanh còn có vị trí quan trọng và những hoạt động xuất sắc trong các cơ quan dân cử lúc bấy giờ.

Phan Thanh là dân biểu (Nghị viên) của Viện Dân biểu Trung Kỳ (1937), sau đó Phan Thanh được Viện Dân biểu Trung Kỳ cử tham gia Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương (12-1937), ông còn là đại diện Hội đồng thành phố Hà Nội (1938).

Việc Phan Thanh tham gia các cơ quan dân cử để trực tiếp tiến hành đấu tranh nghị trường đều nằm trong quỹ đạo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhưng đây cũng là việc mà Phan Thanh độc lập, tự chủ quyết định.

Có thể nói ở đây có sự thống nhất giữa sự lựa chọn giao phó tin cậy của Đảng và sự tự quyết định của Phan Thanh.Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, Đảng chủ trương “vô luận là cuộc tuyển cử gì, Đảng ta có thể tham gia được là nên tham gia. Chúng ta cần lợi dụng các thời kỳ tranh cử, mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng các cơ quan lập hiến mà bênh vực cho quyền lợi quần chúng lao động và các lớp dân chúng bị áp bức”.

Đảng còn chỉ rõ “Đối với những người ra tranh cử không nên chỉ chọn cánh là đồng chí mà còn cần đưa những người cảm tình ra ứng cử”. “Đối với người thay mặt chúng tôi, lần này chúng tôi không lãnh đạm như mấy lần trước, trái lại chúng tôi muốn lựa chọn người xứng đáng biết tôn trọng quyền lợi của chúng tôi. Người dân biểu phải đủ tài trí, can đảm mới đối phó được với chính phủ một cách xứng đáng mà bênh vực quyền lợi cho dân”.

Phan Thanh có thể đáp ứng các yêu cầu đó, với sự giới thiệu của Đảng bộ Quảng Nam, Xứ ủy Trung Kỳ mà người phụ trách bộ phận công khai là Phan Đăng Lưu, đã có những giải pháp khôn khéo bảo đảm Phan Thanh trúng cử.

Năm 1927, Phan Thanh bị chính quyền thực dân thải hồi khỏi ngành giáo dục, ông có thể bị tước quyền ứng cử. Phan Đăng Lưu đã lợi dụng mâu thuẫn giữa hai phe Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm tác động để Ngô Đình Khôi (anh ruột Diệm), lúc đó là tổng đốc Quảng Nam ra quyết định khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh.

Xứ ủy với cơ quan công khai báo Sông Hương tục bản đã giới thiệu “Chương trình hành động của chúng tôi”. Đây là chương trình tối thiểu được Xứ ủy công bố để vận động bầu cử. Hơn 3 tháng sau, Phan Thanh đã trúng cử với số phiếu rất cao, Viện Dân biểu Trung Kỳ chuẩn bị họp, trên báo Thời Thế, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ đăng toàn văn “Chương trình hành động của dân biểu Phan Thanh”.

“Chương trình hành động của chúng tôi” đến chương trình hành động của dân biểu Phan Thanh đều xuất phát từ sự chỉ đạo của Đảng như anh ruột Phan Thanh là Phan Nhụy đã viết trong hồi ký “Từ Hà Nội về Quảng Nam, gặp tôi Thanh nói là Đảng đã giao một chương trình hành động tối thiểu để đấu tranh trong Viện. Bây giờ Thanh phải tập trung khả năng vận động thuyết phục cụ Hà Đằng đưa chương trình tối thiểu của ta vào trong bài diễn văn nhậm chức của Viện trưởng”.

Không rõ Phan Thanh đã trao đổi  tâm huyết chân tình với cụ Hà Đằng như thế nào nhưng Phan Thanh đã viết bài diễn văn nhậm chức Viện trưởng để lại cho cụ và cụ đã đọc bài diễn văn ấy. Phan Nhụy cùng với Phan Đăng Lưu, Trịnh Quang Xuân ngồi dự thính với tất cả sự lo lắng hồi hộp. “Rồi cụ đọc, đúng là bài của ta, chúng tôi sung sướng, phe đại diện chính quyền ngạc nhiên, phe Ngô Đình Diệm nhìn nhau trợn mắt”.

Một vài chi tiết trên chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc cụ thể của Đảng, đồng thời cũng khẳng định tài năng, bản lĩnh của Phan Thanh. Điều này còn được thể hiện sinh động hơn qua nhiều hoạt động (chủ yếu là phát biểu) của Phan Thanh ở Viện Dân biểu cũng như ở Đại hội Đồng kinh tế tài chính Đông Dương.

Chúng ta ngạc nhiên và khâm phục Phan Thanh bởi các phát biểu, chất vấn, kiến nghị, thỉnh cầu của ông. Báo Thời Thế đã có nhận xét khuynh hướng hai ông (Phan Thanh và Huỳnh Văn Trân đều là dân biểu Trung Kỳ, người của Mặt trận dân chủ) làm là lớn. Hai ông đã chuẩn bị rất chu đáo. Các ông đã phải tìm hiểu nhiều điều, đọc nhiều, đi tiếp xúc điều tra nhiều, chọn lựa nhiều, viết nhiều, tranh luận, phát biểu đấu tranh nhiều.

Chúng ta cũng có thể thấy sự lãnh đạo của Đảng thể hiện kết quả hoàn hảo như thế nào trong việc giao cho Phan Thanh nhiệm vụ người tổ chức chính của Hội Truyền bá quốc ngữ. Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt trao đổi với nhau về tầm quan trọng của Hội truyền bá quốc ngữ và để xúc tiến thành lập hội, hai ông đã nghĩ ngay đến ông Nguyễn Văn Tố, một học giả hàng đầu ở Bắc Hà và có uy tín cao trong giới tri thức và nhân dân.

Và người có thể giữ vai trò nhà tổ chức Hội, trợ thủ đắc lực cho Hội trưởng không ai khác ngoài Phan Thanh. Phan Thanh có vị thế và kinh nghiệm hoạt động công khai hợp pháp, tranh thủ sự ủng hộ và đối phó đúng mực với những mưu toan của chính quyền, có thể thực hiện tốt yêu cầu của Đảng “đừng làm gì lố bịch để nhà cầm quyền có thể can thiệp làm khó khăn cho Hội”.

Phan Thanh với các mối quan hệ của mình, với đức độ và tính tình cởi mở, chân thành còn tranh thủ được sự đồng thuận của mọi người thuộc các tầng lớp có thể có xu hướng chính trị khác nhau cùng chung lo cho hoạt động của Hội. Nguyễn Văn Tố trong lời điếu vĩnh biệt Phan Thanh đã nói rõ vì sao Phan Thanh lại quyết định gia nhập Đảng Xã hội Pháp và ứng cử làm dân biểu. Cũng có thể đặt câu hỏi vì sao Phan Thanh không dấn thân theo con đường của các chiến sĩ cộng sản, như người em ruột thịt của ông, Phan Bôi.

Ở đây không hề có vấn đề mâu thuẫn về học thuyết hay lệch pha về lý tưởng.

Phan Thanh và Phan Bôi là anh em ruột thịt rất thân thiết, sau khi ra khỏi nhà ngục Côn Đảo, chỉ sau một thời gian ngắn, Phan Bôi hoạt động  ở Quảng Nam trên cương vị một cán bộ chủ chốt của Đảng, lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai của quần chúng ở Đà Nẵng; ông ra Hà Nội ở trong nhà Phan Thanh và có mặt cùng Phan Thanh trong nhiều hoạt động, đến khi Phan Thanh lâm bệnh rồi qua đời, ông luôn ở bên Phan Thanh.

Hơn thế, Phan Thanh biết rất rõ tài năng đức độ của Phan Bôi và vị trí của Phan Bôi trong Đảng. Chắc chắn rằng Phan Thanh không phải là kiểu tri thức ẩn mình trong  tháp ngà không hay biết các vấn đề xã hội. Ông có quan hệ thân thiết, cùng tham gia nhiều hoạt động, cùng có trong một số tổ chức. Chính ông đã nói với Phan Nhụy (anh ruột) “bên em có chú Bôi và các đồng chí khác hướng dẫn”.

Phan Vịnh trong Phan Thanh anh là ai? Có nhận xét khác biệt giữa Phan Thanh và Phan Bôi là ở chỗ “Phan Bôi sớm có phong cách của một tham mưu trí thức hoạt động cách mạng bí mật, hăng hái, sôi nổi, quyết liệt. Ở Phan Thanh đã bắt đầu thể hiện hình ảnh một trí thức cách mạng đấu tranh công khai hợp pháp cho quyền lợi  của dân chúng cần lao”.

Phan Vịnh còn cho rằng “hoạt động cách mạng của họ cùng chung mục đích, có lúc cùng nội dung nhưng Phan Bôi với cương vị một đảng viên cộng sản có năng lực, có kinh nghiệm trong nhóm đảng viên hoạt động nửa công khai, nửa bí mật. Phan Thanh với cương vị một đảng viên xã hội Pháp ở Bắc Đông Dương, rất am hiểu về Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Giải thích tường minh hiện tượng trên, làm rõ nguyên nhân sự lựa chọn dấn thân của Phan Thanh là một công việc rất có ý nghĩa, nhưng cũng hết sức khó khăn vì chúng ta không có những  tự biên gốc về diễn biến nhận thức tư tưởng của Phan Thanh (mặc dù Phan Vinh đã rất cố gắng sưu tầm để có được cuốn Phan Thanh anh là ai).

Song có một điều có thể khẳng định trong bối cảnh xã hội nước ta lúc đó (nhất là từ giữa thập kỷ 30, Mặt trận dân chủ đã thắng thế ở Pháp) là một tri thức nặng lòng của dân ái quốc, có tầm nhìn sâu rộng và giàu trải nghiệm thực tế, Phan Thanh với tư duy độc lập đã quyết định như vậy.

Đó là một quyết định đúng đắn, dẫn đến  những cống hiến xuất sắc của ông trong sự nghiệp tranh đấu vì dân chúng và đất nước được lịch sử thừa nhận. Với quyết định đó và bằng tài năng đức độ của mình ông được giới trí thức mến mộ và được đông đảo thanh niên, học sinh yêu quý. Hoạt động phong phú, đa dạng của ông đã đóng góp nhiều kinh nghiệm quý. Ông là một trong những nhân vật tổ chức  cuộc tập dượt vĩ đại của quần chúng cách mạng như một sự chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám và cá biệt, lễ tang của ông đã có tiếng vang lớn, khẳng định vị trí của ông trong lòng dân chúng.

Chúng ta đánh giá rất cao quyết định tham gia Đảng Xã hội Pháp (Chi nhánh Bắc Đông Dương), tham gia Viện Dân biểu Trung Kỳ, Hội đồng thành phố Hà Nội, Đại hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương - đấu tranh công khai, hợp pháp. Đây là một quyết định thể hiện sự độc lập, tự chủ của ông, phù hợp với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ và năng lực sở trường của riêng ông.Chúng ta không cho rằng đây là một quyết định duy nhất đúng. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ có thể có nhiều sự lựa chọn. Mỗi người có thể yêu nước theo cách của mình.

N.Đ.A

;
.
.
.
.
.