C. QUẬN THANH KHÊ
Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.
I. KHU DÂN CƯ SƯ ĐOÀN 375 (Sơ đồ số 14): có 04 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là tường rào quân đội, điểm cuối là đường Trường Chinh: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 370m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐINH THỊ VÂN
ĐINH THỊ VÂN (1916 - 1995)
Bà quê ở xã Xuân Thành, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.
Bà là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1970), khi tuyên dương Anh hùng là Thiếu tá tình báo. Bà nhập ngũ 1954, được phong quân hàm Đại tá năm 1990; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam 1946.
Trong kháng chiến chống Pháp, bà là Hội trưởng Hội phụ nữ huyện và tỉnh, là một trong những cán bộ dân vận có năng lực vận động, tổ chức quần chúng giỏi. Năm 1954, bà được điều sang ngành tình báo và được cử đi hoạt động xa trong vùng địch tạm chiếm.
Năm 1954 - 1970, bà hoạt động tình báo ở địa bàn Sài Gòn, là người có công xây dựng nhiều cơ sở mật trong thành phố và trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn, thu thập được nhiều tin tức có giá trị về hoạt động quân sự của địch. Bị địch bắt nhiều lần, tra tấn dã man, bà vẫn giữ khí tiết, khôn khéo đấu tranh buộc địch phải trả tự do và tiếp tục hoạt động. Mạng lưới tình báo do bà tổ chức và chỉ huy hoạt động hầu như liên tục, nhiều người lập công xuất sắc.
Bà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), Kháng chiến hạng Nhất...
* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, 1996.
2. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là tường rào quân đội, điểm cuối là đường Đinh Thị Vân (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 380m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐẶNG PHÚC THÔNG
ĐẶNG PHÚC THÔNG (1906 - 1951)
Ông quê ở làng Thổ Khối, xã Cự Khối, Gia Lâm, nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội.
Ông đỗ Tú tài được cấp học bổng sang Pháp học và tốt nghiệp Đại học Mỏ, Đại học Cầu cống Paris. Về nước, ông làm kỹ sư Sở Công chính Đông Dương, dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, tham gia viết báo Khoa học do một số trí thức yêu nước sáng lập.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông hăng hái tham gia cách mạng và được cử làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính, trực tiếp chỉ huy các đoàn tàu chở lương thực và đoàn quân vào Nam chống Pháp.
Năm 1946, ông tham gia phái đoàn ta tại Hội nghị Phôngtennơblô (Pháp) với tư cách là Cố vấn kỹ thuật. Kháng chiến toàn quốc, ông ở Hà Nội tới tháng 9-1947 mới lên chiến khu Việt Bắc gặp Hồ Chủ tịch và sau đó được cử về Thanh Hóa để thành lập và được giao làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Công chính, góp phần đào tạo thế hệ kỹ sư công chính đầu tiên của chính quyền cách mạng.
Ông còn là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I.
* Tài liệu tham khảo chính: Giang Quân, Từ điển đường phố Hà Nội, NXB Thời Đại, 2010.
3. Đoạn đường có điểm đầu là tường rào quân đội, điểm cuối là đường Đinh Thị Vân (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 120m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐÔNG LỢI 2
4. Đoạn đường có điểm đầu là tường rào quân đội, điểm cuối là đường Đặng Phúc Thông (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 70m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐÔNG LỢI 3