“Hiệp định Geneva 1954 là văn bản pháp lý quan trọng nhất trong thế kỷ XX khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tại đó, chính Trung Quốc - thành viên thường trực Hội đồng bảo an đã kí và tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho biết trong chương trình Đối thoại chính sách.
Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Khẳng định Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là hoàn toàn trái phép
Với những lí luận sắc sảo, TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khẳng định vị trí giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không liên quan gì đến cái gọi là vùng biển mà phía Trung Quốc tự nhận là Tây Sa.
Trong Công ước Luật Biển 1982, khi đề cập đến vị trí của quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển với việc xác định đường cơ sở cũng như vùng biển của quốc gia quần đảo, Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai để đưa ra quan điểm, yêu sách vô lý của mình. Trung Quốc đã vận dụng quy định về vẽ đường cơ sở của quốc gia quần đảo theo Công ước quy định, rằng quốc gia quần đảo có quyền nối tất cả các đảo, bãi cạn, thực thể của nó tạo thành đường cơ sở bao lấy toàn bộ quốc gia quần đảo, chính là các vùng biển như vùng nước quần đảo, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia quần đảo, tương tự như cách tính của các nước ven biển. Trung Quốc đã vận dụng điều đó vào quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Năm 1996, Trung Quốc đưa ra một luật gọi là luật đường cơ sở, vẽ một đường cơ sở bao lấy toàn bộ điểm nhô ra nhất của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để từ đó có quyền tính ra vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này.
Tuy nhiên, theo Công ước Luật Biển 1982, không có điều khoản nào cho phép vẽ đường cơ sở bao lấy toàn bộ quần đảo của quốc gia ven biển khác. Và theo Điều 121, từng đảo trong đó có thể vẽ đường cơ sở với điều kiện phải nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp nhất. Ngoài ra, nếu được tính các đường cơ sở cho mỗi đảo thì các đảo đó phải thích hợp cho con người sinh sống, phải có đời sống kinh tế riêng. Nhưng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam phần lớn là rất nhỏ bé, gồm đảo đá, bãi cạn, rạn san hô tạo thành một quần đảo.
Các đảo nằm ở vùng khí hậu điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt nên không thích hợp cho con người ở và càng không có đời sống kinh tế. Do đó, TS Trần Công Trục đã làm sáng tỏ lí luận sai trái của Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và viện dẫn công ước quốc tế cho thấy Trung Quốc không có cơ sở xác đáng.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Những luận điệu mà Trung Quốc đưa ra là không có cơ sở xác đáng
Luận điệu Trung Quốc vừa đưa ra để biện minh cho các hoạt động bất hợp pháp của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sử dụng Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai kí ngày 14-09-1958. Trung Quốc cho rằng với nội dung thư này, Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) là của họ. Thực chất vấn đề này đã được Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích rõ. Ông khẳng định giá trị pháp lý của công điện này về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn không đúng, xét cả về hiệu lực pháp lý của văn bản.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết: “Thông điệp quan trọng nhất trong Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhân dân Việt Nam và Trung Quốc ủng hộ lẫn nhau”, nhưng cũng khẳng định “Công thư 1958 không liên quan việc phân định chủ quyền trên biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Trước thời điểm ấy 4 năm, ở Hiệp định Geneva 1954, 5 ủy viên thường trực hội đồng bảo an gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp đã kí; cộng đồng quốc tế thừa nhận Hiệp định đình chiến giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với Cộng hòa Pháp trong đó Điều 4 nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng nhất, có tính pháp lí cao nhất, ở tầm vóc quốc tế toàn cầu. “Về mặt hiệu lực pháp lý, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể phủ nhận Hiệp định Geneva 1954”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Một lần nữa, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định: “Hiệp định Geneva 1954 là văn bản pháp lý quan trọng nhất trong thế kỷ 20 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tại đó, chính Trung Quốc - thành viên thường trực Hội đồng bảo an đã kí và tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nên họ không thể có căn cứ pháp lý”.
Ngoài ra, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đã tìm hiểu và cho biết, không có cuốn sử sách nào trong lịch sử của Trung Quốc đề cập đến việc Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Mưu đồ độc chiếm Biển Đông, mở toang cánh cửa ra Thái Bình Dương
Tất cả những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã bộc lộ ý đồ muốn độc chiếm Biển Đông. 90% bài báo, công trình nghiên cứu thế giới cho rằng Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là về vấn đề dầu mỏ. Trung Quốc có nền kinh tế khổng lồ đang “đói khát” năng lượng. Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương đã có cái nhìn rộng và xa hơn về mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng mục đích trên đúng một phần nhưng không phải mục tiêu chính.
“Việc độc chiếm biển Đông để khẳng định Trung Quốc muốn làm chủ đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Làm chủ Biển Đông tức là khống chế được cả Nhật Bản và Hàn Quốc, phá tan mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn, khống chế được 10 nước ASEAN qua đó mở toang cánh cửa ra Thái Bình Dương. Mục đích chính của Trung Quốc không phải là kinh tế mà là chính trị và an ninh”, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ.
“Bài phát biểu của Thủ tướng là cơ sở khoa học, cơ sở đúng đắn để giải quyết được tất cả các vấn đề”
Trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, bài phát biểu của Thủ tướng tại Manila, Philippines tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á đã nhận được sự đồng tình từ dư luận quốc tế cũng như toàn thể người dân Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, thông điệp của Thủ tướng đó là “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng là chủ quyền quốc gia để nhận lấy thứ hòa bình hữu nghị viển vông lệ thuộc nào đó” là hết sức rõ ràng, mạch lạc.
Trong khi đó, từng là người đảm đương nhiệm vụ giải quyết các vấn đề biên giới, trên bộ, trên biển, TS Trần Công Trục cho rằng phát biểu của Thủ tướng là cơ sở khoa học, cơ sở đúng đắn để giải quyết được tất cả các vấn đề về tranh chấp biên giới lãnh thổ, xây dựng quan hệ trên nguyên tắc pháp lý, cơ sở lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trung Quốc đặt rất nhiều tham vọng trên Biển Đông - khu vực rất quan trọng về chính trị và kinh tế của thế giới.
Chính sách vươn ra Biển Đông bằng mọi giá đang làm cho Trung Quốc đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và trên thực tế họ đang phải trả giá cho tham vọng cường quyền của mình. Với xu hướng leo thang gây căng thẳng như hiện nay trên Biển Đông, nhiều nước trong khu vực trong đó có Việt Nam sẽ còn phải tiếp tục công cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Và đó cũng là điều hết sức thiêng liêng và có ý nghĩa đặc biệt với tất cả người dân Việt Nam trong bất cứ thời đại nào.
VTV