Tôi đã thấy khu nhà liền kề dành cho phụ nữ nghèo bất hạnh thành phố (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là những dãy phòng san sát ôm ấp 126 phận đời bi đát. Tưởng chừng, mỗi câu chuyện đời trong từng ngôi nhà ấy có thể viết nên một câu chuyện đầy trắc ẩn. Tôi đã thấy những giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc bất ngờ trên gương mặt khắc khổ của những người đàn bà nhiều năm một mình ôm con sống tạm bợ rày đây mai đó.
Khu nhà liền kề giờ đây đã rộn rã tiếng cười. |
Đã bao nhiêu cái Tết trôi qua với những người đàn bà nghèo đơn thân nuôi con, nhưng cũng có thể coi cái Tết năm nay như “mùa xuân đầu tiên” của phận đời đã bước sang trang mới. Có nhà - có một chỗ ở, một tổ ấm, nơi để gọi là vui sướng theo cách của các chị – được vun vén, chăm chuốt nhà cửa đúng với bản tính phụ nữ…
1- Khu nhà liền kề ngày cuối năm.
Mấy chậu cây cảnh tươi mát nằm xinh xắn trước hiên nhà. Quán mỳ Quảng, bánh canh mọc lên thơm nức mùi bếp núc. Chị Mẹo (B4-09) vẫn nguyên cái vẻ tất tả, đi như chạy “à” lên một tiếng khi gặp tôi là lạ quen quen. Mấy tháng trước, chị đẩy cửa cái rẹt đi một mạch từ phòng ngoài đến bếp rồi nhìn qua, nhìn lại như là nhà của mình mà cũng như chưa thể tin là nhà của mình. Hôm nay, nhà chị sáng trưng. Trên bàn thờ giăng giăng đèn màu chớp nháy, hoa quả, hương đèn ấm áp. Dưới gian bếp, hai con gà, trứng cút, rau củ đã lên mâm. Chị cười giải thích: “Đám giỗ con trai đầu chị đó em. Kệ, lâu ni mình khổ miết rồi, bữa ni bày biện cho sướng xí em hỉ”.
Chị Hoa (B2-10) ngồi nhìn ra cửa trong cái chập choạng tối. Cái vẻ thích nhún nhảy hài hước trong lúc nói chuyện của người đàn bà này dễ khiến người đối diện ngỡ như chị không còn vương vấn nỗi buồn nào. “Không có mẹ. Chồng mất. Một tháng sau ba ruột qua đời, một nách hai con khi ngoài 30 tuổi. 5 năm trước, 3 mẹ con ở nhà trọ. Cứ đến Tết, hai đứa nhỏ đi đâu thì đi, tôi… trùm mền ngủ. Hồi đó, không hàng xóm, không người thân. Tết nhất mình chẳng thăm ai mà cũng chẳng ai thăm mình”, chị Hoa tâm sự. “Tết này chắc khác rồi đúng không chị?”, tôi hỏi. “Ăn Tết to (cười). Đùa thôi, mà phải khác chứ. Mình có nhà, có cửa để trang hoàng, hàng xóm quá trời, vui phải biết” – chị cười thích thú.
2- Gặp nhau chừng vài tháng, các chị đã sớm thân thiết như ruột rà. Ngồi bên nhà, chị Hoa gọi í ới, rủ đứa bé con chị Thành hàng xóm qua chơi. Bé Phố, ít nói, không thích gặp người lạ, vứt văng dép cau có khi nghe mẹ nhắc đến ba. “Ghét ba! Ghét ba!”, cô bé ba tuổi rưỡi vừa nói vừa bỏ đi ra ngoài. Bé Phố cứ tưởng ông bán bánh chưng là ba của em, nhưng rồi không phải. Từ đó, bé không thích và không còn hỏi “Ba Phố là ai hả mẹ?” nữa. Dù mới đi lững chững nhưng Phố đã là “đôi chân” của mẹ Thành – người phụ nữ phải ngồi xe lăn vì căn bệnh sốt bại liệt. Gian hàng xén nho nhỏ nằm gọn trong căn nhà của hai mẹ con đã bớt buồn tẻ khi liên tục có người vào ra: “Chị ơi, 500 kẹo me”; “Một thuốc, một Sting đi Thành. Tự nhiên thèm nước ngọt”; “Thành ơi, thịt heo nè. Ra chợ mua nợ xí mà họ làm dễ sợ”…
Ở đây, ngoài hàng xóm coi như là bà con, các chị còn có cô Lan, cô Mười…(Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng) là người nhà. “Mấy hôm mưa liên tục, các cô lên coi rồi kêu người tới sửa”, chị Hoa nói.
Xe kẹo kéo “khuyến mãi” vài bài nhạc trẻ trước giờ đi bán.
3- “Alô! Alô! 1, 2, 3, 4”, tiếng nói vang vang từ micro vừa cất lên, mấy bà mẹ bồng con vụt lao ra khỏi nhà, từng đám trẻ bật dậy chạy ùa đến: “Tới giờ đi bán kẹo kéo rồi đó chị”, em bé đứng cạnh tôi nói. Từ ngày trong xóm có người sắm được cái “xe ca nhạc” hành nghề kẹo kéo dạo, chiều chiều trước giờ đi bán, mọi người lại được “khuyến mãi” vài bài nhạc trẻ. Mấy thanh niên ăn theo vỗ tay rầm rầm. Chị Thành lăn xe nép bên hiên cười hưởng ứng. Khu B2, B1 xôn xao, tấp nập…
Giờ đây, ngày cuối năm, tôi lại thấy tràn ngập tiếng cười. Tôi được thấy hàng đàn chim sẻ trên mái hiên sà xuống mặt sân. Một em bé nhanh nhảu kê vài cái ghế chất lên cao mời mọc: “Chị đứng lên đây coi rõ lắm nè. Buổi sáng còn nhiều chim hơn như vậy nữa. Sáng chị lại qua nghe”. Tôi được thấy những người đàn bà chạy xe máy đón con tan học về. Đứa bé lễ phép vòng tay chào khách rồi “bay” lên chiếc nệm lăn mình sảng khoái. Tôi được nghe nhiều lời rủ rê: “Chị nấu cơm ở lại ăn cho vui luôn nghe”.
Ai nói đây là xóm của người nghèo? Tôi thì thấy các chị đang “giàu” lên khi chung quanh còn chứa chan tình người. Cũng phải thôi, bởi các chị đã có một nghị lực sống thật tuyệt vời. “Không điều gì là bất hạnh tận cùng. Cái gì rồi cũng qua”, chị Hoa kết luận khi khép lại câu chuyện với tôi.
Cái gì rồi cũng qua. Những người phụ nữ nghèo đơn thân đang chờ đón một ngày mới, một năm mới sau bao thăng trầm.
THU HOA