.

Chúc mừng hạnh phúc

.

Thường người ta chỉ nói câu này vào ngày cưới, còn dịp Tết, mọi người hay chúc nhau câu an lành, thịnh vượng, giàu sang. Nhưng Tết này, tôi tin trên thành phố mình, đặc biệt tại những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, câu Chúc-mừng-hạnh-phúc đang len chảy vào từng ngôi nhà, trong niềm hân hoan của nụ cười đoàn viên.

Bí thư Thành Uỷ Nguyễn Bá Thanh trực tiếp trò chuyện, giải quyết những khó khăn của các gia đình diễn ra thực trạng bạo lực. Ảnh: NT 


Nếu ai đó hỏi tôi, chủ đề nào được bàn luận nhiều nhất trong năm? Tôi sẽ không ngần ngại bảo rằng: Đó là vụ mấy ông chồng bạo lực được đưa ra ánh sáng. Có một chút thiên vị chăng? Có lẽ có, mà cũng có thể tôi đã trả lời không sai. Sau “Sự kiện tháng 8-2009” (130 ông chồng được ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh mời gặp mặt tại UBND thành phố), mấy chị cán bộ Hội Phụ nữ phải trả lời điện thoại đến “hết cả hơi” vì những lời chúc mừng, ngạc nhiên và cả sự thán phục của đồng nghiệp từ khắp các tỉnh, thành bạn.

Trên những chuyến xe khách ngược xuôi, ngoài việc dán mắt vào đĩa hài gây cười nghiêng ngửa cho quên thời gian, hành khách còn được dịp “tám” về chuyện chống bạo lực. Cũng trên một chuyến xe, có lần tôi nghe bà mẹ vợ nhắc khéo người con rể có thói cờ bạc, bê trễ việc nhà: “Hôm qua coi truyền hình trực tiếp cuộc họp Hội đồng Nhân dân, nghe ông Bí thư Đà Nẵng nói mà thấy vui dễ sợ. Ổng kêu Tết ni anh mô tiến bộ, biết yêu thương vợ con, chăm lo gia đình thì có quà. Còn không… coi chừng”.

Mà riêng gì bà mẹ vợ nọ, các chị em đều được phen hả dạ. Đôi khi, người trong nhà lại tỏ ra bất lực trước việc gia đình, nhưng một tiếng nói có sức nặng từ bên ngoài lại chẳng khác nào một chiếc phao vững chắc để các chị neo giữ hạnh phúc sóng gió. Các ông chồng bạo lực thì khỏi nói. “Ai mà không biết sợ!”, mọi người ngấm ngầm hiểu thế. Trước đây, mỗi lần ghé qua Đà Nẵng, bạn bè tôi thường xuýt xoa về những công trình, những khu vực công cộng không có rác và hàng rong, thì nay họ chen vài câu vừa như hỏi, vừa như đang theo rất sát tình hình của Đà Nẵng: “Bạo quá heng? Kêu hết mấy ông nổi tiếng bạo lực lại để nói chuyện. Cũng được đó chứ!”.

Với tôi, những ngày cuối năm đi nghe tổng kết hoạt động của Hội Phụ nữ từ xã, phường đến thành phố, sẽ không có nhiều khác biệt so với mọi năm, nếu không có vài dòng báo cáo số cặp gia đình tiến bộ, dù ngắn thôi, nhưng rõ ràng đó là thành tích. Cải thiện được số người mù chữ, số nợ quá hạn hay tặng mái ấm tình thương, nơi đâu cũng thực hiện được, nhưng cải thiện hạnh phúc của một gia đình, quả thực không hề đơn giản. Điều quan trọng hơn cả, việc làm của Đà Nẵng đã thay đổi một quan niệm gần như “thâm căn cố đế”: Chuyện vợ chồng thì “đèn nhà ai nấy sáng”.

Biết là vui, nhưng sẽ là ảo tưởng nếu tự hãnh diện với những gì bước đầu cuộc gặp mặt trên đã làm được. Ai cũng biết, hạnh phúc là một hành trình. Thế nên, phòng chống bạo lực để đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình cũng là một lộ trình dài không ngừng nghỉ và không cho phép người tham gia hành trình ấy có lúc nào đó chồn chân.

Toàn Vân

;
.
.
.
.
.