.

Chuyện phố, chuyện nhà

.

Đà Nẵng đã thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn, cuộc xáo trộn lớn chắc chắn có thể gây những trục trặc và cả những tiếc nuối. Nhưng người Đà Nẵng hẳn đã thật vui khi thấy xóm nhà chồ nhếch nhác, ẩn chứa bao hiểm nguy ở trên sông Hàn và những khu nhà ổ chuột 5 không (không điện, không nước, không trường học, không hố xí, không khai sinh) đã không còn dấu vết, hình bóng của một thời u ám ấy chỉ có trong ký ức.

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Huy Đằng
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Huy Đằng

Tôi không dám nói là mình đã đi khắp, đã hiểu kỹ các khu dân cư mới, đô thị mới hình thành trong 15 năm qua ở Đà Nẵng. Nhưng dù chỉ thoáng qua một số điểm, tôi luôn bị bất ngờ với những ấn tượng mạnh mẽ.
Từ chân cầu Tiên Sơn tới nam cầu Trần Thị Lý, lại từ đây băng qua đường Lê Văn Hiến đến khu dân cư ở phía sau trường Đại học Kinh tế, từ cầu Cẩm Lệ qua cổng Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ lên đường Cách mạng Tháng Tám rồi về Đài Tưởng niệm thành phố, từ đường Nguyễn Tất Thành rẽ vào đường Hà Huy Tập qua đường Điện Biên Phủ, theo đường Nguyễn Tri Phương đến sát sân bay… Ở đâu, tôi cũng luôn tự hỏi đường phố mới sao nhiều thế, nhà cửa mới xây sao nhiều, nhanh thế.

Chỉ vẫn là những căn nhà ống, nhưng thật đẹp. Các nhà đều có mặt tiền đa dạng về vật liệu, sinh động về sắc màu, những bàn tay có nghề đã chăm chút nên những ngôi nhà đẹp. Trên những ban-công xinh xắn, những tường rào, những khoảng sân nhỏ có nhiều chậu hoa, cây kiểng, dây leo xanh như kéo thiên nhiên về với con người, làm giảm đi cái khô nóng của bê-tông. Nhiều nhà tuy chẳng rộng rãi, nhưng vẫn dành chỗ cho  xe hơi. Để ý nhìn dù từ bên ngoài, có thể đoán chừng đâu là nhà ở của những gia đình cán bộ viên chức, đâu là nhà ở của các cặp vợ chồng già đã nghỉ hưu. Có nhiều con phố nhà xây vừa xong, chủ nhân mới dọn tới là đã mở ra sản xuất kinh doanh, phần lớn là dịch vụ ăn uống, quầy bán tạp hóa… theo quy luật muôn đời có cầu là có cung.

Cũng có người chỉ cho tôi “Mấy lô đất ấy có chủ hết rồi, toàn dân Hà Nội cả. Với túi tiền của người Thủ đô, đất Đà Nẵng rẻ rề. Họ mua để đó như quên đi một món tiền nhỏ trong góc tủ. Vậy mà lại sinh lãi lớn”. Nhưng số này không nhiều lắm và chỉ khoanh lại ở khu vực ven biển.

Bạn tôi một thứ trưởng về hưu được dăm năm, có cô em gái ở đường Hoàng Kế Viêm. Vào chơi với cô em thấy thích mảnh đất nơi này, anh mua một lô, xây một căn nhà vừa xinh đủ để hai vợ chồng dưỡng già, theo anh vẫn là làm việc nhưng có chừng mực và trong tâm thế hết sức thoải mái. Anh khoe về vị trí đã chọn chỉ cách sân bay Đà Nẵng 15 phút taxi, khi có cầu Rồng còn ngắn hơn, cách Hội An và Bà Nà chừng 30km, chỉ đi bộ 100m là tới bãi biển đẹp nhất hành tinh và cách sân golf 5km. Không khí ở đây tuyệt vời. Anh còn tìm hiểu và rất yên tâm về trật tự, an toàn.

Nhiều người không thích việc chia lô bán nền, họ cho đó là nguồn gốc làm cho đô thị của chúng ta trở nên đơn điệu khô cứng, là làm hỏng quy hoạch đô thị, lãng phí tài nguyên vô cùng quý giá - đất đai.

Chúng ta đều biết và đều mong muốn có những đô thị văn minh hiện đại với những cao ốc, tráng lệ tân kỳ. Những tòa nhà chọc trời ấy sẽ là hội sở của các cơ quan, văn phòng, ngân hàng, siêu thị, là các căn hộ chung cư cao cấp… Cùng với các cao ốc là những biệt thự sang trọng ẩn mình giữa các vườn cây xanh tốt. Một số con phố cổ vốn có sẽ được bảo tồn với những nhóm cư dân từng ở đó và những dịch vụ… sẽ được xem như những di sản.

Từ chỗ chỉ có vài ba biệt thự trước 1997, đến nay dễ dàng nhận ra có hàng trăm ngôi nhà như thế này trên khắp các nẻo đường thành phố. Ảnh: P.V
Từ chỗ chỉ có vài ba biệt thự trước 1997, đến nay dễ dàng nhận ra có hàng trăm ngôi nhà như thế này trên khắp các nẻo đường thành phố. Ảnh: P.V

Đương nhiên vì được quy hoạch tốt các đô thị mới này sẽ có nhiều cây xanh, có nhiều mặt hồ, công viên lớn và nhỏ, có nhiều không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng.

Mong ước là như vậy, nhưng làm thế nào có nguồn lực để biến ước mơ đó thành hiện thực và nhất là làm thế nào để giải quyết vấn đề nhà ở, một trong những nhu cầu bức thiết của mọi người, mọi nhà. Làm thế nào để thực hiện khát khao bao đời mọi gia đình đều có một mái nhà?

Nhà trong tiếng Việt chỉ nơi con người tạo lập ra để cư ngụ, thoát khỏi cảnh sống trong hốc cây, hang đá. Nhà cũng là một gia đình, một tế bào xã hội gồm những người gần gũi nhất về dòng máu, về tình cảm cùng sống dưới (trong) cái mái nhà (vật chất) đó.

Từ bao đời nay nhà luôn là một tiêu chí, một biểu tượng cho trình độ văn minh, cho chỉ số hạnh phúc của con người.

Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy nếu không chia lô, bán nền thì làm thế nào trong 15 năm qua Đà Nẵng có khoảng 170.000 ngôi nhà được xây mới trong khoảng 240.000 ngôi nhà hiện có.

85,9% hộ dân Đà Nẵng ở trong chính ngôi nhà thuộc sở hữu của mình. Con số này thật đáng khích lệ. Song không vì thế mà chúng ta nghĩ rằng có thể dễ dàng đạt được một mục tiêu trong “chương trình 3 có”. Vẫn còn đến 33.000 hộ còn chưa với tới quyển sổ hồng, chủ quyền ngôi nhà của mình. Và số người nhập cư, công nhân ở các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ngày càng đông đang còn phải ở trong nhà trọ chật chội, thiếu tiện nghi và vệ sinh với giá thuê trời ơi.

Đà Nẵng, có tốc độ xây dựng nhà nhanh, có tỷ lệ hộ chủ sở hữu nhà ở cao, cũng có nghĩa là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, quá trình đô thị hóa nhanh và cơ bản thành công, phải chăng là nhờ phương thức chia lô bán nền trên con đường hình thành thị trường nhà đất-bất động sản.

Chỉ với những lô đất dưới 100m2 giá mềm 2, 3 triệu đồng/m2, cao nhất là 5, 7 triệu đồng/m2, mới hợp với túi tiền người Đà Nẵng, mới tạo điều kiện để những người trong diện đền bù giải tỏa có thể tạo lập nơi ở mới (nhiều trường hợp còn được cho nợ tiền đất). Những hộ ở trong kiệt, hẻm bán miếng đất cũ, cộng với chút vốn liếng mua miếng đất mới đổi chỗ ở, đổi đời. Những gia đình đông con chủ một mảnh đất có giá, làm một công cuộc hoán đổi lấy 3, 4 lô để các con ai cũng có cơ ngơi riêng. Đúng là Đà Nẵng đã thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn, cuộc xáo trộn lớn chắc chắn có thể gây những trục trặc và cả những tiếc nuối. Nhưng người Đà Nẵng hẳn đã thật vui khi thấy xóm nhà chồ nhếch nhác, ẩn chứa bao hiểm nguy ở trên sông Hàn và những khu nhà ổ chuột 5 không (không điện, không nước, không trường học, không hố xí, không khai sinh) ở bàu Thạc Gián, ở Thuận Phước, đã không còn dấu vết, hình bóng của một thời u ám ấy chỉ có trong ký ức.

Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, Đà Nẵng. Ảnh: NHÂN MÙI
Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, Đà Nẵng. Ảnh: NHÂN MÙI

Người Đà Nẵng không mặn mà với chung cư. Văn hóa chung cư chưa có chồi mầm. Họ rùng mình khi nhớ về những chung cư thời bao cấp và không một chút nào tin ở khả năng quản lý chung cư của những người được giao. Nghe những chuyện cực kỳ phi lý về các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội, họ tự nhủ “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Không chấp nhận sống trong các chung cư, với tâm lý khát khao mỗi hộ một mái nhà, điều mong muốn, sự lựa chọn của họ là chủ sở hữu một miếng đất nhỏ, trên đó họ sẽ tạo lập một ngôi nhà theo ý mình, phù hợp với điều kiện của mình. Họ không có sự lựa chọn khác và vì thế thành phố cũng không có phương sách nào tốt hơn chia lô, bán nền.

Chỉ có một cửa hẹp cho sự lựa chọn, nhưng đây là sự lựa chọn tích cực. Họ luôn có quyền chuyển đổi nơi ở và có quyền cải tạo nâng cấp, xây mới ngôi nhà của họ để có cuộc sống tiện ích hơn, hạnh phúc hơn.

Không có gì quý hơn độc lập tự do. Trong tạo lập chỗ ở, điều vô cùng hệ trọng với cuộc đời mỗi người, ở một góc nào đó, họ hiểu lời vàng ấy là hãy làm thế nào để có - chủ sở hữu một ngôi nhà, một không gian riêng tư, một cõi đi về của mình và gia đình mình.

Có một thời, vì duy ý chí và giáo điều, chúng ta đã thần tượng hóa chế độ công hữu một cách dại khờ “Ngày mai đây tất cả sẽ là chung. Tất cả sẽ là vui và ánh sáng”. Hình như Na-dim Hich-mét, nhà thơ cộng sản lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đã bình rất vui và hóm “trừ đôi má của vợ tôi”.

Qua những trải nghiệm ngàn đời, chúng ta đều thấm thía, ngôi nhà đẹp nhất, tốt nhất, nơi có thể sống hạnh phúc nhất là ngôi nhà của mình, riêng mình và gia đình mình, dù đó là một mái lều tranh, một ngôi nhà ống hay một tòa biệt thự, một căn hộ…

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay 15 năm ấy bên dòng sông Hàn như đã có thêm một Đà Nẵng, hơn thế hai, ba Đà Nẵng. Đi tìm căn nguyên cho những đổi thay, phát triển, nhanh chóng diệu kỳ của thành phố này, người ta nói đến sự đồng thuận của lòng dân, những quyết sách mạnh bạo của lãnh đạo, song phương thức chia lô bán nền phù hợp với tâm lý quần chúng, với thực tiễn kinh tế thị trường, với quy luật xã hội hẳn là một điều không thể không ghi nhận.

Còn vô số khiếm khuyết đã và đang hiển lộ hay tiềm ẩn trong cuộc xáo trộn và sắp đặt lớn lao này. Giá đền bù có thể chưa thỏa đáng, chính sách hậu giải tỏa không đủ hiệu lực, nhất là về dạy nghề tạo việc làm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa theo kịp đà phát triển kinh tế. Kẹt xe, ngập nước có xu hướng tăng. Nhiều điểm đen về môi trường kéo dài chưa được giải quyết.

*
Đại văn hào Nga Ilya Ehrenbourg có viết “lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị chua mát của trái lê mùa thu”.

Tôi có một ý tưởng. Đà Nẵng nên có một cuộc thi “Phố tôi yêu”, người dự thi viết những bài văn ngắn về một con phố đích thực của Đà Nẵng thể hiện vẻ đẹp của kiến trúc và cây xanh, sự làm ăn và tình người… ở con phố mình sống, mình yêu.

Không biết phố nào sẽ đoạt giải. Có thể là những phố cũ như phố Lê Lai nhỏ và ngắn hay là đường Thanh Thủy mới ngày nào đây, nắng bụi mưa bùn nay nhà cửa cứ như là trong tranh bước ra, có những hàng cây xanh hai bên đường, tán lá giao nhau mát đẹp mê hồn. Có thể là những phố mới mang tên nhà thơ Tố Hữu, bà Nguyên Phi Ỷ Lan, nhà cửa mới tinh khôi, mỗi mặt tiền một vẻ riêng. Có thể là đường Hoàng Sa, đường Trường Sa không có vẻ đẹp của những ngôi nhà ống nằm kề bên nhau mà là vẻ đẹp khoáng đạt của biển xanh, cát trắng và của nỗi niềm thương nhớ những hòn đảo máu thịt xa vời, hay là vẻ đẹp của phố Hoàng Kế Viêm hội tụ bao nhiêu tiện tích mà anh bạn tôi mê đắm.

Đi qua những con phố đó, nhìn ngắm và lắng nghe cuộc sống của những con người đó, có phải lòng ta thanh thản yên bình hơn. Chắc hẳn nhiều người còn vất vả trong cuộc mưu sinh, nhưng thật ấm áp khi nghĩ rằng họ không còn phải chịu cảnh “lửa cơ đốt ruột, dao hằn cắt da”, những ngày mưa gió, giông bão họ không còn phải chịu nỗi đau thứ hai của người nhà dột (thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi) và không còn lo sợ nhà xiêu, mái sập.

Không chỉ như vậy, chúng ta còn muốn biết trong những ngôi nhà ấy người Đà Nẵng sống với nhau và với những người xung quanh như thế nào? Họ buồn vui, mong ước những gì? Họ nghĩ và làm gì cho cuộc sống tương lai?

Có thể là bao đồng khi đặt ra những câu hỏi đó. Nhưng chúng ta biết cuộc sống đâu chỉ cần một sự quây quần bên nồi cơm nóng dưới một mái nhà. Con người chỉ có thể vươn lên trong yêu thương và sáng tạo.

Nhưng thôi, mọi câu hỏi mà cuộc đời đặt ra, cuộc đời sẽ có câu trả lời, có những câu trả lời không thể dự đoán nổi.

Biết đâu Tết năm Rồng sau, 2024 hay sau nữa, 2036, những người Đà Nẵng lúc ấy không bằng lòng, không chịu nổi những con phố nhỏ, những ngôi nhà nhỏ mà hiện nay, chúng ta ca ngợi yêu mến tự hào. Họ có thể lại giải tỏa, để xây dựng những ngôi nhà thông minh của một thành phố thông minh. Mà đó không phải là chuyện khoa học viễn tưởng.

Nguyễn Đình An

 

;
.
.
.
.
.