.

Đường xưa lối cũ Phong Nam

.

Chỉ cách Phong Bắc mang dáng vẻ phố phường một con sông Cầu Đỏ, mà Phong Nam giữ được vẻ yên ả, thanh bình của một làng cổ. Ở làng Phong Nam này, cánh đồng, hàng cau, đền miếu, những câu chuyện thần thoại vẫn quanh quất trong đời sống, sinh hoạt của người dân hồn hậu.

Cửa lá sách và hàng cột bằng gỗ mít của ngôi nhà hơn 100 tuổi. Làng quê yên ả với những hàng cau thẳng tắp dẫn lối vào nhà.

 

Phong Nam là một phần của làng Phong Lệ xưa, vốn bao gồm Phong Nam, nay thuộc xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) và Phong Bắc bên kia sông Cầu Đỏ, nay thuộc phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ).

Giữ gìn nét xưa

Dưới bóng tre ngà, những con đường ở làng Phong Nam uốn quanh co như dải lụa mềm. Tre không nhiều đến nỗi có thể lập thành hào lũy, nhưng những bụi tre già trăm năm còn đủ sức đỡ cho dân làng những đợt nước lũ mang theo bao nhiêu hiểm họa. Trên con đường quê xanh mượt bóng tre và thì thầm lời lúa hát, những cụ ông, cụ bà hiền lành đạp xe, quảy gánh tới lui, vui vẻ nhìn con cháu cười đùa, nhảy nhót.
Mặc cho thời gian phủ rêu, hoặc tàn phá bao nhiêu đình làng, giếng nước, các bô lão và những người hoài cổ như ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng Hội đồng chư phái tộc làng Phong Lệ vẫn cất công sưu tầm điển tích dân gian, bảo tồn phong tục và giữ gìn nét xưa. Họ tin rằng, dù có lên phố lên phường, đình làng cũng là linh hồn của làng quê.

Theo tài liệu lịch sử làng Phong Lệ, làng đã được những cư dân nông nghiệp dựng từ cách đây gần 700 năm. Những nhà thờ tiền hiền, nhà ở của các điền chủ ngày xưa không còn giữ được nguyên vẹn, nhưng vẫn mang dấu tích cổ qua hàng cột bằng gỗ mít, cửa lá sách dù bạc thếch nắng mưa vẫn không hư hỏng, những mảng tường loang lổ để lộ lớp gạch thẻ đỏ óng được kết dính bằng nhựa cây và cát... Trong số các di tích cổ, đình Thần Nông thờ vị thần nông nghiệp của nước Việt được xem là công trình còn giữ được vẻ cổ kính và độc đáo nhất, bởi đây là nơi diễn ra lễ hội Mục đồng hằng năm. Trong niềm vui của ngày dành riêng cho mình, những cô cậu bé nhỏ áo nâu với nón lá, roi trâu nuôi dưỡng tâm hồn mình theo năm tháng. Và phong tục làng quê không thể mất đi, một khi thế hệ trẻ đã được vun đắp ý thức dựng xây, giữ gìn.

Kết nối du lịch làng quê

Vẻ đẹp của Phong Nam còn đó nhưng chưa được nhiều người biết đến. Dăm ba ngày mới có một đoàn khách du lịch nước ngoài ghé thăm, và thường do một, hai công ty du lịch khai thác lẻ tẻ. Năm 2010, với Đề án Phát triển các tuyến du lịch đường sông - Du lịch sinh thái làng quê do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng xây dựng, Phong Nam cùng với làng cổ Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), làng Kỳ La (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được đưa vào kế hoạch phát triển và kết nối với nhiều điểm đến khác để hình thành các tuyến du lịch về ngoại thành bằng đường sông.

Đề án chọn 4 cụm không gian du lịch đường sông - làng quê - du lịch xanh nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách. Trong đó, làng Phong Nam nằm trong Cụm du lịch văn hóa - làng nghề khu vực Tây Nam, kết nối với làng chiếu Cẩm Nê, đình làng Lỗ Giáng và khu du lịch sinh thái Hòa Xuân. Thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương trùng tu xây dựng các nhà cổ và phục dựng lễ hội Mục đồng tại Phong Nam, đầu tư xây dựng Cẩm Nê, đồng thời quy hoạch đầu tư trùng tu xây dựng đình làng Lỗ Giáng với quy mô lớn. Đặc biệt, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân khi hình thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái của Đà Nẵng trên cơ sở quy hoạch đầu tư quy mô lớn, thu hút khách du lịch. Việc đưa du khách đi thăm làng quê “nằm trong lòng thành phố” là một tour lý tưởng, giúp du khách có cái nhìn mới lạ về cảnh quan thiên nhiên, phong tục, sinh hoạt đồng áng cùng người dân.

Một phân tích thị trường cho thấy, khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp rất quan tâm đến nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu các giá trị văn hóa, di tích lịch sử và sự thanh bình, yên tĩnh tại các làng quê. Do đó, có thể định hướng nhóm thị trường này là đối tượng chính cộng với thị trường khách nội địa để xây dựng các tour, tuyến du lịch làng quê đi theo đường sông hoặc đường bộ.

Đường xưa lối cũ Phong Nam vẫn ở đó, chờ ngày được du khách gần xa tìm tới.

Triêu Nhan
 

;
.
.
.
.
.