Từ sau khi chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi trẻ phát động từ ngày 16-5-2011, thông tin về sự kiện này đã được “phủ sóng” dày đặc từ Nam ra Bắc. Từ thành thị đến nông thôn, từ công sở đến trường học, đâu đâu người ta cũng nghe nói về chương trình gắn với nhiều câu chuyện cảm động này…
Đoàn cán bộ thành phố do đồng chí Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu thăm, tặng quà và đặc san “Đà Nẵng - 35 năm thành tựu và phát triển” do Báo Đà Nẵng thực hiện cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa, tháng 4-2010. Ảnh: M.Đ.L |
Con số thay lời nói
Cho đến nay, đã có hơn 40 tỷ đồng được nhân dân cả nước đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Trong đó có 7,7 tỷ đến từ chiến dịch nhắn tin “Mỗi tin nhắn - một viên đá xây Trường Sa”. Tại Đà Nẵng, “viên đá” đầu tiên minh chứng cho tấm lòng thơm thảo đó là của người đàn ông tàn tật tên Đặng Công Hùng (65 tuổi) ở tổ 24, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ông chia sẻ, ngay sau khi đọc thông tin về chương trình trên Báo Tuổi trẻ, trong lòng ông đã nghĩ, tại sao một chương trình ý nghĩa như thế lại không làm sớm hơn, để những người như ông có dịp thể hiện tình yêu, trách nhiệm với đất nước. Nghĩ là làm, ngay chiều 16-5, ông Hùng đã nhờ người thân chở xuống Văn phòng Báo Tuổi trẻ tại Đà Nẵng đóng góp 1 triệu đồng. Khi biết mình là “viên đá” đầu tiên, ông Hùng không khỏi bất ngờ và xúc động. Ông nói: “Dù chưa bao giờ đặt chân đến Trường Sa, nhưng trong tôi, Trường Sa vẫn gần lắm. Tôi hy vọng sự đóng góp nhỏ này sẽ giúp các chiến sĩ Trường Sa cảm nhận được hơi ấm từ đất liền để vững vàng tay súng. Nơi đây, đất liền vẫn luôn hướng về các anh”.
Rất nhanh chóng,“viên đá” đầu tiên Đặng Công Hùng được nhiều người biết đến. Không những thế, câu chuyện về ông còn được chọn mở đầu trong buổi lễ “góp đá” của hơn 400 cán bộ, nhân viên thuộc Công ty cổ phần Máy và thiết bị phụ tùng Đà Nẵng (SEATECH). Buổi lễ đã diễn ra vô cùng xúc động khi mọi người được xem rất nhiều hình ảnh, video clip về Trường Sa được dàn dựng khá công phu. Anh Nguyễn Đình Trung, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng, khách mời có mặt trong buổi lễ không giấu được cảm xúc: “Từ bài báo đến video clip về Trường Sa đã nói lên được tấm lòng của cán bộ, công nhân viên SEATECH nói riêng và người lao động tại Đà Nẵng nói chung hướng về biển, đảo. Đó không đơn thuần là một buổi đóng góp tiền của, mà trở thành một nơi để mọi người chia sẻ cảm xúc, gửi tấm lòng về Trường Sa”.
Thầy và trò Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng tham gia chương trình “Mỗi tin nhắn-Một viên đá xây Trường Sa”. |
Trường Sa trong lòng tuổi trẻ
Thông tin từ Văn phòng Báo Tuổi trẻ tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, tòa soạn đã trực tiếp tiếp nhận gần 2 tỷ đồng do bạn đọc đóng góp. Phần lớn từ các cơ sở Đoàn và các khối trường học trên địa bàn thành phố. Anh Trà Thanh Quang, Bí thư Đoàn khối Các cơ quan thành phố chia sẻ, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã nhận được sự ủng hộ của các cơ sở Đoàn trực thuộc. Từ khi phát động đến nay, Đoàn khối đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức thành công 3 diễn đàn mang tên “Thanh niên vì biển đảo quê hương”. Diễn đàn đã kết hợp chương trình giao lưu, nói chuyện giữa thanh niên Đà Nẵng với nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Đặng Công Ngữ (Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa) và ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng) về vấn đề Trường Sa. Thông qua sự phát động từ diễn đàn, đến nay, các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn khối đã đóng góp số tiền gần 100 triệu đồng, vượt qua sự mong đợi của Ban tổ chức.
Cùng hưởng ứng chương trình, cách đây không lâu, tại Trường THCS Lương Thế Vinh, Quận Đoàn Liên Chiểu đã kết hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo đồng loạt tổ chức chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Theo đó, đại diện 12 trường tiểu học và 6 trường THCS của quận Liên Chiểu đã có mặt tại đây từ sáng sớm để tham gia đóng góp. Số tiền gần 5 triệu đồng góp được tuy không nhiều nhưng đó là tiền do các em học sinh tiết kiệm chi tiêu, nhịn ăn quà vặt để cùng nhau “góp đá”.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động đóng góp cho chương trình được các bạn sinh viên, học sinh thực hiện như trao tiền trực tiếp tại tòa soạn, tổ chức nhắn tin qua đầu số 1408, tham gia cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa”... mang lại hiệu ứng xã hội sâu rộng trong giới trẻ, khơi gợi tinh thần yêu nước, tương thân tương ái trong lòng mỗi người. Bạn Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ, để gây quỹ “góp đá”, Anh và bạn bè đã lập hẳn một địa chỉ tại Facebook để kêu gọi, chia sẻ thông tin. Tuy số tiền quyên góp không nhiều nhưng thời gian gần đây, tại mỗi cuộc gặp mặt, nhóm của Anh đều nói nhiều về đề tài Trường Sa, Hoàng Sa. Nhờ vậy, những địa chỉ tưởng xa xôi ấy lại trở nên gần gũi vô cùng.
“Tôi đã từng thờ ơ với Trường Sa, Hoàng Sa” là chia sẻ của bạn Mai Hương, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, tác giả bài viết trong cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa” vừa đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 2-12. Bạn viết: “…Tôi cũng không thể phủ nhận một điều là chính mình trước đây cũng đã thờ ơ với Trường Sa, Hoàng Sa. Chỉ từ khi lớp tôi tổ chức chương trình này, từ khi được ngồi xem những đoạn phim tư liệu về Trường Sa mà lớp chiếu... Tôi lặng đi, trong lòng bỗng dậy lên một thứ xúc cảm kỳ lạ… Đó là một cảm giác trân trọng, biết ơn sự hy sinh của những chiến sĩ nơi đảo xa. Đau xót xen lẫn xấu hổ, xấu hổ cho sự vô cảm của mình…”.
Thành công lớn nhất mà chương trình mang lại là sự khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, giúp thế hệ trẻ biết trân quý từng tấc đất quê hương. “Trông cánh chim băng về đảo khơi. Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Xin mượn những ca từ trong ca khúc Gần lắm Trường Sa ơi của nhạc sĩ Trần Phước Long để nói về những viên đá - những tấm lòng của người dân đất liền đã và đang hướng về vùng trời biển, đảo trước thềm xuân mới...
Tiểu Yến