.

Khoai ụ

.

Trên mâm cơm cúng đất thường đặt ngoài trời không thể không có bánh tráng và một vài củ khoai lang, sắn. Có thể trong tâm niệm của họ bánh tráng đã nuôi sống bao người dân vốn thường mưa lũ thất thường, còn khoai, sắn có thể đó là lộc trời ban phát cho mọi người, bất kể ai, thập loại chúng sinh, ở đây là những người đã khuất để cùng no cái bụng. Bài viết này không có ý định lý giải về phong tục văn hóa tâm linh, cái chính là kể về củ khoai ụ, một sản phẩm - hậu cần giúp bộ đội ăn no đánh giặc trong những năm kháng chiến.   

Như một thói quen, mỗi dịp về quê, tôi thường đi thăm những cánh đồng đan xen làng mạc trải đều do sự bồi đắp của các dòng sông Thu Bồn, Vu Gia… trước khi đổ ra biển cả. Còn nhớ, cách đây mấy năm trở lại Tam Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam, nơi có đồng ruộng vào loại tốt của tỉnh, trong tôi cứ hiển hiện ra những trang sách, những ngày, tháng, năm nào của những năm đánh Mỹ. Bao yêu thương lần lượt hiện về.

Bất chợt, tôi nhớ đến câu chuyện kể về một con người, một tấm lòng, nhiều nghĩa cử. Tôi muốn nói đến ông Nguyễn Quang Lâm, tên thường gọi là ông Tám Tú, người đã nghĩ ra cách trồng khoai ụ, củ khoai “kinh tài” cho bộ đội ăn no đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ông Tám sinh ra, lớn lên tại Tam Kỳ - Quảng Nam trong giai đoạn gắn liền với một thế hệ. Một thế hệ tợ hồ có chung một công thức. Thuở nhỏ: nhà nghèo, ham học. Lớn lên: đi dạy, tham gia phong trào bình dân học vụ. Sau đó: theo cách mạng, hòa vào 2 cuộc kháng chiến long trời, lở đất của toàn dân tộc. Từ năm 1946-1950, ông Tám Tú làm Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi - thuộc vùng tự do.

Khác vùng tạm chiếm, vùng tự do là vùng đất do ta làm chủ. Mọi hoạt động từ hành chính, kinh tế, giáo dục, dân sự đến quân sự do ta điều hành. Hoạt động xã hội diễn ra bình thường, kể cả chợ búa, trường học, bệnh viện, trạm xá…

Khi làm Phó Chủ tịch phụ trách kinh tài, tức kinh tế và tài chính, ông Tám Tú cùng chính quyền địa phương sớm xây dựng chính sách phát triển kinh tế theo hướng tự cung tự cấp của tỉnh. Theo đó, đối với nông nghiệp, tỉnh phát động cán bộ, bộ đội, người dân, mỗi người một năm trồng bao nhiêu khoai, sắn… Những nơi không có đất canh tác thì tận dụng đất trống, đất rẻo, đầu thừa đuôi thẹo, nói chung có được chỗ nào trồng chỗ ấy, kể cả đất trống ven đường, bằng cách chẻ tre, đan từng tấm phên đổ đất, phân vào để trồng. Người dân và bộ đội ở đây gọi cách làm này là trồng khoai ụ.  Một dây khoai ụ tính ra đến kỳ thu hoạch cho năng suất gấp 5 - 10 lần dây khoai bình thường. Đất tơi xốp, nhiều phân xanh, phân chuồng dây khoai  cắm xuống dễ bén rễ và cho nhiều củ. Có củ đến kỳ thu hoạch to bằng quả mít non. Không rõ sáng kiến trồng khoai ụ bắt đầu từ người dân, từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh hay từ đâu, nhưng kể từ khi ông Tám Tú về đây đã lan rộng ra cả vùng tự do.

Cách trồng khoai ụ khá đơn giản ai cũng làm được, bất cứ nơi đâu, không phân biệt nông hay thương, trí hay sĩ, thành thị hay nông thôn, trên núi hay ruộng đồng. Nhờ phong trào sản xuất tự túc, tự cường, nhà nhà cùng làm, người người cùng làm, ở đây có cách trồng khoai ụ trong những năm kháng chiến chống Pháp cả khu V đã tự túc lương thực tại chỗ để bộ đội ăn no đánh giặc.

Bằng một cách làm, cách nghĩ đơn giản vậy thôi, ông Tám Tú cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã góp nên trang sử oai hùng của khu V và cả nước. Đó là sáng kiến dựa trên tiềm lực thực tại. Lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, lấy đoản binh thắng trường trận. Trên chiến trường vũ khí, đạn dược, mưu lược chiến đấu có tính quyết định thành bại, cả ý chí nữa, nhưng hậu cần, lương thảo là tối quan trọng. Điều quan trọng đó, tức cái ăn cho bộ đội đã được giải mã bằng một cách làm không cần hàn lâm, kinh sách. Nhớ về giai đoạn này, về cách làm giản đơn nhưng mang tầm chiến lược càng hiểu thêm rằng những sáng kiến, ứng dụng trong chiến tranh, trong thời bình, trong kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật bao giờ cũng được nảy sinh từ gian khó cùng những trăn trở nhiệt huyết, có khi quyết liệt, bằng lương tâm trách nhiệm chứ không thể tự nhiên hình hài. Riêng việc trồng khoai ụ, tuy mộc mạc về cách làm, giản đơn về kỹ thuật nhưng xuất phát từ những nghĩ suy vượt ngoài sự đơn giản, nếu không muốn nói đó là nghĩ suy mang tầm chiến lược, chiến thuật binh pháp. Làm sao có đủ lương thực cho hàng chục vạn quân ăn no, ấm lòng đánh giặc, đủ sức theo chiều dài: “Năm năm, mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa” của cuộc chiến tranh tàn khốc như chúng ta đã biết.

Từ năm 1970-1976, sau khi thôi phó chủ tịch phụ trách kinh tài tỉnh Quảng Ngãi, ông Tám Tú làm Thường vụ Khu ủy khu V, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Khu Trung Trung bộ, phụ trách kinh tế, còn tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Từ kinh nghiệm của anh Tú, của Quảng Ngãi về chính sách “ngụ binh ư nông”, không mất nhiều thời gian, Quảng Nam nhanh chóng phát động phong trào tự cung tự cấp lương thực được áp dụng năm nào ở Quảng Ngãi. Học cách anh làm ở Quảng Ngãi, chúng tôi cũng trồng khoai ụ, nói chung làm bất cứ việc gì để lo cho bộ đội có cái ăn, yên tâm đánh giặc.

Nhờ vậy, những năm đầu và cả những năm sau đó khi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, Quảng Nam có điều kiện xây dựng hậu cần, lương thực đủ mạnh, chủ yếu bằng kinh nghiệm, lấy sức ta mà lo cho ta, quân và dân lo, cùng làm. Kinh nghiệm quý báu ấy làm sao đo đếm được, chính tôi, chính Tỉnh ủy Quảng Nam học từ anh Tám Tú. Tâm thành, ngàn lần cám ơn anh đã truyền cho chúng tôi sinh lực vững chãi cùng những kinh nghiệm, bài học, cách làm quý báu. Không học được cách làm, cách tổ chức ấy, liệu với vai trò là người đứng đầu Tỉnh ủy lãnh đạo cuộc chiến trên một địa bàn ác liệt, chúng tôi xoay xở  sao đây?

Cuối năm 2010 tròn 20 năm ông Tám Tú đi xa, hưởng thọ 70 tuổi, sau khi trải qua cơn bệnh của tuổi già, sau khi đảm trách nhiều trọng trách khác nhau. Nhớ về ông Tám Tú, mọi người thường nhớ về nhiều kỷ niệm riêng chung, củ khoai ụ, củ khoai kinh tài. Bây giờ khi đất nước phát triển, kinh tế khá giả, nhân lúc rỗi rãi, trà dư tửu hậu ngày xuân nói chuyện về khoai ụ năm xưa e xưa quá chăng? Không, nó không xưa gì cả, đối với những người trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến thấy càng có ý nghĩa dường nào, thân thương, như vừa mới đi qua.     

Hoàng Minh Thắng (*)

(*) Hoàng Minh Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương.

;
.
.
.
.
.