Trên đường sang Nhật du học hơn 40 năm trước, máy bay của tôi đi từ Saigon dừng lại ở Manila vài giờ trước khi bay tiếp sang Tokyo. Từ đó cho đến những ngày rất gần đây tôi không có dịp đặt chân đến đất nước này. Đây là một chuyện khá hy hữu vì tôi đã đi hầu hết các nước trong khối ASEAN, có nơi đã đi hàng chục lần nhưng lại không có duyên với Philippines mặc dù đây là một nước khá lớn với dân số trên 95 triệu. Như để bù lại, trong những tháng cuối năm 2011, tôi bay sang Manila dự hội nghị tới hai lần.
Tác giả trước Trung tâm Ramon Magsaysay. |
Nhìn từ góc độ phát triển, Philippines là trường hợp rất đặc biệt, đáng để ta suy ngẫm. Vào thập niên 1950, ở Á châu đây là nước có trình độ phát triển rất cao, có lẽ chỉ sau Nhật Bản. Nhưng sau đó, do cơ chế, do bất ổn chính trị, xã hội, do một số chính trị gia thiếu tài đức mà Philippines bị bỏ lại đằng sau trong dòng thác công nghiệp ở Đông Á. Hiện nay GDP đầu người độ 2.000 USD, gần gấp đôi Việt Nam, nhưng chênh lệch trong phân phối quá lớn tại một đất nước đông dân làm cho số người nghèo và cận nghèo quá đông. Ở Manila có quá nhiều khu nhà ổ chuột, nằm ngay cạnh con đường chính từ sân bay quốc tế đến trung tâm thành phố, hoặc nằm ở những nơi chỉ cách các trung tâm thương mại hiện đại không hơn một cây số. Những hình ảnh này gây cho ta ấn tượng đang đến một xứ nghèo.
Hình ảnh ở sân bay quốc tế Ninoy Aquino của Manila cũng gây ấn tượng tương tự mặc dù việc tổ chức, quản lý ở sân bay khá đàng hoàng (chẳng hạn họ quản lý khâu sắp đặt taxi cho khách rất hợp lý, trật tự). Nhưng đến sân bay này ta sẽ thấy một cảnh tượng rất khác lạ so với sân bay ở nhiều nước khác: rất nhộn nhịp người đưa, người đón. Đón và đưa người đi xuất khẩu lao động mà Philippines gọi là Overseas Filipino Workers (OFW). Ở cửa làm thủ tục xuất cảnh có cả một băng-rôn to ghi hàng chữ đại ý là chúc cho các bạn đi lao động ở nước ngoài mạnh khỏe, thành công. Ở cửa đến, sau thủ tục nhập cảnh và lấy hành lý ta thấy có văn phòng OFW dùng để hướng dẫn người đi lao động ở xa về. Tôi không rõ nội dung hướng dẫn gồm những gì, có lẽ về việc chuyển đổi ngoại tệ hay làm thủ tục nhập cư trở lại sau nhiều năm ở nước ngoài. Hiện nay mỗi năm Philippines có hơn 4 triệu người đi lao động nước ngoài, mỗi năm có gần nửa triệu người xuất ngoại vì mục đích này, và ngoại tệ do OFW chuyển về tương đương trên 10% GDP.
Các bạn Philippines của tôi ai cũng bảo không vui vì hiện tượng này. Tôi chia sẻ tình cảm của họ. Có gì đáng hãnh diện với thế giới khi người dân nước mình phải ra nước ngoài kiếm sống? Dĩ nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, lao động di chuyển từ nước này sang nước khác không còn là hiện tượng ít thấy nữa. Tuy nhiên, nếu người nước ngoài đến nước mình chủ yếu để quản lý, kinh doanh, để sở hữu nhà máy và các tư liệu sản xuất khác, còn dân nước mình phải ra nước ngoài lao động, và sự bất tương xứng này không có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần thì là điều rất đáng lo ngại. Người Tây Ban Nha, người Hoa, người Mỹ từ lâu đã sở hữu phần lớn bất động sản và các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại của xứ này. Gần đây có thêm sự hiện diện ngày càng lớn của người Hàn Quốc.
Yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa ảnh hưởng nhiều đến tình trạng hiện nay. Lãnh thổ của nước này gồm tới 7.000 đảo lớn nhỏ nên phong tục, ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc nhiều nơi vốn khác nhau. Khi Ferdinand Magellan, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha (lúc đó làm việc trong Hoàng gia Tây Ban Nha) tìm thấy quần đảo này năm 1521 thì ở đây chỉ là những bộ lạc sống rời rạc trên những đảo lớn. Khoảng hai mươi năm sau, năm 1543, Tây Ban Nha lại đến và chuẩn bị các thiết chế để biến xứ này thành thuộc địa. Tên nước Philipiines mới có từ lúc đó, được đặt theo tên của Philip II, hoàng đế đương thời của Tây Ban Nha. Sau hơn 300 năm thuộc địa của Tây Ban Nha (1565-1898), Philippines lại trở thành thuộc địa của Mỹ (1898-1946).
Do hình thể địa lý rời rạc, bề dày lịch sử tương đối mỏng lại bị thuộc địa gần 400 năm, Philippines gặp khó khăn trong việc thống nhất về mặt văn hóa và có lẽ sự gắn kết về mặt dân tộc cũng không bằng nhiều nước Á châu khác. Hiện nay nước này có đến hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Filipino nhưng không phải ai cũng thông thạo cả hai. Tổng thống Benigno Aquino hiện nay thông thạo cả hai thứ tiếng cũng trở thành một trong những điểm nổi bật trong dư luận của nước này. Nhiều bạn Philippines của tôi chỉ thạo tiếng Anh. Trong chuyến thăm Manila vào giữa tháng 12 năm vừa qua, tôi đi dạo phố với một người bạn, thấy anh nói chuyện với nhân viên ở nhà sách bằng cả hai thứ tiếng, tôi hỏi lý do thì được biết là những người có học chủ yếu nói tiếng Anh nhưng thêm vài câu tiếng Filipino để tạo sự thân mật với người cùng xứ.
Theo Báo Asahi của Nhật tôi đọc hai, ba năm trước, trong chương trình sách giáo khoa bậc tiểu học, chính phủ Philippines quyết định cho trẻ em học tập những tư tưởng hay và gương sáng của các danh nhân thế giới, trong đó có Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh được đề cao, xem như là bài học để tăng tinh thần dân tộc. Điều này cũng cho thấy tăng tình tự dân tộc là một trong những quan tâm có thể hiểu được của giới lãnh đạo Philippines.
Một khu nhà ổ chuột ở thủ đô Manila. Ảnh: TG |
Dân đông và tiếp tục tăng nhanh trong khi kinh tế phát triển chậm cũng là vấn nạn lâu dài của nước này. Dân chúng đa số theo đạo Thiên chúa nên không hạn chế sinh đẻ. Tầng lớp càng nghèo càng sinh nhiều con và cái vòng luẩn quẩn “nghèo-đông con-nghèo” cứ tiếp tục. Tôi có đến thăm một khu nhà ổ chuột, chỉ cách trung tâm thương mại tài chính Makati (do dòng họ Ayala của Tây Ban Nha sở hữu) hơn một cây số. Ở khu đó, trẻ con mình trần đứng đầy ngoài đường. Hai bên đường toàn nhà cửa lụp xụp. Người bạn của tôi bảo là đàng sau những ngôi nhà này còn vô số những căn nhà lụp xụp khác và trẻ em trong đó rất đông. Nhiều người gọi những nơi như thế này là những “nhà máy sản xuất trẻ em” (baby factory).
Qua sách báo, tôi đã biết nhiều về Philippnes. Nhưng nhìn tận mắt mới thấy ấn tượng và xúc động. Dĩ nhiên Philippines có nhiều mặt được thế giới chú ý và đánh giá cao. Giải thưởng Magsaysay, để kỷ niệm Tổng thống thứ bảy Ramon Magsaysay của Philippines, được lập ra nhằm trao cho những cá nhân và tổ chức mà năng lực lãnh đạo và hoạt động của họ đã đóng góp vào việc làm cho Á châu tốt đẹp hơn. Giải thưởng này đã được xem như Giải Nobel Hòa bình của châu Á. Manila cũng là nơi có bản bộ của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những nơi thường xuyên có nhiều học giả uy tín đến làm việc hoặc hội nghị.
Trong nửa sau thập niên 1980, qua truyền hình nhìn bà Tổng thống Corayon Aquino nhân hậu và thấy được người dân tin tưởng, tôi đã thầm mong đất nước này sẽ chuyển sang thời đại mới. Nhớ lại hồi năm 1988 lúc tôi còn làm việc ở Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật, một giáo sư người Philippines đến thăm và trao đổi về tình hình kinh tế Á châu, ông ta nói về bà Corazon Aquino với sự tin tưởng và hãnh diện: “Chúng tôi đang có một vị Tổng thống quá tốt”. Nhưng rồi tình hình đã không thay đổi. Dân chúng Philippines bây giờ đang mong đương kim Tổng thống Benigno Aquino, và là con trai bà Corazon Aquino, có đủ năng lực quy tụ nhân tài vốn rất phong phú của xứ này, và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ để đất nước 95 triệu dân sớm vào quỹ đạo phát triển của vùng Đông Á.
Trần Văn Thọ