Mùa Xuân như một hơi thở hạnh phúc nhẹ nhàng chợt đến từ cái bộn bề của lo toan, cái nhọc nhằn của kiếm sống, cái trăn trở của những nghịch lý... Trong làn gió da diết ấy của đất trời, tưởng chừng như “nếm” được cả cái vị mặn mòi của biển cả vang thầm trong muôn làn sóng vỗ đến từ những cái tên tha thiết muôn lần, ơi Hoàng Sa, ơi Trường Sa...
Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: M.Đ.L |
Không phải tự nhiên mà người xưa gọi Gió Xuân là Gió Đông. Đông phong bất tương thức/ Hà sự nhập la vi - Ngọn gió Xuân kia, ta với ngươi dường như không hề quen biết/ Cớ sao cứ tìm cách để thoảng vào trong bức màn nhung nhớ của ta? Ồ, thật vậy. Ngọn gió của mùa Xuân là “người lạ mặt quen biết” của muôn đời. Con người cứ chờ đợi suốt cả 3 mùa nóng bức, u buồn và lạnh lẽo để đến một ngày tất cả như thay da đổi thịt, bừng nở trong sắc mới tươi vui. Gió mùa Xuân thổi tới từ đằng đông - với tất cả mọi người dân Việt, đó là Biển Đông. Có lẽ, chưa bao giờ hai tiếng Biển Đông lại gợi lên trong ta nhiều niềm vui song hành cùng với dứt day nhiều đến thế. Chưa bao giờ hai tiếng ấy lại ngập tràn trên báo chí, trên mỗi góc cà-phê, bên từng ly rượu ấm nồng như trong năm 2011.
Những mâu thuẫn; thậm chí đối kháng về lợi ích, về niềm tin luôn là một phần của cuộc sống. Những tranh chấp, xung đột là một phần không thể né tránh được trong cuộc cạnh tranh sinh tồn ngày càng quyết liệt giữa con người với con người. Chúng ta có thể nhân nhượng rất nhiều để chung sống hòa bình, thân thiện với bè bạn gần xa, kể cả những người chưa thể là bạn theo đúng cái nghĩa giản dị nhất, ít nhất của rộng lượng, bao dung. Thế nhưng, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc không được phép nhân nhượng bao giờ!
Đà Nẵng là vùng đất đặc biệt tự ngàn xưa. Không hề ngẫu nhiên khi người Pháp rồi cả người Mỹ, đều chọn Đà Nẵng làm điểm đến đầu tiên khi họ muốn nhòm ngó, rình rập Việt Nam vào năm 1858 và ngày 8-3-1965. Sự nghiệt ngã đó của lịch sử vẫn tiếp tục như để thử thách, đo lường sức chịu đựng của con người xứ Quảng: Thành phố Đà Nẵng là nơi duy nhất có một huyện đảo chưa được “trở về” với máu thịt của Đà Nẵng nói riêng, Tổ quốc Việt Nam yêu dấu nói chung. Chính vì ý nghĩa đặc biệt, sắc sâu ấy, Đà Nẵng vẫn là địa danh tiên phong, là nơi của đầu sóng ngọn gió với công cuộc đấu tranh, giành lại những gì thiêng liêng không thể mất.
Trong phiên họp cuối tháng 11-2011 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rất rõ ràng, công khai và kiên quyết rằng: “Ít nhất từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa) chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình. Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc cũng dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”.
Dường như mọi hàng rào dè dặt về ngôn từ đối ngoại, mọi sự hiểu lầm về sự chưa rõ ràng giữa tình yêu Tổ quốc với cách biểu hiện tình yêu đó, mọi sự lúng túng giữa cách nghĩ, cách viết về “người lạ” hay “kẻ chiếm đoạt lạ mặt quen biết” đều đã được xóa bỏ. Một khi sự tự tin được khẳng định, vị thế quốc gia nhất định sẽ được tôn trọng, mọi kẻ thù tiềm tàng của đất nước nhất định phải e ngại và chủ quyền quốc gia nhất định sẽ được bảo vệ vững chắc.
Sóng nước Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những nguồn cội làm nên cái sức sống bất tận của Gió Đông - Biển Đông. Mùa Xuân đối với mỗi người Việt, mỗi người dân Đà Nẵng luôn bắt đầu từ Biển Đông. Hàng triệu người hướng ra với biển đảo thân thương để cùng nhau chia sẻ ngọt bùi cũng như cả chút ngậm ngùi xa cách. Mùa Xuân đến với ta hay biển đảo tự ngàn xưa luôn chở đến cả mọi nỗi khát mong về ngày mai gió yên, bể lặng, sum họp, vẹn toàn? Có lẽ, nếu muốn nói về cách hiểu - điều luôn được hiểu rõ về sức sống của ngọn Gió Đông, thì Đà Nẵng luôn có trong mình cách thức nhìn nhận đủ đầy...
HÀ VĂN THỊNH