“Bao đời cha ông chúng tôi, biển đã là ruột gan, máu mủ, giờ có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sẽ sống chết với nghề”. Ngư dân Lê Văn Chiến (sinh năm 1966, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) khẳng khái nói về nghề của mình. Cái tên của ông từ lâu đã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi giỏi làm kinh tế biển mà ông còn là một “người anh cả” lão luyện nơi biển khơi.
Ngư dân Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 TS – một người được ngư dân yêu mến, coi như “người anh cả” lão luyện nơi biển khơi. |
Kiên trì bám biển
Khuôn mặt phúc hậu, cương nghị, nước da rám nắng đặc trưng của biển khơi, ngư dân Lê Văn Chiến trải lòng về cuộc đời của mình. Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời gắn bó với biển khơi. Cha ông một đời đi biển. Ông năm 14 tuổi đã rong ruổi trên biển khơi, bắt đầu với việc phụ nấu ăn, dọn dẹp. Năm 21 tuổi, ông bắt đầu cầm lái rồi trở thành thuyền trưởng, và cứ thế cho đến nay, hơn 30 năm trôi qua, đời ông đã gắn liền với biển. Ông bảo, bây giờ ông cũng không thể nhớ hết bao nhiêu chuyến ra khơi của mình, song có hai “kỷ niệm để đời” mà ông nhớ mãi.
Kỷ niệm thứ nhất là vào tháng 5-2006, khi cơn bão Chanchu tàn ác đã nhấn chìm hàng chục tàu cá, làm chết hàng trăm ngư dân miền Trung. Lúc ấy, con tàu ĐNa-66192TS của ông cùng với 12 ngư dân đang hành nghề câu mực trên Biển Đông. “Lúc này chạy ra để tránh cũng khó mà chạy vào bờ cũng chẳng được. Anh em chúng tôi lúc đó ai cũng hoảng sợ, nhưng tôi đã động viên mọi người cố giữ bình tĩnh. Sau khi đã cho anh em thả bớt thuyền thúng, mành phơi mực… cho đỡ chao tàu, tôi cho tàu chạy hết tốc độ, may mắn vượt theo con sóng dữ. Sau đó tất cả các thuyền viên đều bình an vô sự, nhưng khi trở về tới đất liền thì trên tàu chứa đầy thi thể những người bạn đi biển”, ông Chiến xót xa nhớ lại.
Sau vụ thiên tai này, hầu hết ngư dân đều bị ám ảnh nên rất nhiều người trong số đó đã chấp nhận bán tàu rồi nằm bờ. Ông Chiến thì “liều” hơn khi quyết định đầu tư con tàu mới ĐNa-90351TS với công suất 500CV, còn tàu kia ông chuyển cho người em trai ruột là Lê Văn Bình tiếp tục vươn khơi.
Kỷ niệm nữa mà ông Chiến chẳng bao giờ quên là lần cứu được 2 thuyền viên trên tàu ĐNa-61731TS của ông Phạm Mi Em, cũng trong một cơn bão năm 2008. Khi đó, tàu của ông đang đánh bắt gần quần đảo Trường Sa thì nhận được tin báo tàu câu mực của ông Em bị nổ gas khiến một người bị tử vong tại chỗ nhưng tìm không ra, 2 người bị thương nặng, còn 12 người khác thì lênh đênh giữa biển khơi.
“Lúc đó tàu chúng tôi vừa mới ra khơi, chưa đánh bắt được gì nhưng cứu người là quan trọng nhất nên khi nhận được tin, tôi lập tức chạy tới ngay chỗ tàu bị nạn, đồng thời điện báo cho Bộ đội Biên phòng nhờ bác sĩ tư vấn để trợ giúp y tế cho nạn nhân. Hai người bị thương máu chảy rất nhiều, đã vậy cả hai bị sốt nặng nhưng khi đó cũng chỉ biết lấy khăn lạnh đắp cho hạ nhiệt, vì trên tàu chẳng trang bị thuốc men gì”, ông Chiến kể. “Khi đó mà có tủ thuốc đầy đủ như thế này thì anh em đã đỡ lo lắng hơn nhiều rồi”, vừa chỉ tay vào tủ thuốc mới được trang bị khá đầy đủ các loại thuốc men trên tàu, ánh mắt ông ánh lên niềm vui.
Ông kể tiếp, lúc đó tàu mình nhỏ, lại có thêm 14 người nữa, biết là rất nguy hiểm nhưng chờ tàu khác ra để sang người bớt thì mất nhiều thời gian. Kể cả đưa về Đà Nẵng thì cũng sẽ mất 3 ngày 2 đêm nên ông sợ họ sẽ không qua nổi. Cuối cùng ông quyết định cho tàu chạy hết công suất về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc). “Tôi vừa điện đàm về Bộ Chỉ huy Biên phòng đề nghị can thiệp, lại vừa phải liên lạc với tàu cứu nạn phía Trung Quốc nhờ họ giúp đỡ. Đồng thời tôi vận động các anh em trên tàu cố gắng chịu khó chăm sóc, bón cháo, rồi dọn vệ sinh… vì hai người này lúc đó mê man nên mọi hoạt động cá nhân của họ đều không kiểm soát được. Khoảng 12 tiếng sau, tàu được phía Trung Quốc giúp đỡ kịp thời nên hai người bị nạn đã được cứu sống”, ông Chiến kể.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến bên cạnh con tàu ĐNa-90351 của mình. | Tủ thuốc mới trang bị của tàu ông Chiến được lắp đặt ngay phía cửa ra vào buồng điều khiển. |
“Người lính” bảo vệ chủ quyền biển, đảo
“Già trên biển, giàu trên đất liền”. Đó là lời nhận xét ngắn gọn và khá đầy đủ của Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) Nguyễn Văn Còn A khi nói về ngư dân này.
“Già trên biển” là vì tới nay ông Chiến đã có hơn 30 năm làm thuyền trưởng và cũng là từng ấy năm kinh nghiệm. Vì thế, trong mọi tình huống dù bị thiên tai hay sự cố, cả khi gặp sự đe dọa của tàu lạ trên biển, bằng kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng, ông Chiến đều bình tĩnh để tìm ra giải pháp tốt nhất. “Đặc biệt ở ông Chiến là tinh thần luôn hết mình tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ông không chỉ là chỗ dựa tinh thần, là niềm cổ vũ động viên cho ngư dân của Đà Nẵng mà nhiều bạn tàu khác trên vùng Biển Đông”, ông Còn A nói.
Cũng theo ông Còn A, mỗi khi tàu ông Chiến ra khơi, ngoài việc tạo được công ăn việc làm cho hàng chục thuyền viên thì bằng kinh nghiệm của mình, ông nắm rõ những điểm đánh bắt tốt nhất để đạt được giá trị kinh tế cao nhất. “Đặc biệt, từ khi tàu ông được thành phố hỗ trợ máy dò ngang mới đây, chỉ riêng ba chuyến biển đã thu về hơn 1,5 tỷ đồng, con số thu nhập đáng mơ ước của hàng nghìn ngư dân”, ông Còn A cho biết.
Không những vậy, trong hàng chục năm qua, tàu của ông Chiến đã cung cấp rất nhiều nguồn tin quan trọng, kịp thời và chính xác trên biển cho các đơn vị chức năng. Điều này góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc ngoài biển khơi. Ngoài hàng chục bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng… thì mới đây nhất, vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân, ông Chiến vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trao tặng bằng khen bởi những thành tích xuất sắc của mình.
Trung tá Lê Văn Chường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 thành phố Đà Nẵng, rất tự hào khi nói về ngư dân Lê Văn Chiến: “Không những là ngư dân giỏi, luôn mang về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển, ông Chiến còn là một chiến sĩ đúng nghĩa trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Đắc Mạnh