Cuộc chiến đấu của quân và dân Đà Nẵng chống lại Liên quân Pháp - Tây Ban Nha kéo dài một năm rưỡi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay là một nét son lịch sử đáng tự hào của người Đà Nẵng. Nhiều nhà nghiên cứu đã khảo sát các ghi chép, sử liệu của cả hai bên và dựng lại khá đầy đủ những gì xảy ra trong suốt 19 tháng này (từ ngày 30-8-1858 đến ngày 23-3-1860, Liên quân rút đi vì thất bại). Tuy nhiên tất cả đều chỉ là những văn bản. Giới nghiên cứu vẫn luôn mong muốn dựng lại trên bản đồ những phòng tuyến mà nhân dân Đà Nẵng đã dựng lên để chiến đấu với quân xâm lược.
Tranh trong sách du ký của Barrow được vẽ năm 1793, theo chúng tôi đây chính là vị trí bến đò Đò Xu - Cẩm Lệ hiện nay. Hình ảnh chiếc thuyền lớn nhất là hoàn toàn giống với chiếc thuyền chiến trong bản đồ; các đò dọc đò ngang và vọng lâu cho phép ta hình dung phần nào phong cảnh Đà Nẵng lúc ấy. |
Và bất ngờ, chúng tôi bắt gặp trên mạng, được dẫn link từ thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, một tấm bản đồ với tên tiếng Pháp là “Positions de Tourane”, tức “Vị trí Đà Nẵng”, với dòng chú thích bằng tiếng Pháp nghĩa là “Bản đồ Đà Nẵng tìm được trong nhà một ông quan ngày 15-9-1859”. Vì được tìm thấy trên mạng nên không rõ bản đồ thực có kích thước bao nhiêu nhưng khi in ra với size chữ chú thích vừa đủ để có thể đọc được thì tấm bản đồ này không thể nhỏ hơn khổ giấy A2, tức bằng một trang báo Đà Nẵng.
Theo dòng chú thích trên thì có thể đoán được bản đồ này do người Việt vẽ và Liên quân Pháp - Tây Ban Nha thu được vào ngày 15-9-1859, lúc chiến sự nổ ra đã được đúng một năm và còn kéo dài 6 tháng nữa mới kết thúc. Lúc này thế giằng co hai bên đang xảy ra quyết liệt. Những tấm bản đồ như thế này, trong điều kiện chưa có máy bay nhưng được vẽ khá chính xác, chắc chắn là vô cùng quý để phục vụ cho cuộc chiến.
Với phong cách vẽ những ngọn núi chúng ta có thể đoán rằng bản đồ được người Việt vẽ, sau đó người Pháp đã thêm các chú thích bằng cả 3 ngôn ngữ Việt, Hán, Pháp cũng như đánh dấu các vị trí theo phong cách phương Tây, dĩ nhiên với sự giúp đỡ của những người Việt thân Pháp.
Điểm đặc biệt quý giá của tấm bản đồ này là qua đó chúng ta hôm nay hình dung được thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược, các chiến hào, công sự, thành, đồn... đã được đánh dấu và mô tả khá rõ. Điểm đặc biệt quan trọng là qua đây chúng ta cũng nhận ra các tên gọi địa danh Đà Nẵng xưa.
Có hơn 100 chú thích nhưng gần 80% số đó là chú thích vị trí các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh, vọng lâu, hào, nhà tù, công quán, tuần binh... tức các vị trí quân sự. Hầu như toàn Đà Nẵng nơi nơi là thành lũy, chiến hào chiến đấu. Quân giặc được mô tả ở đây có 9 tàu chiến lớn (với 3.000 quân), cho dù được trang bị hiện đại thế nào cũng khó mà thắng nổi thế trận này.
Ở vị trí đánh số 66 có hình vẽ giống như những sợi xích sắt giăng ngang sông Hàn, vị trí chỗ UBND thành phố hiện nay được ghi chú là “Tặc (tắc) Mộc Lung”, tức hệ thống lồng gỗ để ngăn giặc, hoặc lồng gỗ đóng tắc cửa sông. Tra tự điển chữ Hán thì có thể hiểu đó là hình vẽ minh họa các lồng bằng tre, gỗ được bỏ đá thả xuống sông để ngăn tàu thuyền quân giặc tiến vào sông. Công việc này dĩ nhiên không thể tiến hành khi chiến sự đã xảy ra vì tốn nhiều thời gian và công sức, có nghĩa là nó cho thấy sông Hàn đã được “hàn” lại từ lâu trước đó. Phải chăng vì thế mà nó có tên Hàn? Tặc Mộc Lung cũng còn thấy ở lối rẽ vào sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện.
Vị trí thành Điện Hải số 49 trong bản đồ hơi lạ so với hình dung hiện nay, nó quá gần biển Thanh Bình. Có thể người vẽ đã sai nhưng cũng có thể lúc đó thành Điện Hải ở gần vịnh Đà Nẵng hơn hiện nay, như bản đồ mô tả, điều đó có nghĩa khu vực phường Thanh Bình hiện nay là sự bồi lắng mới hình thành sau này.
Điều này hoàn toàn có thể bởi ở vị trí 65 là Đà Nẵng Tân, tức Đà Nẵng mới. Qua các vị trí ghi tên Đà Nẵng như Đà Nẵng Thượng, Đà Nẵng Hạ chúng ta chợt hiểu ra Đà Nẵng lúc này không phải là toàn bộ bản đồ, toàn bộ bản đồ được gọi là Touran, Đà Nẵng chỉ là một làng thuộc khu vực Thanh Bình, Thạch Thang hiện nay, và nó cũng tương đương với các địa danh khác như Nại Hiên, Mân Quang, Hải Châu, Nam Ổ. Cũng trong nhóm tên địa danh có chữ Đà ở Đà Nẵng ta còn có Đà Sơn, Đà Ly... Xem ra, với người Đà Nẵng hơn 150 năm trước, Đà Nẵng cũng chỉ là một xã, một làng tương đương với làng Đà Sơn, Đà Ly hiện nay. Điều này chắc chắn sẽ giúp việc truy tìm nguồn gốc tên gọi Đà Nẵng sáng tỏ hơn.
Ở vị trí tương đương với Quân khu 5 hiện nay là một khu thành đồn lớn được đánh các số từ 23 đến 40 với nhiều chi tiết khác nhau. Theo các sử liệu thì đây là nơi Lê Đình Lý đóng quân và là thành lũy then chốt, khu tổng chỉ huy của nghĩa quân ngăn quân giặc tiến sâu hơn. Trong đó có những vị trí như Giảng Võ, Bản Tượng, hào nước, chông tre... cho ta hình dung về một đội quân chính quy, được huấn luyện, đặc biệt vị trí 37 được gọi là Bản Tượng, nơi đóng quân của đội tượng binh, voi.
Ở vị trí khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi đến Đài Tưởng niệm thành phố hiện nay, tức Hòa Cường qua Mỹ Thị bên kia sông là một thế trận thủy quân với những tàu chiến lớn nhỏ đang chờ sẵn quân giặc nếu chúng vượt qua được các hàng rào bằng cọc giăng dưới lòng sông.
Ở hữu ngạn sông Hàn, ngoài thành An Hải đến nay đã hoàn toàn mất dấu vết (mặc dù rất xứng đáng được khảo sát tìm kiếm) còn có một hệ thống thành, hào, lũy, vọng lâu (86) ở vị trí đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi phía đông, thuộc phường An Hải Tây hiện nay. Hệ thống thành lũy này cũng hoàn toàn chưa được khảo sát, tìm kiếm.
Qua đây ta cũng biết được lúc này con đường bộ cái quan xuyên Việt đã gần trùng với đường quốc lộ 1A hiện nay.
Để hình dung nên thế trận từ những trận địa quân ta giăng ra khắp nơi thấy qua tấm bản đồ này hãy đọc báo cáo mà tướng Rigau de Genouilly viết thư báo cáo về cho Chính phủ Pháp vào ngày 15-6-1859: “Những người An Nam đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm. Họ lùi từng bước trước chúng ta nhưng bắt được họ không phải là chuyện dễ. Chúng tôi có chiếm lĩnh được trận địa nhưng họ chỉ lui vài trăm thước để ẩn nấp trong những chiến lũy được xây dựng kiên cố phi thường... Không thể không công nhận rằng cuộc chiến tranh chống nước này còn khó hơn là cuộc chiến tranh chống vương quốc Trung Hoa”.
Hồ Trung Tú