Chào mừng Đại hội Đảng

Gửi trọn niềm tin vào đại hội

07:18, 14/09/2010 (GMT+7)

* Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội Cán bộ hưu trí ngành Công nghiệp TP. Đà Nẵng: Gửi trọn niềm tin vào đại hội 

Hội Cán bộ hưu trí ngành Công nghiệp thành phố hoàn toàn nhất trí với dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố và gửi trọn niềm tin vào thành công của Đại hội. Chúng tôi mong rằng Đại hội sẽ đề ra chủ trương, giải pháp tốt nhất, khả thi nhất để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế, xã hội của miền Trung và hoàn thành mục tiêu Thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Ngành Công nghiệp thành phố những năm qua đã phát triển khá mạnh nhưng vẫn còn một số nhược điểm, hạn chế như: Sau 35 năm giải phóng vẫn chưa xác định được ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của Đà Nẵng là ngành gì, sản phẩm gì? Hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn nhỏ bé. Với diện tích hạn hẹp của thành phố, đất ở các khu công nghiệp là vàng, nhưng khi bố trí cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê chưa thật chú trọng chọn các doanh nghiệp có sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao mà hầu như nặng về giá thuê đất cao hay thấp. Kim ngạch xuất khẩu trong ngành may mặc, giày da khá lớn nhưng trong đó 75% nguyên liệu, phụ tùng là nhập khẩu.

Thử đặt câu hỏi: Tại sao ngành Công nghiệp thành phố không kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước phát triển mạnh và dẫn đầu cả nước về sản xuất phụ tùng dệt may, da giày và nên chăng có thể coi đây là ngành công nghiệp, là sản phẩm mũi nhọn của công nghiệp thành phố? Cần có chính sách, cơ chế thông thoáng hơn nữa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh với hàm lượng kỹ thuật, chất xám cao. Thành phố Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài, quanh năm nắng gió, nên coi trọng đầu tư phát triển năng lượng điện mặt trời và điện sức gió, đó là nguồn năng lượng sạch và vô tận.

Đà Nẵng đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và cũng từ đó càng khẳng định và thấm nhuần hơn nguyên lý: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng cán bộ là quyết định”, nhất là cán bộ đứng đầu địa phương, đứng đầu ngành.

* Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Đà Nẵng: Xây dựng thiết chế văn hóa xứng tầm

Mô tả ảnh.

Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung - Tây Nguyên trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng về mặt văn hóa, văn học - nghệ thuật vẫn phát triển chưa xứng tầm với vị thế của Đà Nẵng. Việc phát triển văn hóa, văn học - nghệ thuật không thể tách rời phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thiết chế văn hóa có những đặc thù riêng cần được quan tâm. Ở Đà Nẵng hiện nay thiếu bảo tàng lịch sử văn hóa và thư viện của thành phố. Bởi lẽ, việc đầu tư xây dựng bảo tàng lịch sử văn hóa và thư viện quy mô không chỉ cho thành phố Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố cũng đề cập đến việc “phát huy vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư phát triển văn hóa, nhất là xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa trọng điểm, ngang tầm với vị thế của thành phố”. Điều đó cho thấy lãnh đạo thành phố đã chú trọng đến vấn đề này, nhưng cần quan tâm sâu hơn nữa, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Đà Nẵng đang trên đà hội tụ những nhà nghiên cứu, sáng tác văn học - nghệ thuật trưởng thành từ địa phương này, cũng như từ 2 đầu đất nước, nên sinh khí văn học cũng bắt đầu chuyển đổi. Đây là tín hiệu vui và là cơ sở để phát triển toàn diện các loại hình văn học - nghệ thuật, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để văn học - nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật xứng tầm, như mục tiêu được đề cập trong dự thảo văn kiện. Song, để làm được điều này, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của cơ quan Hội Văn học - nghệ thuật, còn phải là hoạt động tự thân của các văn nghệ sĩ.  PHÚC NGUYÊN (ghi)

* Lê Hồ An Châu - nghiên cứu sinh Kinh tế học, Trường Đại học Birmingham (Anh): Hỗ trợ công tác dự báo thiên tai

Mô tả ảnh.

Tôi xa Đà Nẵng đã hơn 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, dù có rất ít dịp trở về, nhưng qua các phương tiện thông tin, tôi cảm nhận nhiều đổi thay của thành phố. Song, vấn đề khiến tôi trăn trở nhất là hằng năm, người dân Đà Nẵng vẫn phải gánh chịu những hậu quả do thiên tai gây ra. Lúc tôi học tập, làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, Thái Lan, Pháp hay bây giờ là nước Anh xa xôi, nghe quê nhà có bão thì cảm giác tim mình đau nhói và luôn theo dõi, hướng về quê hương.

Tâm bão số 9 vào năm ngoái không đi vào địa phận Đà Nẵng, nhưng vẫn có đến hơn 170 nhà bị sập, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Vì thế, tôi mong mỏi lãnh đạo TP. Đà Nẵng đầu tư hơn nữa vào việc nâng cao công tác dự báo bão, đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà chống bão. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố đề cập đến 6 nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2010-2015, trong đó có việc nghiên cứu các giải pháp phòng chống thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu có hiệu quả, nhưng cần có những chủ trương cụ thể. Đây cũng là một trong những chính sách an dân. 

Tôi tin rằng, với tâm huyết, tầm nhìn chiến lược của đội ngũ lãnh đạo, Đà Nẵng sẽ không ngừng phát triển và phát triển một cách bền vững, mức sống người dân sẽ không ngừng nâng cao, xứng đáng là thành phố trực thuộc  Trung ương.  VĨNH AN (ghi)

.