Tiếp tục ngày làm việc thứ hai trong chương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chiều ngày 13-1, Đại hội tiến hành phiên thảo luận toàn thể tại hội trường; trong đó các ý kiến tập trung vào nội dung “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững” trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.
Các đại biểu của đoàn Đà nẵng trao đổi bên ngoài phòng họp.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế
Nhận định về khuyết điểm trong phát triển giai đoạn 2005-2010, Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng cho rằng: “Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước…; những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chưa được chú ý đúng mức; tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng đầu tư, khai thác tài nguyên; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc...”
Chính từ đó, trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng XI là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững”. tại phiên thảo luận của Đại hội, các ý kiến tập trung vào việc làm rõ hơn tình hình cũng như đề ra những đề xuất, kiến nghị xác đáng nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này. Về phát triển kinh tế, đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chương trình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; bởi việc thay đổi mô hình tăng trưởng này phù hợp xu thế phát triển toàn cầu mà Việt Nam đang hội nhập sâu và cũng xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của đất nước ta. “Trong tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng thời đại và các cam kết quốc tế, việc thay đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện quan điểm phát triển bền vững, như các luận điểm Cương lĩnh và Chiến lược cho thấy, dựa chủ yếu vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ hiện đại. Đây chính là định hướng phát triển kinh tế tri thức”- Đồng chí Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.
Để thực hiện chiến lược quan trọng bậc nhất này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất những giải pháp cụ thể: Cần khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia; tập trung ưu tiên xây dựng 2 trung tâm quốc gia về công nghệ cao tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao cấp vùng hiện đại nhằm thay thế các khu công nghiệp kiểu cũ đang tỏ ra kém hiệu quả; coi trọng nguyên tắc phát triển khoa học công nghệ với sự dẫn dắt, hỗ trợ của thị trường-doanh nghiệp; Nhà nước phải thực sự đóng vai trò là “bà đỡ”, tạo khung pháp lý, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát triển khoa học-công nghệ và cho hoạt động nghiên cứu triển khai; thực hiện chiến lược phát triển có lộ trình phù hợp với năng lực nội sinh và có khả năng tranh thủ các thành tựu của thế giới; lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học-công nghệ và tài chính đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, với những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của “đầu tàu” kinh tế cả nước, với những bước đi năng động, sáng tạo trên lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã nêu lên những vấn đề cần thảo luận nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là, cần đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường; sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế-tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế; sử dụng các công cụ của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường; chuyển cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng; đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Về đề xuất cuối cùng này, đồng chí Nguyễn Văn Đua cho rằng: “Việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một Nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị".
Phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển
Trong vai trò của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, trong số những bài học chủ yếu rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, thì bài học trong phát triển nhanh và bền vững chính là cần phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Theo đó, để làm được điều này, phải thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội với lộ trình và bước đi thích hợp, tập trung mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội... Cùng với đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo dảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng…
Liên quan đến ý kiến về chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển mà Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đưa ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. “Bảo vệ môi trường trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá”- Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhìn nhận.
Từ yêu cầu đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra 8 giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Vấn đề trước tiên được đề cập, chính là cần làm sâu sắc hơn và cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận mô hình “tăng trưởng xanh” đã được đề cập trong Cương lĩnh và Chiến lược phát triển đất nước. Vấn đề không được xem là mới nhưng Bộ trưởng đã mạnh dạn tiếp tục đưa ra, chính là đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa, chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về “bao cấp”, “xin-cho”, nặng về cơ chế kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường.
Cùng với đó, đồng chí Phạm Khôi Nguyên cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng Bộ luật Môi trường; nâng cao hơn nữa nhận thức về nguy cơ ô nhiễm trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược vận động các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; cần xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường.
Những vấn đề được thảo luận, đã cụ thể hơn đường lối, chiến lược phát triển của Đảng ta trong giai đoạn mới, cũng chính là nhằm tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như chủ đề của Đại hội XI của Đảng đề ra.
Bài và ảnh: ANH QUÂN