Tennis

Giải Quần vợt U-18 quốc tế nhóm 5 - 2015: Hơn 150 tay vợt tranh tài

07:44, 27/07/2015 (GMT+7)

Sáng 27-7, giải Quần vợt U-18 quốc tế nhóm 5 chính thức được khởi tranh tại Làng Thể thao Tuyên Sơn.

Qua 2 ngày tổ chức vòng sơ loại, Đà Nẵng đã nỗ lực rất lớn để các tay vợt trẻ thuận lợi trong cả thi đấu lẫn sinh hoạt thường nhật.
Qua 2 ngày tổ chức vòng sơ loại, Đà Nẵng đã nỗ lực rất lớn để các tay vợt trẻ thuận lợi trong cả thi đấu lẫn sinh hoạt thường nhật.

Tham gia tranh tài có gần 100 tay vợt nam và khoảng 60 tay vợt nữ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có nền quần vợt phát triển mạnh như: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hong Kong… Các VĐV tham gia thi đấu 4 nội dung gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, theo thể thức loại trực tiếp với 3 séc.

Ngày 25 và 26-7, khoảng 48 tay vợt nam có thứ hạng thấp hoặc hệ số thấp đã thi đấu vòng loại để chọn ra 8 tay vợt có thành tích tốt nhất vào thi đấu vòng chính thức. Trong khi đó, gần 60 tay vợt nữ đều được quyền vào thi đấu vòng chính thức. Với Đà Nẵng, lần đầu tiên có 3 VĐV được tham gia thi đấu một giải đấu quốc tế chính thức thuộc hệ thống Junior của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) nhưng chỉ có tay vợt nam Nhật Minh vượt qua vòng loại, giành quyền vào thi đấu vòng chính thức.

Do đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đăng cai tổ chức một giải quần vợt quốc tế nên công tác tổ chức còn gặp nhiều khó khăn.  Theo quy định, để tổ chức một giải đấu quốc tế, đơn vị đăng cai cần 6 sân thi đấu cùng 6 cụm sân nhằm giúp các tay vợt có điều kiện tập luyện cũng như khởi động trước khi bước vào thi đấu. Thế nhưng, thực tế, ngành TDTT cũng như Liên đoàn Quần vợt thành phố rất khó đáp ứng yêu cầu này, bởi ngoài cụm sân thi đấu thuộc Làng Thể thao Tuyên Sơn, cơ sở vật chất của bộ môn quần vợt Đà Nẵng gần như “trắng”.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu 6 cụm sân phục vụ cho việc tập luyện, khởi động của các VĐV tham gia tranh tài, ngành TDTT và Liên đoàn Quần vợt thành phố phải tận dụng các mối quan hệ để nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị. Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh những bất cập và ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển của các VĐV do các sân tập nằm rải rác ở nhiều điểm khác nhau.

Mặt khác, ngoài sân Trung tâm tại Làng Thể thao Tuyên Sơn, 5 sân còn lại đều không có khán đài; buộc khán giả phải đứng xem từ… bên ngoài hàng rào. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tác nghiệp của giới báo chí.

Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu của Tổng trọng tài (ITF), Đà Nẵng đã rất nỗ lực và từng bước đáp ứng được nhu cầu của ITF, từ công tác chuyên môn đến việc phục vụ hậu cần cho VĐV tham gia tranh tài. Thế nhưng, để việc tổ chức các giải quần vợt quốc tế trong tương lai thuận lợi, đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của ITF cũng như nhu cầu thưởng ngoạn của người hâm mộ, tạo động lực để quần vợt Đà Nẵng phát triển, rất cần những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành TDTT Đà Nẵng nói chung và quần vợt Đà Nẵng nói riêng.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

.