.

Chuyện Bà Chợ Được

.

Sách “Thần nữ linh ứng truyện” (được lưu giữ tại lăng Bà) do Đồng Tam giáp Tiến sĩ Hồ Mộng và ông Nguyễn Bội Bửu (hay Học) biên soạn ngày 26 tháng 12 năm Khải Định thứ 4 (1919)  kể về sự linh ứng của Bà Chợ Được ở xã Hưng Thạnh Đông, tổng Đông Thạnh hạ, trấn Lễ Dương, phủ Thăng Bình.

Tái hiện hình tượng Hai Bà Trưng trong Lễ rước cộ Bà Chợ Được.
Tái hiện hình tượng Hai Bà Trưng trong Lễ rước cộ Bà Chợ Được.

Bà Chợ Được tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Thân triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 39 (1800) tại châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà là người khác thường. Con nhà giàu có, sinh nơi khuê các nhưng lại có tiếng nói sang sảng, người đẫy đà, trắng trẻo như tuyết. Bà thích ăn mặc sạch sẽ, quần áo may xong phải giặt rồi mới mặc, không ăn thức ăn mua sẵn ngoài chợ, người đoan chính, dịu dàng, đối với trẻ con thì rất khéo chăm sóc vỗ về, thường làm tiếng sáo mũi, thích nghe ca hát và tiếng pháo nổ.

Bà mất ngày 19 tháng 11 năm Đinh Sửu (1817). Ban đầu, mộ Bà được táng tại thôn Phiếm Ái, đến năm Thành Thái thứ 10 (năm Mậu Tuất - 1898), Tổng đốc Quảng Nam Nguyễn Công Thưởng sợ sông Ái Nghĩa lở sát mộ Bà, bèn lập đàn xin dời mộ đến làng Phúc An. Khi dời mộ, khai quật lên thấy đất có đủ năm màu, cốt cách vẫn nguyên vẹn, dưới cỏ có một dây chuyền ngọc quấn quanh, đúng là dung mạo của thần. Dời mộ xong, Bà nhập đồng bảo người cháu là Nguyễn Thực chuẩn bị trầu cau và rượu để tạ người làng, nghe thế, ai cũng bái phục. Tám năm sau, Tổng đốc Hồ Đăng Đệ và huyện quan Đại Lộc kêu gọi nhân dân hương hào quyên góp tiền bạc để sửa mộ đất của Bà thành mộ xây.

Theo sách đã dẫn, sau khi mất, hồn Bà chu du khắp vùng sông nước Trường Giang, đến năm Tự Đức thứ 5 thì lãng du đến làng Phước Ấm bên dòng Trường Giang. Thấy phong cảnh hữu tình, trên có rừng, dưới có sông núi, lại nằm ở vị trí cửa sông, gần đường lộ nên Bà hiển linh để báo mộng cho dân làng nơi đây xây chợ, quy tụ dân cư lập làng. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, triều đình phong bà là “Thần Nữ Linh Ứng - Nguyễn Thị đẳng thần”.

Dân gian còn kể nhiều mẩu chuyện rất hiển linh về Bà.

Bà có người cháu họ xa tên là Lê Hùng đi ghe ra Hà Nội buôn bán hẹn đến tháng 5 về. Lúc về có một người quá giang, người này bị say sóng nằm mê man chẳng ăn uống gì cả. Khi ghe về đến vùng biển Quảng Bình, nửa đêm gặp bão biển dữ dội, toàn ghe đều chìm hết. Lê Hùng gặp nạn sợ hãi xin Bà cứu nạn; lập tức Bà nhập vào người say sóng, đứng dậy cầm tay lái: “Dừng lại, nơi đây có ta không sợ gì cả”. Hùng vâng theo lời dạy, quả nhiên được bình an.

Ở xã Hòa Thanh thuộc phủ Tam Kỳ xưa có người tên là Nguyễn Thuần, chở nước mắm bằng thuyền ra bến Thần Châu. Ở đây có người bắt được con chim lớn, định lấy hai cánh làm thành quạt để cúng lên miếu Bà. Thuần nhân lúc say rượu, muốn xin hai cánh chim nhưng người đó vốn có lòng thành nên không đồng ý cho. Thuần bảo ông cứ cho tôi đi, nếu Bà quả có linh thiêng thì tới Hà Thanh mà hại tôi.

Nói xong, Thuần bỗng kéo buồm cho thuyền quay ngay lại rồi cập vào bến sông trước miếu Bà, anh ta bước lên trước án thần trong miếu Bà, tự hô tên và tự bảo “Mày còn khinh mạn ta hết, mày đã thấy sự linh diệu của ta chưa?”. Ngay sau đó, anh ta bỗng nhiên cúi xuống trước án lạy cả trăm lạy xin Bà tha tội. Khoảng chừng hai khắc, người chú ruột của Thuần thấy thế, hết sức kinh hoảng, vội tắm rửa sạch sẽ rồi đến trước miếu lạy một trăm lạy, thay mặt cháu mình xin Bà tha thứ. May là Bà dừng phạt, nên Thuần được bình an.

Tưởng nhớ công đức của Bà, hằng năm người dân làng Chợ Được tổ chức tế lễ và rước sắc phong vào ngày 11 tháng Giêng Âm lịch. Lễ rước cộ, ngoài bàn kiệu chính gồm sắc phong và ngai của Bà, các nghệ nhân còn dựng lên các bàn cộ thể hiện các tiểu phẩm được trích đoạn từ truyền thuyết, lịch sử để lễ hội thêm đa dạng và phong phú.

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.