.

Người thầy thuốc chiến sĩ

.

Lê Đình Dương thuộc thế hệ trí thức trẻ tân học đầu tiên được chế độ thực dân đào tạo, ưu đãi, với hy vọng sẽ có một lớp người vong bản hết lòng phục vụ chế độ. Nhưng ông đã từ chối tất cả để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Chân dung và mộ Lê Đình Dương (Điện Bàn, Quảng Nam).
Chân dung và mộ Lê Đình Dương (Điện Bàn, Quảng Nam).

Lê Đình Dương sinh năm 1894 tại làng La Kham, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam trong một gia đình quyền quý. Thân phụ của ông là cụ Lê Đình Đỉnh đỗ cử nhân năm 1870, là người uyên bác được triều đình tín nhiệm cử ra thay thế Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh sau sự cố năm 1882, đã từng trải qua các chức vụ quan trọng như Thượng thư Bộ Binh, Đông các điện Đại học sĩ.

Từ nhỏ hai anh em ông (Lê Đình Dương và Lê Đình Thám) được học chữ Hán với thân phụ nên đều làu thông kinh sách, nhưng nhận thấy Nho học đến thời suy tàn lại được sự khai sáng của tinh thần Duy tân với việc kêu gọi học chữ Quốc ngữ và theo cái học thực dụng nên cả hai đã bỏ Nho học để theo Tân học.

Hai anh em ông đã theo học tại Trường Pháp-Việt Hội An rồi trường Quốc học Huế, sau đó thi vào Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội. Khi học ở Huế hai anh em ông là những học sinh xuất sắc được Khâm sứ Trung Kỳ Charles khen ngợi nhiều lần. Hai anh em ông - đặc biệt là Lê Đình Thám - rất giỏi toán, chuyên giải những bài toán khó mà nhiều khi các thầy cô giáo người Pháp ở trường vẫn không giải được. Vì vậy hai ông được các học sinh và cả các thầy cô giáo gọi bằng “thầy của tôi”, có lần phấn khích quá họ đã kiệu hai ông chạy quanh trường.

Năm 1915, ông tốt nghiệp á khoa tại Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội và được bổ về làm việc tại Khoa Mắt Bệnh viện Hội An. Vốn được tiêm nhiễm tinh thần cách mạng thông qua các phong trào Duy tân, kháng thuế ở quê nhà, khi học ở Hà Nội, Lê Đình Dương đã tiếp thu thêm tinh thần Duy tân Nhật Bản và Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, nên ông quyết tham gia Việt Nam Quang phục hội để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 ông được cử giữ chức Tổng trấn  Nam Ngãi, kiêm cố vấn về Ngoại giao cho phong trào. Cuộc khởi nghĩa bất thành. Vua Duy Tân cùng Phụ hoàng Thành Thái bị đày sang đảo Réunion. Các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, Phạm Hữu Khánh bị xử chém ở An Hòa, Huế, ngày 17-5-1916.

Lê Đình Dương bị bắt ngay trong đêm khởi nghĩa, giải giam ở nhà lao Hội An. Ông đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình, cương quyết không khai cho một ai, thẳng thắng yêu cầu “Sát kỳ tội khôi” (Chỉ giết người lãnh đạo), để chặn đứng mưu hại đến nhiều người và để bảo đảm tối đa an toàn cho các đồng chí. Tuy nhiên do một số người phản bội nên người Pháp đã khám phá ra nhiều tài liệu và chứng cứ liên quan đến phong trào. Ở Quảng Nam, Phan Thành Tài cùng một thủ lĩnh đồng bào dân tộc tên Uthey bị chém ở cầu Chợ Củi (Điện Bàn), nhiều người khác bị đày đi Lao Bảo, Côn Sơn, Buôn Ma Thuột.

Lê Đình Dương cũng bị kêu án tử hình nhưng vì là con của đại quan triều đình lại là người học giỏi có tiếng thời đó nên Khâm sứ Trung Kỳ ra lệnh giải về Huế cho y xét hỏi. Chuyện kể, Lê Đình Dương đã làm cho tên thực dân này phải xúc động nên y đã can thiệp giảm án cho ông từ tử hình xuống còn 20 năm khổ sai biệt xứ và đày đi Buôn Ma Thuột. Dưới đây là nội dung buổi hỏi cung được Nguyễn Đắc Xuân ghi lại trong Những bí ẩn về cựu hoàng Duy Tân, tr. 92, 93:

“Khâm sứ Charles gằn giọng, tức tối hỏi: 

“Tại sao, anh lại phản bội nước Pháp? - Nước đã nuôi dạy anh em nhà anh ăn học thành tài?” 

Ông trịnh trọng đáp: 

“Thưa Ngài, tôi rất lấy làm tiếc, song cũng như ngài và những người yêu nước khác, tôi có bổn phận thiết yếu là đặt quyền lợi và danh dự của Tổ quốc tôi lên trên hết mọi sự. Nếu ngài nghĩ kỹ lại một chút thì ngài không thể lấy một nguyên cớ gì mà phiền trách tôi được, vì lẽ mấy chục triệu người dân Pháp bị mất hai tỉnh Alsace và Lorraine về tay người Đức mà còn tha thiết đau xót thay (!), huống chi, chúng tôi đây, dân Việt Nam thì mất cả nước, từ Nam chí Bắc, mà ngài bảo chúng tôi cúi đầu mà chịu, thì chúng tôi chịu làm sao được (!?)…”. 

Khâm sứ Charles xúc động, lặng người (!)… Ra lệnh cho đưa ông trở về!”.

Lê Đình Dương bị đày đi Buôn Ma Thuột, một người anh em chú bác ruột của ông là Lê Đình Quát được chính quyền ưu ái cho đi theo để giúp đỡ ông, người này đã hỏi ông về động cơ tham gia khởi nghĩa và được nghe ông thổ lộ: “...Hãy nhìn lên đức vua, với thân chín bệ mà Ngài đâu có quản gì (!?)… Tất cả đều hướng về cho Quốc dân đại nghĩa… Thế mà, chúng ta là con dân đất Việt, há lại không dám góp phần hy sinh nhỏ bé cho dân cho nước hay sao?”.  

Tại Buôn Ma Thuột, người Pháp muốn khai thác chuyên môn của ông nên đưa ông làm phụ tá cho viên y tá trưởng của nhà thương thị xã. Với công việc này dù là một tù nhân ông cũng đã giúp đỡ, cứu sống được nhiều người cả Kinh lẫn dân tộc ít người. Nhưng một thời gian sau, không chịu đựng nổi sự hà khắc mà thực dân giành cho một người tù cũng như sự dã man của chế độ thực dân mà ông phải chứng kiến qua các hành động của viên Công sứ Sabatier nên ông đã uống độc dược tự tử năm 1919, khi mới vừa 26 tuổi. Ông để lại người vợ trẻ và đứa con gái mới lên ba (vợ ông là cháu nội cụ Hoàng Diệu và cháu ngoại cụ Phạm Phú Thứ).         

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.