.

An Trạch, làng ở yên trong nhà mình

.

Làng An Trạch xưa (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có 5 xóm là Đông Bình, Tây Tịnh, Nam Định, Bắc An và Trung Đồng. Theo các cụ cao niên trong làng, tiền nhân khi đặt những địa danh này đã gửi vào đó ý nguyện tốt đẹp cho hậu thế.

Đại diện Tộc Đặng Việt Nam trao tặng bức hoành cho làng An Trạch nhân lễ khánh thành đình mới.
Đại diện Tộc Đặng Việt Nam trao tặng bức hoành cho làng An Trạch nhân lễ khánh thành đình mới.

Cực chừ, sướng sau

Cụ Đặng Ninh, 94 tuổi, là người lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm về làng An Trạch xưa. Cụ kể, Tiền hiền An Trạch là ngài Đặng Nở Công, vị tướng văn võ song toàn quê Nghệ An, từng theo vua Lê Thánh Tôn mở cõi về phương Nam. Sau khi bình Chiêm thành công, vua cử ngài ở lại trấn nhậm một vùng đất rộng lớn sau này là tổng An Thái Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Sau một thời gian bỏ công khảo sát thực địa, ngài mới chọn được vùng đất bên bờ sông Yên có đủ yếu tố “địa linh nhân kiệt, thủy tụ địa bình” để lập làng và sau đó đặt tên là An Trạch.

Mãi đến cuối thế kỷ XV (khoảng năm 1497), ngài mới chọn được địa thế để lập đình. Đây là vùng đất được hình thành bởi phù sa bồi đắp từ các nhánh sông đổ ra vịnh Đà Nẵng. Bàu An Trạch nằm trên một nhánh sông con rất thuận tiện cho giao thông đường thủy ngày đó. Ngài cho kết bè, làm máng để chuyển đất đá từ các nơi về làm đình. Tháng 3 năm 1503, ngài cho khởi công dựng đình ngay trên nền đình An Trạch hiện nay, 3 năm sau thì xong.

Ngài xem An Trạch là quê hương thứ hai. Công to bình Chiêm, đức lớn mở đất của ngài về sau đã được triều Nguyễn sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phò chi Thần. Hằng năm các họ tộc trong làng tổ chức giỗ ngài vào ngày 16-8 âm lịch, gọi là ngày tế thu hay Giỗ Tiền hiền. Mộ ngài hiện ở xứ Trung Đồng, được chư phái tộc trong làng tôn tạo uy nghi, bia mộ được dựng từ thời Duy Tân.

Ngài đặt tên làng là An Trạch, nghĩa là an cư. Thi Kinh có câu “Tuy tắc cù lao, kỳ cứu an trạch”, nghĩa là nay mặc dù lao khổ (vì công việc xây cất), rốt cuộc sẽ được ở yên trong nhà mình. Ý nghĩa “cực chừ sướng sau” này đã vận vào cuộc đời của các thế hệ dân làng An Trạch về sau.

Cọp xuống đồng

Nói vậy, chứ làng An Trạch không phải lúc nào cũng an. Đó là khi có cọp từ xóm rừng bên kia sông Yên lội qua uy hiếp dân làng khiến mọi người gọi tránh đi là “ông Thầy”. Ông Chín Diên còn nhớ bài vè “Cọp xuống đồng” của ông Đỗ Tùy - người không biết chữ nhất một nhưng có sự việc gì xảy ra trong làng buổi sáng thì đến chiều là ông đã có vè ngay:

“Xóm Nam cho chí xóm Tây/ Mồng một tháng Bảy ông Thầy xuống chơi/ Hồi đầu con ông Thưởng cũng thậm tới nơi/ Chạy lên xóm Mía ông Ngữ, lại chơi ông Nhì/ Ông Hương Quản chẳng biết việc chi/ Đem đồng la trống chiến có khi gặp ông Hà/ Hà tức mình, Hà giận, Hà la/ Chạy vô nhà ông Đoàn Kiểu người ta um sùm/ Bà con chạy tới tùm lum/ Mới hay ông Miễn chùm hum ngoài hè…”.

Cụ Đặng Ninh kể thêm rằng, mỗi khi cọp vồ được một người là tự với hai chân trước lên bấm một lỗ làm dấu trên vành tai mà “ông Thầy” này đã có hai dấu rồi. Trưa hôm nọ, trời nóng quá, “ông” từ miếu Ông Thương lững thững đi ra ven sông. Một người trong làng là ông Bát Thoàn thấy từ xa, hoảng quá leo lên bụi tre, bất kể gai xóc đầy mình. Không ngờ “ông” lại trêu ngươi, nằm dài ra ngủ dưới bụi tre, báo hại ông Bát Thoàn nhịn đói, nhịn khát, cắn răng nằm bất động chịu đau trên đám gai tre.

Sáng hôm sau cả làng nhốn nháo khi phát hiện có cọp về. Ông Hương Me, một người giỏi võ trong làng, vác chiếc rựa bén ngót hăm he lên đòi bắt sống cọp, không ngờ bị “ông” lấy vuốt bấm ngay miệng một phát từ bên này xuyên qua bên kia, dù không chết nhưng Hương Me cũng một phen hú vía. Cụ Ninh bảo, người đi núi thường mang theo cây giáo (cây dụ), nếu gặp cọp, cắm dựng đứng lên trời theo thế “nhất trụ kình thiên” (một trụ chống trời) thì “ổng” sẽ bỏ đi vì không biết thế gì, chứ cầm ngang hay cầm dọc gì cũng bị “ổng” phóng tới chụp ngay.

Mãi đến chiều, lính khố xanh đóng dưới Miếu Bông, Quá Giáng nghe tin kéo lên vây hãm, bắn chết cọp. Ông Bát Thoàn hoàn hồn sau một ngày đêm “nín thở” trên bụi tre. Từ đó không thấy “ông Thầy” nào về làng nữa.

Được ở yên trong nhà mình

Dần dà, con lạch từ sông Yên vào trước đình bị phù sa bồi lấp, tàu bè không vô được, gây khó khăn cho việc vận chuyển lương thực, hàng hóa vào đình để phân phối. Các vị tiền bối hội ý chuyển đình ra gần bến đò An Trạch bên sông Yên và xây xong đình mới vào năm 1755. Đến thời Duy Tân, các vị lại nâng cấp đình to lớn, trang nghiêm hơn để tỏ lòng tôn kính xứng với công đức của Tiền hiền.

Khi ông Đàm Quang Trung làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 Quân khu 5, ông cho lập phòng tuyến sông Yên kéo dài từ cầu Đỏ tới hói Lạc Thạch (nay thuộc xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) để ngăn quân Pháp tràn qua. Ông đóng sở chỉ huy ở đình, bên bến đò An Trạch. Hôm đó Pháp từ Đại La kéo xuống đường 14B đốt lúa của dân, đặt súng trên Gò Rộng (nay là Gò Hà, xã Hòa Khương) bên kia sông để hỗ trợ cho quân Pháp dưới Miếu Bông kéo lên.

Ông Chín Diên lúc đó còn nhỏ, đang cùng chúng bạn cho trâu tắm dưới bến sông thì nghe súng nổ rầm trời, liền bỏ trâu chạy lấy người.

Vỡ mặt trận, ông Trung rút quân vô sông Tây Tịnh, chạy lên vùng núi Bồ Bồ, nay thuộc xã Điện Tiến. Trong khuôn viên đình lúc đó có hầm phòng thủ ở nhà hội hương, trong hậu tẩm có bàn làm việc của ông Trung. Bộ đội rút đi không kịp xóa dấu vết nên Pháp kéo sang phá cả hậu tẩm và nhà hội hương. Mãi đến năm 1963 mới sửa lại, nhưng rồi đến năm 1967 thì Mỹ cày đình thành bình địa.

Năm 2009, ông Đặng Phùng, trưởng tộc Đặng, kêu gọi con cháu các họ tộc trong làng xây dựng lại đình để có nơi kính ngưỡng tổ tiên. Tất cả đều đồng thuận lập đình trên nền cũ. Đã qua thời lao khổ thì quay về dựng đình nơi đã được tiền nhân lựa chọn để được ở yên trong nhà mình.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.