.

Làng chài Bình Phước

.

Thời trước, khi cư dân còn thưa thớt, sông suối có nhiều tôm, cá nên có khá nhiều bà con làng vạn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có làng Bình Phước, nay thuộc thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, là một trong những làng chài như thế.

Một đoạn sông Bình Phước chảy qua làng. Ảnh: Đ.Đ
Một đoạn sông Bình Phước chảy qua làng. Ảnh: Đ.Đ

Tương truyền, làng chài Bình Phước hình thành vào khoảng 300 năm trở về trước với sáu tộc là một tộc Võ, ba tộc Nguyễn và hai tộc Trần. Trong đó, tộc Võ đến sớm nhất. Tính từ đời ông Võ Thanh Nhàn, tiền hiền tộc Võ, đến nay đã 13 đời. Tuy tộc Võ đến lập nghiệp, mở làng Bình Phước khá sớm nhưng so với làng Châu Bí thì vẫn còn muộn hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tương, sinh năm 1929, một vị cao niên làng Châu Bí kể rằng, khi đó, tất cả đất đai đều thuộc làng Châu Bí nên dân làng Bình Phước phải… làm nhà trên bàu sát bên làng Châu Bí, gọi là bàu Bình Phước, để ở. Người ta có thể làm nhà trên bàu là nhờ nước trong bàu gần như không chảy. Muốn làm nhà, họ đốn tre, kết thành bè cho nổi. Xong lót ván lên, làm nhà, đóng cọc neo lại. Nhà ấy gọi là nhà bè.

Tôm, cá trên các sông, hồ ngày xưa rất nhiều. Hằng năm, mùa rộ cá là thời điểm giao mùa giữa thu và đông, nhất là khi đón cơn lũ đầu mùa, là lúc cá trên nguồn trôi xuống nhiều, chủ yếu là cá trôi, cá gáy. Như tập quán hình thành đã hàng ngàn năm, khi đến Hòa Mỹ, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, hay Túy Loan, nay thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, chúng tấp vào các nà bắp, nà dâu hoặc những đám lúa, gọi là lúa chùng xưa, nằm dọc theo hai bờ sông Vu Gia, sông Túy Loan, để đẻ. Mà, hễ trời mưa càng to, gió càng lớn thì chúng càng vào nhiều. Khi ấy, dân làng Bình Phước mới rủ nhau đi bủa lưới.

Khi đi, mỗi người cầm theo cây sào dài khoảng năm mét, kéo hai, ba dây dọc. Cứ bắt được con nào, xâu đầu cá bằng sợi dây dọc đã cột vào cây sào dài, thả dưới sông. Coi như bắt cá nhưng không tách cá khỏi nước. Cá vẫn sống. Khi về, người ta cứ bán dần, khoảng tuần lễ thì hết. Có người đem bán ở các chợ như chợ Phong Thử, chợ Đông Quang… Nhưng, đã thành thông lệ, mùa lụt, dân các làng biết Bình Phước làm gì cũng có cá nên họ hay đến trực tiếp mua. Lúc bán, chỉ cần kéo sợi dây lên, cá vẫn còn giãy đành đạch, trông rất sướng mắt. Nhiều năm, cá trên nguồn về nhung nhúc, cứ quẫy trắng nước. Khi cá mắc lưới nhiều, bắt không kịp. Mà loại cá, cứ mưa to, gió mạnh, ùn ùn kéo vào nà bắp, dâu… bất kể sống chết.

Còn lúc trời đang mưa, đang gió mà tạnh thì chúng bơi ra sông, đi vòng vòng chứ không vào bùng đẻ. Thường mỗi lần đi bắt cá gáy, cá trôi mùa lụt, dân Bình Phước phải đi hai, ba ngày. Cực khổ, vất vả là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, cá nhiều, nên họ ham, làm không biết mệt. Mỗi người mùa lụt có thể bắt một lần được vài chục con cá to, từ năm ba cân đến mười mấy cân.

Xưa, nghề đánh cá rất thịnh, cuộc sống ngư dân Bình Phước tương đối dễ chịu, có đồng ra đồng vào. Khoái nhất là về mùa lụt, cá to bán được tiền, ai cũng phấn khởi. Nhờ vậy, người ta mới lấy nghề đánh cá trên sông làm nghề sinh sống chính. Trong đó, nhân vật đánh cá giỏi nhất làng là ông Nguyễn Văn Sương, còn gọi là ông Biện Tương. Ông thông thuộc từng con nước, biết chỗ nào có cái lờm, có hục, chỗ kia mùa nào cá tập trung về nhiều. Đến nay, các cụ già còn nhắc chuyện có lần ông Sương bắt được con cá măng nặng cả tạ. Khi đem về, kéo lên, chiều dài cá bằng cái nong phơi lúa, xẻ thịt ra bán cả làng. Tuy nhiên, cá măng không ngon, thịt nhão. Ngon nhất là cá vượt, cá hồng, cá leo, cá chình… Cá chép, còn gọi là cá gáy và cá trôi, có vùng còn gọi là cá roi, cũng đều ngon.

Không chỉ ông Nguyễn Văn Sương, mà các ông Thủ Mục, Thủ Biên, Mục Chí… cũng giỏi nghề. Nhờ giỏi đánh bắt cá, họ ky cóp mua đất, bỏ bàu lên bờ, rồi mua dần ruộng, có người mua đến vài mẫu. Xưa, mua đất nhưng dân Bình Phước không trực tiếp canh tác mà cho người ta làm rẻ để thu hoa lợi. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới thực hiện phân chia ruộng đất. Bấy giờ, dân làng Bình Phước mới bắt đầu chú ý đến nông nghiệp. Họ vừa tiếp tục đánh bắt cá vừa làm quen với con trâu, cái cày. Bước sang thời kỳ chống Mỹ, dân làng Bình Phước nghiêng hẳn về nông nghiệp. Số gia đình hành nghề đánh bắt cá truyền thống ngày càng giảm. Từ năm 1975 về sau, ngư nghiệp trở thành nghề phụ, nghề “làm chơi”.

Hiện nay, thật khó tìm lại dấu vết của làng chài truyền thống Bình Phước. Đặc biệt, chấp hành chủ trương của trên, Bình Phước đã sáp nhập, trở thành một bộ phận dân cư của thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn. Danh xưng Bình Phước cũng như những ký ức về nghề đánh bắt cá trên sông chỉ còn là hoài niệm.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.