.

Có một năm Ngọ như thế

Khoảng giữa năm 1906, khi đang xây dựng hội Nông ở Cẩm Nê, Hòa Vang, nhằm lấy hoa lợi tiếp tế cho anh em du học sinh ở Nhật cũng như xây dựng mô hình kinh tế mới cho phong trào Duy tân thì Trần Quý Cáp nhận được chiếu chỉ của triều đình Huế bổ nhiệm vào làm Giáo thọ phủ Thăng Bình.

Lúc đầu ông không muốn đi vì công việc của phong trào đang bề bộn, mặt khác ông là một trong ba lãnh tụ của phong trào (Bộ ba Duy tân Quảng Nam Phan - Trần - Huỳnh) vốn đã bài xích lối học khoa cử, không chịu cộng tác với triều đình và thực dân Pháp.

Trước đó vào cuối năm 1904, Phan Châu Trinh đã rũ áo từ quan; đầu năm 1905 ba ông đã thực hiện cuộc Nam du vào “quậy” tưng bừng ở trường thi Bình Định với bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Lương ngọc danh sơn” nổi tiếng. Đến năm 1906 thì Huỳnh Thúc Kháng từ chối chức Giáo thọ Điện Bàn.

Nhưng vì Trần Quý Cáp nhà quá nghèo lại phải nuôi mẹ già nên bạn bè nhiều người khuyên ông nên nhận chức. Mặt khác, Phan Châu Trinh cho rằng với cương vị này Trần Quý Cáp có thể đưa lối học mới vào ngay trong trường của Nhà nước và như vậy là hợp pháp hóa từng bước hoạt động của phong trào Duy tân. Thế là tháng 8-1906 Trần Quý Cáp đi Thăng Bình nhận chức Giáo thọ.

Đến nơi, ông đã làm một “cuộc cách mạng” trong giáo dục như Trần Huỳnh Sách đã chép trong Tiểu sử Trần Quý Cáp (dẫn lại của Nguyễn Văn Xuân trong  Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng, 1995, tr. 168-169): “Tiên sinh mở lớp Tây học ngay trong trường giáo, rước thầy về dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, học trò xa gần đến nơi học có hơn đôi trăm người. Tiên sinh lại thường vào trong dân gian để diễn thuyết, cực lực bài xích lối học khoa cử và đề xướng tân học... Trong tỉnh, trường học mở khắp nơi, như các Trường Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Quảng Phước là những trường lớn, hằng tháng số học sinh dẫn về hội hạch tại trường giáo Thăng Bình, do đó tiên sinh lại có dịp khuyến khích”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã đánh giá sự kiện này trong sách đã dẫn trang 170, 171: “Ta thấy cái can đảm phi thường của ông là biến ngôi trường của chính quyền với lối học khoa cử cổ lỗ thành ngôi trường lớn của Duy tân với sĩ số thật lớn so với thời ấy của một trường ở một phủ: hơn hai trăm người. Trong buổi đầu tiên, đó là con số ngoài ước vọng. Vì ngay như Đông Kinh nghĩa thục sau này tại Hà Nội, nơi tập trung những người ham học mà theo Nguyễn Hiến Lê thì cũng chỉ trên 500 học sinh mà thôi! Như thế ta có thể ước lượng dư luận của tỉnh xôn xao tới đâu. Sau đó cũng với tư cách giáo thọ đi hô hào việc học, ông đã đến các làng, mời các thân hào nhân sĩ đến tại đình để cổ động cho tân học, mở trường dạy Quốc ngữ, chữ Pháp... Những buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh và ông giáo thọ Thăng Bình đầy nhiệt huyết đã gây những xúc động trong hàng ngũ thân hào nhân sĩ rất mạnh. Họ bị lôi cuốn bởi những lời biện luận chặt chẽ, hùng hồn, hay chân thành thân mật, họ tự động đứng lên, kẻ góp của người góp công, lấy đất học điền của xã cho thuê rồi dựng nên những ngôi trường Duy tân trong các làng xóm cổ lổ...”.

Tại Thăng Bình, Giáo thọ Trần Quý Cáp đã sáng tác bài ca khuyến học để phổ biến: Nước ta học vấn thế nào/ Chẳng do bỏ dại lẽ nào nên khôn/ Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta/ Sách Âu Mỹ sách China/ Chữ kia nghĩa nọ dịch ra tỏ tường.

Cũng vào thời gian này ở nước ta có một số sĩ phu tân học có tinh thần vọng ngoại muốn nhờ người nước ngoài giúp đỡ đề đánh đuổi thực dân. Trần Quý Cáp sợ bệnh vọng ngoại này có thể dẫn đến “dịch chủ vi nô” nên đã viết bài “Sĩ phu tự trị luận” để cảnh báo, vì theo ông “muốn trị bệnh cuồng nhiệt vọng ngoại ngoài phương thuốc tự trị không gì hơn” (Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu truyện Thai Xuyên Trần Quý Cáp).

Luận điểm của vị Giáo thọ Thăng Bình ngày ấy hơn 100 năm sau vẫn còn nguyên giá trị.

Việc làm của Trần Quý Cáp ở Thăng Bình để phổ biến tân học, vận động Duy tân được quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ, đã gây tiếng vang lớn, làm cho “bọn thủ cựu ngó nghiêng con mắt, nhà cầm quyền xem như kẻ thù”. Vì vậy chỉ sau hơn một năm bị đổi vào Khánh Hòa (tháng 2-1908) ông đã bị kết tội “... là người trong khoa mục, dám mưu toan làm việc bất quỹ, trước cùng Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh lén theo nước khác, mưu làm phản nghịch tuy mưu mà chưa thực hành... vả lại thân làm sư phạm mà ép người cắt tóc, gần đây gây nên đảng Nam Nghĩa làm càn (chống thuế - NV)...”. (Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, trang 105).

Cuối cùng, ngày 17-5-1908, ông bị đưa ra pháp trường, làm nên bản án “Mạc tu hữu” nổi tiếng trong lịch sử. Những hạt giống ông đã gieo vào ngày ấy ở Thăng Bình, sau này đã nảy mầm, phát triển và đơm hoa kết trái trên vùng đất cằn nhưng giàu truyền thống này.

Năm Bính Ngọ 1906, vì thế, được xem là  một mốc son trong lịch sử giáo dục Thăng Bình nói riêng và lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Quảng Nam nói chung.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.