Chuyện xưa xứ Quảng
Hoàng Sa trời nước mênh mông...
Người lính Hoàng Sa xưa ra đảo luôn mang theo bên mình chiếc chiếu để sống thì nằm, chết thì bó chôn “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Họ vâng lệnh vua giữ yên biển đảo, dù có thể một đi không trở lại “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” hay “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.
Thả thuyền giấy và hình nhân xuống biển tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. (Nguồn: dddn.com.vn) |
Người đi không về, người ở lại chờ mãi, chờ mãi… nếu sau 6 tháng mà vẫn bặt vô âm tín thì người ở lại đành đi rước thầy pháp về làm các thủ tục tâm linh cho người ra đi. Theo lời các bậc cao niên trong làng An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trước tiên bà con lên tìm đất sét trên núi Giếng Tiền về trộn với bông gòn, bỏ vô cối giã thật nhuyễn. Thầy pháp dùng thân cây dâu làm hình nhân với bộ xương gồm đủ chân tay và cả xương sườn rồi đắp thịt bằng đất sét trộn bông gòn để không bị nứt nẻ; gắn tim, gan bằng hạt cây đu đủ tía. Cuối cùng, người ta đặt hình nhân vào một chiếc quách nhỏ, sẵn sàng cho thầy pháp làm phép “gọi hồn nhập xác”. Khi được cho là hồn đã “nhập” xong, hình nhân được mang ra nghĩa địa.
Hạ áo quan xuống huyệt, tưởng đâu mọi việc đã xong. Nhưng chưa, còn một thủ tục hệ trọng cuối cùng nữa. Thầy pháp bắt một con gà chân vàng, bịt mắt nó lại, hễ thấy nó mổ xuống chỗ nào thì lấy đất chỗ đó bỏ vào bụng hình nhân. Tất nhiên cũng có mấy chú gà suốt từ sáng tới gần chạng vạng tối vẫn chưa chịu mổ, thầy pháp buộc lòng phải lấy cây đập lên mình nó để “nhắc nhở” nó mổ cho thầy hoàn tất lễ táng. Và thế là một ngôi mộ gió mới ra đời, đánh dấu những gì còn lại của người binh phu bỏ mình giữa trùng khơi dậy sóng…
Hầu hết những người lính Hoàng Sa xưa “một đi không trở lại”. Họ như những vị dũng tướng từ đất liền ra trấn giữ hải đảo của Tổ quốc. Sinh vi tướng, tử vi thần - sống làm tướng, thác làm thần, linh hồn họ nương theo khói sóng quay về quê nhà và để lại những dấu ấn tâm linh trong lòng người dân Lý Sơn.
Cụ Võ Hiển Đạt là người giữ “kỷ lục” về thời gian “trụ trì” ở Âm Linh Tự - ngôi đền được cho là thiêng nhất ở thôn Tây An Vĩnh hiện nay. Cụ kể, để tưởng nhớ những chiến sĩ vị quốc vong thân, dân làng xây một đài chiến sĩ trận vong ngay trước Âm Linh Tự. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm đó khách từ đất liền ra khá đông, ban tổ chức đang lo không biết lấy gì che rạp tránh nắng thì đến chiều, có người vào Âm Linh Tự thưa với ban tổ chức xin cúng một bè tre 60 cây. Hỏi ra, không biết bè tre từ đâu dạt vào bờ đá. Khách thấy rờn rợn da gà khi nghe kể 2 năm trước cũng một lần như thế, không rõ tre từ đâu cứ đến cận kề ngày lễ lại dạt về.
Lễ khao lề thế lính được tổ chức ở Lý Sơn vào giữa tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm khao quân, tế sống, và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ được triều đình giao phó ở Hoàng Sa, Trường Sa. Trong lễ độc đáo duy nhất Việt Nam này có phần “thế lính”, đó là việc các thầy pháp “yểm” vào các hình nhân và các thuyền giấy; mỗi hình nhân tương ứng với một người lính và mỗi thuyền bằng giấy tương ứng với một chiếc thuyền ngoài đời.
Thuyền giấy mỗi khi làm lễ tế thả xuống biển, cụ Đạt đều làm sổ nhật trình ghi rõ họ tên, ngày xuất hành bằng chữ Hán. Có lần, mọi người lội xuống nước dìu thuyền ra gần đến bờ đá ngang chân cầu cảng thì tất cả không chịu ra biển mà cứ quay vào hết. Mọi người sợ xanh mặt, bởi lâu nay chưa bao giờ xảy ra chuyện lạ lùng như thế. Cụ Đạt sực nhớ quyển sổ nhật trình cụ còn để trong Âm Linh Tự, bèn lật đật lấy mang ra cầu cảng đặt lên thuyền. Chỉ chờ có thế, mọi việc trở nên tốt đẹp, như cha ông thường nói - thuận buồm xuôi gió.
Các vị “hùng binh” (chữ dùng của vua Tự Đức) Hoàng Sa, Trường Sa xưa nay hiển linh có tiếng. Người dân Cù Lao Chàm ở Hội An, Quảng Nam, kể rằng, họ nhiều lần thấy thuyền tế “thế lính” trôi dạt ra ngoài đó. Định vớt các thứ lễ vật trên thuyền lên ăn chơi, nhưng chạy tàu đến gần thì nghe trống kèn đờn sáo vang dội khắp mặt biển mà ngó quanh trên thuyền tịnh không một bóng người. Chỉ còn biết xanh mặt bỏ chạy…
Người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa. Câu ca não lòng này đã vận vào số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa từ 400 năm trước, trong hàng vạn người ra đi, không phải ai cũng may mắn trở về.
VIÊN PHÚC QUÂN