Chuyện xưa xứ Quảng

Quan xưa xử án

16:37, 01/08/2014 (GMT+7)

Dân gian có nhiều chuyện kể về tài xử án của các quan xưa. Dưới đây là mấy chuyện xử án trên đất Hòa Vang xưa, do ông Nguyễn Văn Chính (Năm Chén) hiện ở thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, kể.

Ông Năm Chén còn nhớ nhiều chuyện trên đất Hòa Vang xưa. Ảnh: V.P.Q
Ông Năm Chén còn nhớ nhiều chuyện trên đất Hòa Vang xưa. Ảnh: V.P.Q

Anh thử tài em

Làng Yến Nê xưa có hai anh em nhà nọ. Người anh học giỏi, làm bài giùm cho người ta thì người ta đậu, mà làm bài cho mình thì thi cả 3 keo đều rớt. Người em chữ nghĩa chẳng là bao mà thi là đậu cú một, được bổ ra làm quan, nghe đâu ở vùng đất kẹp giữa Biển Đông và sông Hàn, ngày nay có tên là Sơn Trà.

Văn chương phú lục chẳng hay. Trở về làng cũ học cày cho xong. Người anh về làm ruộng, mấy năm sau già sọm người. Ngẫm thân lại buồn, bữa nọ anh đánh liều đi tới cửa quan thăm thằng em một bận để xem nó giỏi cỡ chi mà may mắn quá chừng. Anh giả làm hành khất, mặc bộ đồ gần chục miếng vá, đội sụp cái nón cời, đứng trước cổng chờ. Một lát thấy em bệ vệ đi ra, bèn sụp xuống:

- Bẩm quan, con cực khổ không nhà không cửa, xin được mấy lon gạo giấu dưới gốc đa thì nửa tháng trước bị gió thổi đổ cây, không còn cái chi để nấu cháo qua ngày. Con nghe tiếng quan là người giỏi giang, xin quan giúp con với.

Quan không nhận ra anh mình, cám cảnh người ăn xin, bụng muốn giúp nhưng nghĩ rằng, nếu mình xuất của kho mà cho thì mắc tội xâm phạm công quỹ. Ngẫm ngợi một lát, quan cho gọi hết thảy bọn thuyền chài quanh vùng lại hỏi:

- Cách đây chừng nửa tháng có cơn gió mạnh. Hôm đó các ngươi đi thuyền thì trông vào gió hướng nào để tránh tai nạn?

Bọn thuyền chài, tùy vào vị trí thuyền mình trên sông, trên biển, người nói trông có gió Đông, người nói gió Nam… nghĩa là loạn xạ các hướng.

Để cho bọn họ cãi cọ một hồi, quan cuối cùng mới lên tiếng:

- Các ngươi trông chờ quá nhiều hướng gió, ông trời không biết làm thế nào để đáp ứng lời khấn nguyện của các ngươi nên ổng làm cái gió xoáy để khỏi phải kiện tụng phiền phức. Cũng vì cái gió kinh hồn đó mà ông này bị đổ gạo (quan chỉ vào người hành khất), không còn chi để nấu cháo. Chừ các người phải liệu mà đền lại cho ổng.

Lời quan đầy uy lực, lại có lý có tình nên bọn thuyền chài hoan hỉ góp mỗi người một ít. Người anh vui vẻ ra về, trong bụng phục tài thằng em sát đất, so với mình nó có thua chút ít chữ nhưng cái tài làm quan của nó thì mình không theo kịp được.

Ăn tiếng chả, trả tiếng tiền

Một anh người làng Cẩm Nê quá nghèo, hằng ngày chở chiếu làng mình làm đi bán dạo, mang cơm theo để đỡ tốn kém. Hôm đó hết cả mắm muối, đến trưa không biết lấy chi để đưa miếng cơm vô bụng, thấy bên đường có quán treo lủng lẳng mấy đòn chả, bèn tới bảo chủ quán “cho một đòn”.

Anh cầm đòn chả lên, mỗi lần bỏ cơm vô miệng là nhìn đăm đăm rồi hít hà một phát, mượn hơi chả để nuốt trôi miếng cơm. Xong xuôi bữa ăn kham khổ, anh để lại đòn chả, toan ra đi thì bị bà chủ níu áo quyết đòi tiền chả cho bằng được. Anh cự lại:

- Tui chỉ coi sơ qua thôi rồi trả lại chứ có mua mô mà bà bắt phải trả tiền?!

Chủ quán là tay không vừa:

- Anh đừng giỡn mặt nghe. Hít hà mất hết mùi thơm đòn chả của tui thì còn bán cho ai được. Cái ngữ khố rách áo ôm thì cam phận cho rồi, còn bày đặt nem với chả.

Anh bán chiếu giận bầm gan tím ruột, nhưng biết thân phận mình, lẳng lặng muối mặt bỏ đi. Mụ chủ quán vẫn không tha, quyết đâm đơn kiện tới bến. Quan thụ lý vụ việc, cho lính gọi anh bán chiếu lên. Sau một hồi hỏi han, tìm hiểu, quan biết anh này nhà quá nghèo khổ, chỉ có mỗi tội là quá thực thà, còn mụ chủ quán thì rõ là tay đáo để. Quan ra trước án, hỏi:

- Anh kia, trong khi ăn cơm anh có cầm đòn chả của chủ quán lên ngửi không?

- Bẩm quan có ạ. Anh nhà nghèo khúm núm thưa.

- Vậy thì đúng rồi, còn kêu ca gì nữa. Anh phải trả cho chủ quán một đồng tiền.

- Dạ bẩm quan, con đi bán chiếu dạo, đồ ăn còn không có thì làm răng có tiền để trả ạ. Với lại, lạy quan lớn, xử như rứa thì oan cho con quá.

- Không oan đâu. Nhưng ta thấy anh đúng là không có tiền thiệt. Thôi, ta rộng tình cho anh mượn một đồng tiền đây.

Nói rồi, quan quay sang chủ quán:

- Ngươi kiện anh này vì tội ngửi đã lấy hết mùi chả của ngươi mà không trả tiền. Thì đây, ta cho anh ta mượn một đồng tiền mà trả ngươi vậy.

Dứt lời, quan thả đồng tiền xuống nền gạch, cả phòng bật lên tiếng kêu khô khốc của kim loại. Chủ quán vừa lạy tạ quan vừa khúm núm định đến nhặt đồng tiền, nhưng mới nửa chừng thì quan thét lớn:

- Dừng lại ngay! Anh kia ngửi mùi chả. Ngươi nghe tiếng tiền. Ăn tiếng chả, trả tiếng tiền. Vậy là sòng phẳng đâu vào đó rồi.

Quan sai lính hầu nhặt tiền cất vào kho. Anh bán chiếu tạ ơn quan, vui vẻ ra về. Còn mụ chủ quán thì phải móc hầu bao trả tiền án phí, tiu nghỉu ra về, bụng bảo dạ: Biết quan giỏi rứa mình ngu chi kiện…

VIÊN PHÚC QUÂN

.