Chuyện xưa xứ Quảng

Nhà hùng biện Phan Châu Trinh

07:22, 22/03/2014 (GMT+7)

Phan Châu Trinh là nhà đại hùng biện lại có cái khí phách ngang tàng không biết sợ là gì. Ông lại được thừa hưởng lối nói “toạc móng heo” của người Quảng nên những kẻ cường quyền dẫu là ta hay tây khi tranh biện với ông đều phải “cứng họng” vì lối nói “móc họng” của ông.

  Nhà hùng biện Phan Châu Trinh (1872-1926)
Nhà hùng biện Phan Châu Trinh (1872-1926)

Chuyện thứ nhất được Nguyễn Văn Xuân kể lại trong cuốn Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng, 1996.

Vào khoảng năm 1903-1904, khi đang làm Hành tẩu Bộ Lễ (một chức quan nhỏ) ở Huế, Phan Châu Trinh cùng một số nhà Nho thức thời thường đến nhà Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ để đọc “Tân thư” và bàn luận với nhau. Một lần đang tranh luận sôi nổi thì có quan Ngự sử họ Huỳnh đến (Ngự sử là chức quan lớn chuyên đàn hặc (đem việc phạm pháp ra mà nói, để cảnh cáo, luận tội - ĐNCT) các quan và can gián nhà vua). Không muốn quan Ngự sử biết họ đang bàn luận về “thời sự nhạy cảm” nên các nhà Nho chuyển sang bàn chuyện văn thơ của Âu Dương Tu và Tô Đông Pha, là hai đại văn hào nổi tiếng đời Tống. Nghe các nhà nho trẻ bàn luận sôi nổi thơ văn Âu - Tô, quan Ngự sử liền lên mặt bảo:

- Các anh có phải Âu, Tô, sao dám bàn văn Âu, Tô?

Bị quan Ngự sử “đàn hặc” ai cũng xanh mặt. Chỉ có Phan Châu Trinh là điềm nhiên tự tại, sau đó ông tiến lên chào và trả lời quan Ngự sử:

- Sao ngài lại nói thế. Không phải là Âu, Tô thì không được bàn văn Âu, Tô như vậy thì chức Ngự sử triều đình của ngài cũng chỉ là hư thiết thôi sao!

Trời! Chức Ngự sử của triều đình lập ra không thực tế. Thằng cha này hỗn và phạm thượng quá cỡ. Nhưng Ngự sử Huỳnh cũng nén sự tức giận và  hỏi lại:

- Anh nói thế nghĩa là gì?

Phan Châu Trinh ung dung đáp:

- Không phải Âu, Tô không bàn chuyện Âu Tô; không phải Thiên tử không nói việc Thiên tử, không phải Tể tướng không dám bàn việc Tể tướng thì chức Ngự sử không phải hư thiết hay sao?

Cả mọi người nghe lối lập luận chắc như đinh đóng cột ấy của họ Phan đều cùng cười ồ cả lên. Quan Ngự sử lấy làm thẹn nhưng “cứng họng” không cãi vào đâu được. Tội nghiệp cho viên Ngự sử họ Huỳnh lần đó đã vô tình “chọc giận” nhà “hùng biện số một” của nước ta!

Chuyện thứ hai do Phan Khôi kể trong bài “Nhớ ngày 24-3 Tây Hồ Phan Châu Trinh” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 44 ngày 20-3-1930.

Sau khi từ chức Thừa biện Bộ Lễ ở Huế vào cuối năm 1904, Phan Châu Trinh bôn ba khắp chốn để kết giao đồng chí, vận động cho phong trào Duy tân. Lúc này Vương Duy Trinh (người Hà Nội) đang làm Tổng đốc Quảng Nam. Một lần ông đến ngay dinh Tổng đốc để vận động. Gặp Phan Châu Trinh, Tổng đốc họ Vương bực mình liền hách dịch bảo:

- Ông đã cáo quan về rồi, sao không yên phận ở nhà làm ăn mà cứ đến tỉnh đến phủ làm gì cho nhọc và phiền phức?

Phan Châu Trinh liền chửi thẳng: “Làm ăn hay không làm ăn thì tôi no hay đói, song quan lớn tưởng tỉnh này là của quan lớn hay sao? Tỉnh Quảng Nam là tỉnh của dân Quảng Nam, vậy tôi cũng là người chủ tỉnh này vậy, tôi muốn đến lúc nào thì đến. Đến để làm gì? Đến để xem xét công việc của các quan làm: Các quan làm phải thì thôi còn như các quan làm bậy thì dân chúng tôi can thiệp vào”.

Lần đó Vương Duy Trinh chỉ biết há mồm ngồi nghe rồi tiễn ông ra về mà không dám nói thêm một lời. Vô phúc cho vị “tổng đốc đại thần” lần đầu nếm phải giọng lưỡi của “nhà dân quyền” hàng đầu Việt Nam.

Quan ta cứng họng với Phan Châu Trinh đã đành, quan tây cũng chịu chung số phận mới là lạ. Chuyện này lại do Hồ Ngận kể, theo cuốn Quảng Nam Xưa&Nay, NXB Thanh Niên, 2004.

Cuối năm 1906, sau khi sang Nhật Bản và lưu lại đây 10 tháng để tìm hiểu tình hình và bàn chuyện đại sự với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh về lại Hà Nội. Thống sứ Bắc Kỳ liền có giấy mời Phan Châu Trinh đến để điều tra việc đi Nhật nhưng cốt ý để răn đe. Phan Châu Trinh ung dung đến ngay tòa Thống sứ. Khi vào phòng làm việc, viên Thống sứ Bắc Kỳ làm mặt lạnh không mời Phan Châu Trinh ngồi. Nhưng Phan vẫn thản nhiên ngồi ngay vào ghế. Thấy thái độ hiên ngang của Phan Châu Trinh, viên Thống sứ vừa nể nhưng cũng vừa bực liền bảo:

- Theo phép xã giao thông thường, khi nào chủ nhân mời thì khách mới ngồi. Ông là người trong khoa hoạn và quan trường mà sao không biết giữ phép xã giao, tôi chưa mời đã vội ngồi ngay xuống ghế?

Phan Châu Trinh thản nhiên hạch lại:

- Thưa ngài Thống sứ, tôi xin hỏi ngài, ở cái nước Việt Nam này, tôi và ngài thực sự ai là chủ và ai là khách? Xin ngài hãy nghĩ lại cho kỹ trước khi nói!

Thật “chuẩn” không còn chỗ nào để “chỉnh”!

Viên Thống sứ “cứng họng” nên làm thinh nhưng lòng hết sức nể phục viên Phó bảng tài năng nhưng cứng đầu cứng cổ bậc nhất của xứ thuộc địa Đông Dương!

Chính nhờ thái độ “đường đường chính chính” này của Phan Châu Trinh mà thực dân Pháp không bắt tội ông được.   

Với khí phách ngang tàng, lối lý luận sách hoạch; bằng tinh thần tự chủ, tư tưởng dân quyền và tầm nhìn xa rộng, Phan Châu Trinh  xứng đáng “là nhà cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam” như đánh giá của người bạn chí cốt của ông, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, và vì thế ông đã trở thành “bất tử” trong lòng hậu thế!

LÊ THÍ

.