Chuyện xưa xứ Quảng

Sông Ly Ly đổi dòng

16:57, 29/08/2014 (GMT+7)

Hương Quế (nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) là một trong những ngôi làng tiền hiền của đất Quảng. Làng hình thành vào thời nhà Hồ (1401-1407) với việc Phạm Nhữ Dực, con thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão - người được Hồ Hán Thương cử làm Bình Chiêm đô úy vào năm 1402, chọn làm nơi an nghỉ của mình vào năm 1409 và xem đây là quê hương thứ hai của tộc Phạm tại xứ Đàng Trong.

 Dòng chảy mới của sông Ly Ly ở phía đông cầu Hương An.
Dòng chảy mới của sông Ly Ly ở phía đông cầu Hương An.

Cùng an nghỉ tại đây có cháu 4 đời của Phạm Nhữ Dực là Phạm Nhữ Tăng - người được vua Lê Thánh Tông cử làm Tổng chỉ huy quân thủy bộ trong cuộc bình Chiêm năm 1471 và sau chiến thắng được cử làm Đô ty Quảng Nam, cai quản vùng đất từ sông Bà Rén đến đèo Cù Mông.

Truyện kể, khi Phạm Nhữ Tăng mất vào ngày 21-2-1478 được an táng ở Xà Trường Thành (Bình Định). Sau đó, vua Lê cho quan Thái lý về Hương Quế tìm mộ tốt để cải táng. Sáu tháng sau, Thái lý tâu về là đã tìm được huyệt mộ “lục long tranh châu” bên dòng Ly Ly dưới chân núi Quế nên nhà vua ra lịnh cho cải táng. Lễ rước hài cốt của Phạm Nhữ Tăng diễn ra rất trọng thể. Đích thân nhà vua vào chủ trì lễ  và ban tặng câu đối hiện còn tại lăng mộ họ Phạm:

Nghĩa sĩ uẩn cơ mưu, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc/ Miếu đài khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang.

Làng Hương Quế cũng được một số người cho là “làng tổ” của “cãi Quảng Nam” vì đây là nơi định cư của Nguyễn Văn Lang, người đã từng “cãi” lại vua, không chịu vào chầu và “dạy” cho vua về “nghệ thuật trị dân”:

 Nguyễn Văn Xuân viết trong cuốn Phong trào Duy Tân (NXB Đà Nẵng, 1996, tr. 71, 72): “Nguyễn Văn Lang  làm quan đến Thừa tướng Thượng tể, chị làm cung phi đời vua Tương Dực (Hồng Thuận) nhà Lê. Ông biết Mạc Đăng Dung sắp cướp ngôi vua, nhân vua mời vào triều, ông không đi, lại dâng điều trần bình trị gồm 14 điểm, trong đó có những điểm triều thần cho là muốn dạy vua nên khuyên vua đừng nghe. Lẽ tất nhiên ông biết mình không nên sống ở Bắc phải xin vua cho di dân vào Nam khai thác biên thùy. Ông lập xã Hương Ly ở Quảng Nam rồi ở luôn tại đó. Với những vị (thủy tổ) có thành tích cãi vua cỡ đó thì có lẽ trong bản chất người Quảng đã có máu cãi”.

Con trai của Nguyễn Văn Lang là Nguyễn Ngọc Thanh hiện là một trong tam vị tiền hiền của làng (cùng Phạm Nhữ Tăng và Trần Văn Chơn). Không những mộ của Phạm Nhữ Tăng có thế long mạch mà nhiều người còn cho rằng cả làng Hương Quế đều có thế “đắc địa”. Long mạch từ Hòn Tàu đổ xuống những ngọn đồi thấp dần ở vùng Quế Hiệp, gặp sông Ly Ly từ Vũng Chè chảy về phía tay phải ngoằn ngoèo dưới chân núi Quế, làm thành “hộ tống thủy”, qua trước Bàu Sanh làm thành “tiền án tụ thủy”. Xa về phía đông là cánh đồng lúa bằng phẳng rộng lớn, xanh rờn có thế như một biển lớn. Đúng là thế đất “rồng gặp biển”, ra sức mà vẫy vùng.

Ly Ly là sông chính của huyện Quế Sơn, còn gọi là sông Rù Rì vì hai bên sông và bãi bồi giữa sông có mọc nhiều cây rù rì, một loại thực vật cao chỉ độ 2 - 3 mét, nhưng có bộ rễ rất dài cắm sâu xuống đất; lại là loại cây có sức sống mãnh liệt, ngâm mình dưới nước nhiều ngày vẫn không chết. Rù Rì phát nguyên từ núi Hòn Tàu chảy trên địa phận phía tây nam huyện, theo hướng tây nam - đông bắc. Sông đổ nước vào sông Bà Rén, nơi giáp giới giữa xã Duy Thành và Bình Giang .

Nhiều người cho rằng dòng chảy của sông hiện nay là kết quả của một lần đổi dòng của sông vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Trước đây sông chảy đến vị trí Vũng Chè (cách ngã ba Hương An khoảng 1km về phía thượng lưu) thì rẽ về phía tay trái, ngoằn ngoèo dưới chân núi Quế,  qua trước Bàu Sanh, ra phía cống Ba (Mộc Bài) bồi đắp một dãi đồng bằng rộng lớn màu mỡ rồi mới chảy về phía đông nhập vào sông Bà Rén. Lúc này tàu thuyền từ biển có thể vào sông Bà Rén rồi theo sông Ly Ly lên đậu ở Bàu Sanh dưới chân núi Quế.

Chuyện kể, một người con gái tộc Phạm của làng Hương Quế làm dâu về vùng đông của huyện Thăng Bình. Thấy quê chồng toàn đất cát khô cằn, dân cư nghèo khó, bà chạy về xin ý kiến của cha vốn là một vị quan giỏi và nhân hậu, để khơi một con kênh dẫn nước từ sông Ly Ly về tưới cho quê chồng. Người cha đồng tình ủng hộ. Con kênh được khơi ngay nơi khúc uốn sang phía tay trái của sông Ly Ly. Một năm lụt lớn, nước sông chảy đến khúc uốn, lại dồn hết nước theo con kênh rồi phá con kênh thành dòng chính đổ thẳng ra biển. Dòng sông cũ trở thành dòng phụ, nước chảy ngược hướng cũ đổ vào dòng chính. Từ đó dòng phụ của sông ngày càng bị thu hẹp, Bàu Sanh dần cạn nước.

Có người cho rằng việc khơi con kênh làm sông Ly Ly đổi dòng là một “sự cố đặc biệt” mang tính “định mệnh”. Thủy pháp của vùng không còn phù hợp vì thế vùng đất này cũng như mồ mả một số dòng tộc không còn giữ được thế “đắc địa”, “phong thủy” để “hưng phát” như ngày trước.

Chuyện dân gian là vậy nhưng xét cho cùng “dâu bể” vẫn là lẽ thường của tạo hóa và “thịnh suy” là quy luật muôn đời của các dòng tộc. Người dân Hương Quế vẫn luôn tự hào quê mình là vùng đất “tiền hiền” của xứ Quảng và dòng họ Phạm - một trong ba tộc họ tiền hiền của làng, theo “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân” của Lâm Hoài Nam (1959), là dòng tộc đã giữ gìn được trọn vẹn những giá trị vô giá của tổ tiên với bộ gia phả đầy đủ nhất của xứ Đàng Trong và 6 tờ sắc phong từ các thời Lê, Nguyễn trong đó có đại ấn Đế mạng chi bửu của vua Lê Thánh Tông và Chế mạng chi bửu của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ.

LÊ THÍ

.