Thôn Phú Mỹ - Đông Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc có một khoảng đất trống, nằm cạnh chiếc hồ rộng, người dân gọi là cồn Văn Thánh. Nơi đây, một miếu lớn gắn với nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa đã được xây mới...
Văn thánh làng Gia Cốc được tái thiết ngay trên địa điểm cũ. Ảnh: N.H.T |
Văn thánh và Nghĩa trủng
Sau biến cố ngày 23-5 Ất Dậu (1885) vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế, được Tôn Thất Thuyết phò tá ra Tân Sở (Quảng Trị) và xuống chiếu Cần Vương, chiêu dụ nghĩa sĩ chống giặc, cứu nước.
Ở Quảng Nam, dưới sự chỉ đạo của Chánh sơn phòng sứ Trần Văn Dư và người kế nhiệm sau này là Nguyễn Duy Hiệu, Nghĩa hội Quảng Nam đã thành lập, với mưu cầu tổ chức kháng chiến chống Pháp lâu dài. Người Đại Lộc trong thời kỳ này đã chiến đấu chống giặc kiên cường suốt 3 năm với nhiều trận đánh nổi tiếng như: Phong Thử, Vân Ly, Gò Muồng, đồng Gia Cốc…
Theo những người già ở làng Phú Mỹ - Gia Cốc (nay là thôn Phú Mỹ - Đông Gia), trong trận đồng Gia Cốc, nghĩa quân với vũ khí quá thô sơ, chiến thuật lạc hậu đã chịu thất bại trước vũ khí hiện đại lại chủ động phục kích trước. Một nho sĩ đương thời đã có câu đối cảm thán: Quân tả tây kéo thắng hai tua, lên trăm hai xuống cũng đủ trăm hai, trách trời đất nỡ sao binh vị nó!/ Đồng Gia Cốc thử chơi một trận, chết hăm mốt bị thương hơn hăm mốt, nợ quân vương trả bớt bấy nhiêu người.
Người ta còn kể rằng, đêm trước khi xảy ra trận đánh, nhân dân các làng Gia Cốc đã giết heo, bò để khao cho nghĩa quân. Từng nhà đã nấu cơm xôi bó vào mo cau để nghĩa quân lót dạ trước khi xung trận. Trận đánh diễn ra nửa buổi sáng, quân Nghĩa hội áo chàm, chân đất, quấn đầu khăn đỏ, gươm giáo tuốt trần xông lên giữa đồng. Giặc Pháp chủ động dùng súng máy và súng trường ngắm bắn từ xa, nghĩa sĩ hy sinh và sớm vỡ đội hình, chỉ đưa người bị thương rút về căn cứ ở động Hà Sống. Để tránh sự dòm ngó của bọn hương lý trong làng làm tay sai cho giặc, mãi đến đêm, lợi dụng lúc tối trời, nhân dân kéo ra khiêng xác các nghĩa sĩ về mai táng tập trung vào một chỗ, sau này gọi là Nghĩa trủng.
Từ đó, hằng năm vào ngày kỵ, người dân địa phương thường tổ chức lễ cúng cầu hồn các tử sĩ. Việc cúng bái gặp rất nhiều khó khăn do chính quyền phong kiến thời bấy giờ gọi Nghĩa hội là “giặc” nên không cho phép. Nhiều năm sau, khi xây dựng được miếu Văn Thánh trên cồn đất gần Nghĩa trủng (nhân dân gọi là Cồn Văn Thánh), thì việc cúng tế hằng năm để tôn vinh những người đỗ đạt, người dân đã khôn khéo kết hợp vào việc cầu hồn nghĩa sĩ để tưởng nhớ đến những người đã chẳng tiếc máu xương, vì nước quên thân trong trận đồng Gia Cốc năm xưa.
Từ Nghĩa hội đến các phong trào Duy tân, Đông du
Nghĩa hội tan, nhưng chí khí quật cường chống ngoại xâm thì còn mãi. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi Phan Bội Châu liên kết hào kiệt bốn phương từ Bắc đến Nam để thành lập Duy tân hội, một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước lúc đó, người hào kiệt nổi tiếng vùng đất Nghệ Tĩnh đã nhiều lần đến làng Ô Gia để gặp Đỗ Đăng Tuyển, vị Tán tương của Nghĩa hội năm xưa, bấy giờ là một yếu nhân trong phong trào Duy tân hội.
Người ta kể rằng, vào thời Tự Đức, một nhóm tri thức vùng lưu vực sông Vu Gia (tổng Phú Mỹ) đã thành lập Văn chỉ để có cơ sở hội tụ tri thức nhằm ôn tập và bình văn thơ (như câu lạc bộ bây giờ). Cho đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ thứ XIX, những người đỗ đạt cao của vùng đất này đã đóng góp tiền của xây dựng ngôi miếu Văn Thánh khang trang trên nền đất gần Nghĩa trủng làng Phú Mỹ để thờ đức Khổng Tử, tôn vinh những người hiếu học của địa phương và cúng tế nghĩa sĩ như đã nói trên. Từ đó, địa danh Cồn Văn Thánh ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Cùng với miếu Văn Thánh, vùng đất này còn có một số sự kiện khá lý thú về mái tóc ngắn, trào lưu mặc Âu phục, học chữ quốc ngữ, lập hội thương tín… của phong trào Duy tân và Đông du do các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng.
Năm 1906, cụ Phan Châu Trinh từ Nhật về nước, đến viếng thăm cụ Học Tốn ở làng Gia Cốc, cùng đi có Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác. Cụ Học Tốn bấy giờ có một cơ sở chế biến nông sản thuộc đơn vị kinh tế của hội buôn Diên Phong, một tổ chức của phong trào Duy tân. Trong cuộc đàm đạo, cụ Phan Châu Trinh nói tới việc cắt tóc ngắn, đại ý như: “Việc nhỏ như vậy mà các anh không làm được thì nói gì đến việc lớn”.
Nghe cụ Phan nói vậy, mọi người cảm thấy xấu hổ và thế là tất cả cùng nhờ người con trai cụ Học Tốn mang kéo ra cắt tóc. Cuộc vận động này mấy ngày sau được Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện hưởng ứng rồi trở thành phong trào lan tỏa khắp tỉnh và cả nước…
Một làng quê như Phú Mỹ - Gia Cốc lại có cả Văn thánh lẫn Nghĩa trủng, từng là nơi thu hút, hội tụ những nhân vật kiệt xuất của các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX, quả là hiếm hoi vậy.
NGUYỄN HẢI TRIỀU