Từ thời phong kiến, gành đá Nam Ô được xem là núi cấm - cấm chặt cây, cấm lấy đá. Quy định này được dân làng nhiều đời tuân thủ nghiêm ngặt, ai vi phạm sẽ bị bắt tội. Thậm chí người ta còn cho đây là khu rừng linh, chỉ được sử dụng gỗ cho việc xây dựng đình miếu trong làng.
Bãi Làng phía nam núi cấm - gành đá Nam Ô. Ảnh: V.T.L |
Có nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi quyết định cho phép chặt cây để sử dụng cho việc công của làng xã. Dân gian đồn rằng đó là do thần rừng không thuận ý. Điều ấy giải thích vì sao, trong hoàn cảnh thiếu chất đốt trầm trọng một thời trong sinh hoạt của dân làng mà gành đá Nam Ô vẫn nguyên màu xanh tốt rậm rạp. Nhiều cây cổ thụ vẫn tồn tại từ lúc gành đá được sinh ra trên mặt đất. Người bảo vệ rừng và rừng lại bảo vệ người bằng bức tường thiên nhiên trước những trận cuồng phong bão tố.
Gành đá Nam Ô vốn là núi thấp, nhỏ, chạy từ tây sang đông (từ biển vào đất liền) ước chừng 500m, từ bắc về nam hơn 200m, đỉnh cao nhất 50m so với mặt nước biển. Trên núi đây đó chất chồng nhiều tảng đá to đá nhỏ, mọc nhiều cây gỗ tạp, phía nam có nhiều cây cổ thụ. Nửa phần núi nhoài ra biển, sóng biển xâm thực lâu đời hình thành gành đá bao bọc chung quanh. Đi vòng gành đá từ phía nam ra phía bắc rất khó khăn đối với người chưa từng đi trên những hòn đá lô nhô to nhỏ nối tiếp vô hồi kỳ trận, phải mò mẫm, bu bám, bò leo bám từng tảng đá. Nhưng với người Nam Ô, họ nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác thoăn thoắt như trong phim kiếm hiệp, gọi là nhảy gành.
Cách tốt nhất và an toàn để ta đến được đầu mom xem “sóng phun trong nắng sớm” như tú tài Trần Nhật Tĩnh từng mô tả vào nửa sau thế kỷ XIX trong “Hòa Vang huyện chí”, là đi xuyên rừng.
Từ bãi Làng phía nam leo qua mấy bậc đá lởm chởm là đã vào rừng. Đường mòn trong rừng quanh co, luồn qua những gốc cây cổ thụ, tay vẹt những lùm cây rậm rạp tưởng như kín mít, cho ta cảm giác đang đi giữa đại ngàn thâm u lắm. Đang giữa mùa hè nóng bức, khi đã vào rừng không khí mát dịu làm sao. Hàng ngàn con ve bầu kéo âm thanh chào đón. Có thể đó là hậu duệ của loài “chá thiền tử” - một loại ve sầu khi lột xác cho món ăn độc đáo từng được tiến vua hàng trăm năm trước, được ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí.
Những hoa cẩm nhung đỏ rực treo trên cành cao, những con cánh cam, quýt quýt đa sắc ngời xanh vàng tím ma mị xếp cánh nép trên lá rừng. Nếu may mắn ta sẽ bắt gặp những con sóc chuyền cành, hoang dã làm sao! Đường mòn trong rừng quanh co nhiều lối rẽ, nhưng đi dọc theo mé nam núi, ta sẽ bắt gặp ít nhất hai phế tích của hàng bao thế kỷ trước bị vùi lấp chỉ còn lại nền móng trơ vơ.
Theo truyền thuyết thì phía trong là miếu Bà “Chúa Tiên Thần Nữ” - vị nữ thần bảo hộ dân làng có từ thời các Chúa Nguyễn thế kỷ XVI-XVII. Phía ngoài mé biển có một tàn tích được cho là miếu vọng Công chúa Huyền Trân, điểm ẩn nấp cuối cùng của con gái vua Trần trong cuộc đào thoát khỏi đất Chiêm Thành trước khi lên “thuyền nhẹ” ra “thuyền lớn” giong về cố quốc. Cũng có thuyết cho đây là miếu bà Đại Càn, miếu được dựng từ những thế kỷ xa xưa, khởi đầu cho tục thờ “Đại Càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương” có từ thời vua Trần Anh Tông chinh phục Chiêm Thành năm 1312 (theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Cách miếu này không xa có một hang gọi là hang Cây Bớm, vì trước cửa hang có một cây bớm nhiều gai sắc nhọn. Hang chỉ rộng chừng 2m, sâu hơn 3m, ẩn dưới bụi rậm nên khó tìm. Đây là nơi trú ẩn và hội họp của các chiến sĩ cách mạng và đội du kích thời kháng Pháp. Đã từng có một liệt sĩ thời ấy hy sinh tại đây trước họng súng Tây. Và, rừng gành này cũng là nơi ẩn nấp của các chiến sĩ đặc công khi đánh cảng Tiên Sa, đánh cầu Nam Ô, khi dạt vào đây được người dân giúp đỡ che giấu, sau đó tìm cách đưa về căn cứ an toàn.
Đi trong rừng, dưới tán cây rậm rạp, vượt hơn 200m đường rừng, có gập ghềnh đôi chút để thưởng thức những thú vị từ rừng mang lại - nào hoa lá, nào tiếng chim líu lo, tiếng ve rền vang. Đang có cảm giác giữa rừng đại ngàn bỗng trước mặt là gành đá lởm chởm đủ màu mang dáng vẻ hoang sơ kỳ lạ nhô mình ra sóng nước đại đương sáng lóa dưới ánh mặt trời, sóng vỗ vào gành đá tung bọt trắng xóa, xô vào kẽ đá róc rách vui tai. Nước biển trong vắt mát rượi bên bờ đá lô nhô, mời mọc chúng ta đắm mình vào. Thú vị làm sao!
Trước năm 1975 gành đá Nam Ô có lẽ là một địa điểm duy nhất thường được lính tráng, thanh niên nam nữ học sinh, người dân Đà Nẵng và vùng phụ cận tìm đến khi có nhu cầu thư giãn, trải nghiệm cùng với thiên nhiên. Họ đến đây thưởng thức các món hải sản tươi sống vừa được bắt lên từ biển, trong những hàng quán tự phát dựng trên bãi Làng, bãi Cửa, trên gành đá, tuyệt nhiên không có quán xá nào dựng lên trong rừng. Rừng cấm mà! Vì thế, rừng vẫn giữ được nét nguyên sơ kín đáo, dành cho cuộc hẹn hò của các cặp tình nhân. Để rồi gành đá Nam Ô, được báo chí thời ấy đặt cho tên thật là lãng mạn: Rừng Ái Ân!
ĐẶNG DÙNG