.

Sự tích thần Tam Vị làng Thanh Hà

.

Theo điều tra về thần tích, thần phả làng xã của Viện Viễn Đông Bác Cổ, trước đây làng Thanh Hà có thờ ba vị nhân thần, tên thường gọi là ông Tứ, ông Bích và ông Cụt, gọi chung là Tam Vị.

Du khách học làm đồ gốm tại làng Thanh Hà. (Ảnh minh họa : V.T.L)
Du khách học làm đồ gốm tại làng Thanh Hà. (Ảnh minh họa : V.T.L)

Làng Thanh Hà tọa lạc về phía Tây Bắc của thành phố Hội An, nguyên trước năm 1945 thuộc tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đuờng cũ từ dinh trấn Thanh Chiêm đến Đại Chiêm hải khẩu (Cửa Đại, Hội An).

Tục truyền rằng, ngày xưa trong làng Thanh Hà có người con gái nhà họ Nguyễn gả cho ông Thiệp người làng Đại Lợi, huyện Đại Lộc. Sau khi cưới hai vợ chồng ở lại làng Thanh Hà, một thời gian sống chung thì bà có thai, điều lạ là bà mang thai đến 3 năm mới sinh, càng kỳ lạ hơn, khi lâm bồn bà sinh được... 3 cái trứng. Thấy vậy, hai vợ chồng đều sửng sốt và cho là điều quái dị, bèn lấy ba trứng ấy bỏ vào một cái om thả xuống sông đẩy cho trôi đi, om trứng ấy trôi theo sông Thu Bồn ra tận Cù lao Chàm làng Tân Hiệp thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn.

Sau đó, ba trứng nở được ba ông rắn, ba ông sống nương dựa nơi làng Tân Hiệp, đến khi trưởng thành ba ông rắn tìm đường về quê thăm cha mẹ. Về đến nơi gặp ông Thiệp đang dọn ruộng, ba ông bò luẩn quẩn bên chân, lúc ấy, ông Thiệp cắt cỏ vô tình làm đứt đuôi một ông rắn nhỏ. Về sau, một lần làng cúng tế có người lên đồng kể lại chuyện này cho vợ chồng ông Thiệp và dân làng nghe, dặn rằng dân làng phải làm miếu thờ ba ngài, gọi là miếu Tam Vị. Từ đó ba ông được thờ ở ba nơi là Tân Hiệp, Thanh Hà và làng Đại Lợi.

Sau khi cha mẹ ba ông từ trần rồi, hằng năm đến ngày tảo mộ và ngày kỵ nhật thì ba ông về nằm nơi mộ, hoặc ngày Sóc và ngày Vọng (mồng Một và Rằm - ĐNCT), người dân vào miếu thắp hương lại thấy ba ông rắn rất lớn nằm cuộn tròn trên khám thờ. Tuy nhiên, cách chừng ba, bốn mươi năm nay thì không thấy ba ông rắn nữa.

Người trong làng lại bảo nhau rằng, thỉnh thoảng nếu có luồng gió thổi rất to đi qua làng làm gãy cây cối thì đó là điềm báo ba ông về làng. Ở mộ bà Thiệp thi thoảng có gió thổi cát vun lên mộ thì người ta nói ba ngài về tảo mộ. Năm nào bị hạn to hoặc có dịch bệnh thì làng đến cầu đảo ở miếu Tam Vị và thường có hiệu nghiệm.

Ông Tứ có ba đạo sắc phong vào đời vua Tự Đức năm thứ ba và năm thứ năm, đời vua Đồng Khánh năm thứ hai. Triều đình giao cho làng Thanh Hà thờ phụng thần, làng trích ruộng công đặt làm tế điền, đấu giá lấy bạc mua lễ vật cúng hằng năm vào dịp xuân thu tại miếu Tam Vị. Trong khi cúng tế cũng có những cấm kỵ không được phạm vào, như không được say sưa nói năng to tiếng, thô tục… ngày thường không được nói các từ phạm vào tên húy các ngài, như không được nói từ “cụt”, áo cụt thì nói chệch đi là “áo quạ”. Những người phạm phải điều cấm kỵ phải chịu vạ một mâm trầu cau, rượu, người phạm cấm khi tế xong chờ hội đồng lễ trách phạt, người mắc vạ phải chạy tiền, nếu người nào không tuân theo thì giao lý trưởng trình quan địa phương trị tội, lỗi nhẹ thì tha bổng, lỗi nặng thì có giấy lưu chiếu tại làng.

Sự tích về ba vị thần làng Thanh Hà được chép theo điều tra về thần tích thần sắc làng xã của Viện Viễn Đông Bác Cổ như thế. Tuy nhiên, miếu Tam Vị làng Thanh Hà hiện không còn nữa và tất nhiên, lệ cúng ba vị thần này cũng không còn được dân làng bảo lưu như ngày trước.

NGÔ ĐỨC CHÍ

;
.
.
.
.
.