.

Dấu tích tháp Hời

.

Các cụ lão làng người Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, từng chứng kiến một nhóm hai tháp Hời tồn tại giữa núi Xuân Dương và núi Ghềnh Nam Ô. Đến những năm 50 thế kỷ trước, những người ít tuổi hơn vẫn còn thấy tháp như một gò gạch cao đã sụp đổ nằm trong khu rừng còn rậm rạp cây cối.

Bình phong của ngôi miếu cổ, nơi tìm thấy nhiều vật liệu gạch đá được dùng lại từ tháp Hời cổ. Ảnh: V.T.L
Bình phong của ngôi miếu cổ, nơi tìm thấy nhiều vật liệu gạch đá được dùng lại từ tháp Hời cổ. Ảnh: V.T.L

Nhóm tháp ấy ở về phía bắc làng Nam Ô, bên bờ nam cửa sông Cu Đê cổ. Có nhiều đường đi đến nơi này, nhưng “ngã ba đường tháp” từ hướng làng Nam Ô lên được chọn nhiều hơn và cái tên gọi này vẫn tồn tại đến bây giờ, nó gợi lên cảm xúc gì đó hợp tình cảnh hơn khi tìm đến dấu tích tháp Hời.

Nơi được cho là nhóm tháp Hời từng tồn tại là một khoảng đất cao, bằng phẳng rộng chừng một sân bóng đá cách bờ biển non 100m, phía đông là đồn biên phòng đã dời đi nơi khác, phía tây là núi Xuân Dương bể nát, lở lói. Hướng bắc nam chung quanh nhà ở của dân cư san sát. Trên mặt đất rộng ấy không còn gì có thể xác định chính xác nền móng tháp ở chỗ nào, chỉ thấy gạch Hời không nguyên vẹn và nhiều mảnh đá sa thạch bể nát vương vãi trên toàn mặt sân.

Dưới chân gò đất ấy, về phía nam, là một ngôi miếu cổ hoang tàn, có niên đại xây dựng còn lưu khắc trên đòn đông từ năm Tự Đức thứ 16 (1863). Ta thấy toàn bộ vật liệu đá gạch xây nên ngôi miếu này đều dùng lại từ tháp Hời cổ. Những phiến đá sa thạch rộng bản còn rõ vết chế tác được dùng kè móng, những viên gạch vuông đặc trưng Hời dùng xây tường bao quanh miếu rành rạnh dưới mắt nhìn. Có một số phiến đá sa thạch vuông vức khác nằm lăn lóc bên hè miếu. Điều này chứng tỏ tháp Hời đã đổ nát từ lâu, trước cả năm 1863 ấy.

Chỉ danh khảo cổ gọi tháp này là tháp Xuân Dương, theo các cụ, khoảng năm 1942 - 1943 gì đó, đã được người Pháp đào thám sát. Địa điểm đào cách xa tháp cả 50-60m về hướng đông nam. Cũng theo các cụ, lần đó người Pháp đã chở về Tua-ran nhiều tượng đá trên 5-6 xe trâu. Hiện nay trước sân Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn trưng bày một bệ thờ có chân đế rộng 1,2m x 1,2m, bốn mặt khắc 4 con voi trong tư thế quần thảo. Các nhà nghiên cứu cho biết đó là hiện vật điêu khắc Chăm độc bản của tháp Xuân Dương được xây dựng trong khoảng thế kỷ IX hay X.

Gọi tên tháp Xuân Dương bởi vì hiện vật ấy được xây dựng trên đất làng Xuân Dương, nhưng từ xưa người dân ở đây đã gọi là tháp Trà Bì theo cách gọi của người Chàm (từ địa phương gọi người Chăm) truyền lại trong chuyện kể dưới đây.

Ngày xưa, nơi đây là động Trà Bì. Một lần bị tấn công, quân dân ở đây chạy tán loạn, có người đi báo cho mọi người trong vùng và cho cả quan trên: “Liên xiên xấp xí loạn xị xà bì” với giọng ngọng nghịu như người lính Chàm nói tiếng Việt. Câu ấy phát âm Hán Việt là “Huyên thiên xích xí, loạn xạ Trà Bì”, dịch ra tiếng Việt là “Đầy trời cờ đỏ, bắn loạn ở Trà Bì”.

Chuyện này, có cụ bảo xuất xứ từ việc năm 1471 vua Lê Thánh Tôn chinh phạt Chiêm Thành, tướng Cang Viễn tấn công, bắt sống viên lại người Chàm giữ cửa quan Cu Đê, nay thuộc đất Nam Ô. Dân chạy tán loạn và bảo nhau bằng giọng ngọng nghịu như thế.

Cũng có cụ bảo câu nói ngọng nghịu này có xuất xứ từ thời quyền thần Trương Phúc Loan lạm dụng quyền bính dưới triều chúa Nguyễn Phúc Thuần khiến năm 1774 quân Trịnh lấy cớ đánh chiếm Phú Xuân (Huế), chúa phải chạy vào Quảng Nam, trú tại làng Cu Đê. Trước hoàn cảnh “lưỡng đầu thọ địch” (trong là quân Tây Sơn, ngoài là quân Trịnh), chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) xuống thuyền vượt biển vào Nam, để Hoàng Tôn Dương ở lại tính kế chống giữ. Quân Tây Sơn thiện chiến, dưới sự chỉ huy của Tập Đình đã tấn công Cu Đê, bắt giữ Hoàng Tôn Dương. Trận chiến uy hiếp, cờ phát, súng nổ, dân hoảng loạn chạy tán loạn và ngọng nghịu truyền tin như vậy.

Xét hai chuyện trên, người ta tin vào chuyện sau hơn. Bởi vì, quân Tây Sơn phất cờ đỏ làm hiệu lênh, lại là quân đội dùng nhiều súng hỏa hổ nhất so với các đội quân trước đó, đúng như câu nói “đầy trời cờ đỏ, bắn loạn ở Trà Bì”!

Đến nay địa danh Trà Bì không còn, tháp Xuân Dương cũng biến mất, chỉ còn lại dấu tích đó đây.
Sau năm 1975 thanh niên địa phương đã dùng máy cày san ủi đất làm sân bóng đá làm phát lộ nhiều phiến đá sa thạch vuông vức, những tượng đá sứt mẻ không còn nguyên vẹn và rất nhiều gạch Hời (một cách gọi khác chỉ người Chàm). Có một số phiến đá sa thạch vuông vức cạnh ước chừng 1,2m trồi lên bị hất xuống rãnh, sau này nhiều người phát hiện khiêng về tập trung nơi miếu cổ gần đó, nhưng cũng có người không kiêng cữ chở về nhà làm tấm lót rửa chân. Thỉnh thoảng, trong khuôn viên quanh tháp Hời, có người khi làm nhà đã phát hiện những linga, yoni được chế tác tinh xảo. Mới đây có tin đồn rằng có người đã đào được cả tượng kỳ lân bằng vàng Hời (?).

Những tháp Quá Giáng, Phong Lệ nằm sâu trong đất liền còn thành phế tích, huống gì tháp Xuân Dương đứng chông chênh bên bờ biển lắm mưa nhiều bão. Đứng trên khuôn viên từng là tháp Hời xưa, có cảm giác như chân tháp run rẩy với những tượng thờ bị vùi sâu bên dưới. Chạnh nghĩ, bao giờ thì những “bí ẩn” dưới chân tháp Hời đó mới được phát lộ dưới ánh mặt trời?...

ĐẶNG DÙNG

;
.
.
.
.
.